40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc – Những thời khắc đáng nhớ

Cách đây tròn 40 năm, ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. 40 năm qua, trải qua nhiều thời khắc đáng nhớ, mối quan hệ giữa Việt Nam và tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh không ngừng được cải thiện và phát triển theo hướng ngày càng sâu rộng và hiệu quả.

Ngày 14/1/1946

Khi các nước Đồng minh thành lập LHQ với khóa họp đầu tiên ngày 10 tháng 1 năm 1946 tại London thì ngày 14 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập LHQ. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng tại LHQ và trên thực tế khi đó Việt Nam chưa được nước nào trên thế giới công nhận nên việc gia nhập LHQ chưa thể thực hiện được.

Nhưng Việt Nam được gia nhập ngôi nhà chung LHQ đã là khát vọng luôn thường trực, hối thúc người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi rất nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, các đại diện của Mỹ, Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Anh… trong đó có bức điện được đăng trên báo Cứu Quốc: “Chúng tôi tha thiết kêu gọi các ngài hãy mang vấn đề của chúng tôi ra trước Đại hội đồng LHQ nghiên cứu kỹ càng. Chúng tôi sẽ rất biết ơn quý ngài nếu quý ngài nói cho thế giới biết những ước nguyện sau này của quốc dân chúng tôi. Quốc dân chúng tôi đã giành được quyền độc lập và giữ vững nền độc lập, thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy, và nhận chúng tôi vào Hội đồng LHQ”. Dù vậy, những lời lẽ thống thiết của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam non trẻ đã không được hồi đáp.

Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Trong ảnh: Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (thứ hai, từ phải sang) dự lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc. Ảnh: Tư liệu

Ngày 14/12/1960

Tuy lời đề nghị gia nhập LHQ chưa được chấp thuận, nhưng bằng thực tế cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập tự do, Việt Nam dần nhận được sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế. Năm 1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đã trở thành nguyên cớ cho việc LHQ thông qua Nghị quyết rất nổi tiếng của Đại hội đồng, Nghị quyết 1514 ngày 14/12/1960 về việc trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, dân tộc thuộc địa. Nghị quyết 1514 tạo ra làn sóng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, buộc các nước thực dân đô hộ phải trao trả độc lập cho các thuộc địa, kéo theo đó là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng thành viên của LHQ trong những năm 1960. Năm 1960 sở dĩ được gọi là “Năm Châu Phi” với 16 nước châu Phi được trao trả độc lập và tham gia LHQ. Mong muốn Việt Nam đứng trong ngôi nhà chung tới thời điểm này đã không còn là mong muốn của riêng Việt Nam.

Tháng 7/1975

Sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đến năm 1975 khi đất nước hoàn toàn thống nhất, quá trình vận động Việt Nam vào LHQ mới được tiếp tục. Tháng 7/1975, lần đầu tiên Việt Nam có đại diện xuất hiện trước LHQ để đệ đơn xin gia nhập vào tổ chức này. Hai đoàn đại biểu hai miền Bắc và Nam Việt Nam lên đường tới New York để vận động gia nhập LHQ. Đại hội đồng LHQ đã đặc cách mời hai đoàn đại biểu Việt Nam ngồi trong hai bàn đầu của hội trường và thông qua dự thảo nghị quyết do Algeria – Chủ tịch phong trào không liên kết giới thiệu. Các nước đều hoan nghênh và ủng hộ hai miền Việt Nam tham gia LHQ. Tuy nhiên Mỹ đã đơn độc dùng quyền phủ quyết của ủy viên thường trực HĐBA để ngăn cản Việt Nam gia nhập LHQ.

Ngày 20/9/1977

Phải đến năm 1977, với sự ủng hộ tiếp tục mạnh mẽ của bạn bè quốc tế và khi nước Mỹ có Tổng thống mới thì tình thế mới thay đổi. Tháng 1 năm 1977, tân Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nới lỏng cấm vận, đồng ý Việt Nam vào LHQ. 9h sáng ngày 21/9/1977, lễ thượng cờ Việt Nam được chính thức tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Chủ tịch Đại Hội đồng, Tổng Thư ký LHQ, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu cùng đại diện Việt kiều và bạn bè Mỹ đã dự buổi lễ. Ngày 20/9/1977, trở thành mốc son đánh dấu sự công nhận của cộng đồng quốc tế với một nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, mở ra thời kỳ mới để Việt Nam bước vào hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các quan chức cao cấp của LHQ tại trụ sở LHQ ngày 30/5/2017.

Ngày 16/10/2007

Trở thành thành viên LHQ, LHQ đã tích cực giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn nhiều mặt. Cho tới cuối những năm 1980, LHQ chiếm tới gần 60% tổng số viện trợ cho Việt Nam ngoài nguồn từ các nước xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, viện trợ không hoàn lại của LHQ cho Việt Nam đạt trên 630 triệu USD. Bước sang giai đoạn 2006-2011, viện trợ của LHQ cho Việt Nam đạt trên 400 triệu USD. Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn LHQ làm cơ sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống LHQ, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế. Hoạt động nổi bật nhất trong giai đoạn này là việc ngày 16/10/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 -2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh Hội đồng Bảo an phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, thêm vào đó là những thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại. Tuy nhiên, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Tháng 9/2017

Tháng 9/2017 này đánh dấu tròn 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Trải qua 4 thập kỷ kể từ khi gia nhập ngôi nhà lớn của thế giới, bằng sự kiên trì, phấn đấu nghiêm túc, bằng trí tuệ bản lĩnh Việt Nam, quan hệ Việt Nam – LHQ đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả phương diện chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế và trên nhiều cấp độ, từ phối hợp thực hiện các chương trình quốc gia, khu vực cho đến việc tham gia chia sẻ trách nhiệm, hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trên mọi cương vị và lĩnh vực hợp tác với LHQ, Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm thành viên, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực, phấn đấu vì các mục tiêu chung của LHQ.

Tại lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, người dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự hỗ trợ hết sức quý báu của LHQ và cộng đồng quốc tế trong quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh, phát triển và đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.

Tại lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ được tổ chức ngày 14/9/2017 tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố Geneva của Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các cơ chế của Liên hợp quốc vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường quy mô tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, đẩy mạnh thực hiện sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ tại Việt Nam và cùng các nước ASEAN tích cực thúc đẩy cũng như làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác giữa ASEAN và LHQ, trên cơ sở Hiến chương LHQ và Hiến chương ASEAN. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng mong muốn các nước ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.❏

Anh Thư

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/40-nam-viet-nam-gia-nhap-lien-hop-quoc-nhung-thoi-khac-dang-nho/184449