4 phu vàng tử vong do ngạt khí: Bảo kê hay buông lỏng quản lý?

Tại sao cứ phải đợi đến khi có thương vong xảy ra, đến khi tang tóc bao trùm cả một vùng quê thì nhiều người mới biết là có sự tồn tại của hầm vàng chui này, hầm vàng trái phép kia.

Ngày 12/4 một vụ sập hầm vàng khai thác chui xảy ra ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam khiến 4 người tử vong, trong đó có 3 người là anh em trong một nhà.

Những phu vàng chui dĩ nhiên đã phải đánh đổi cả sinh mạng vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo. Họ đã phải trả cái giá quá đắt. Thế nhưng, dù là lỗi của ai thì chắc hẳn vẫn phải có ai đó gánh một phần trách nhiệm cho cái chết của những người lao động tội nghiệp ấy.

Vụ sập hầm khai thác vàng hôm 12/4 thêm một lần nữa cảnh báo về công tác quản lý của cơ quan nhà nước trong hoạt động nói trên. Điều đáng lo ngại là những vụ tai nạn thường gây tử vong tập thể, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình các nạn nhân và xã hội.

Những phu vàng vì phải hoạt động chui, mang tính tự phát nên thường không được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ; công tác và kỹ thuật khai thác thô sơ, thiếu an toàn. Thậm chí, những kỹ năng sống, kỹ năng cứu hộ tối thiểu cũng ít được đào tạo, rèn luyện. Khi ấy cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý, của người có trách nhiệm nếu không những vụ tại nạn thương tâm xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

Chủ tịch huyện Nam Giang, ông A Lăng Mai thừa nhận khó quản lý việc khai thác vàng "chui" trên địa bàn vì huyện quá rộng, lao động vãng lai khó kiểm soát.

Thế nhưng, mới đây, trả lời báo điện tử Người đưa tin Chủ tịch UBND huyện Nam Giang thừa nhận có sự khó khăn trong việc quản lý hoạt động làm vàng ‘chui’ vì có sự xuất hiện của những lao động vãng lai và do địa bàn quá rộng.

Địa bàn rộng quá đến nỗi ông Chủ tịch huyện Nam Giang có thể không biết âu cũng là điều dễ hiểu, bởi ông không thể đi hết cả huyện để xem ai khai thác vàng trái phép, vàng chui. Thế nhưng các cán bộ cấp dưới của ông thì sao? Không lẽ, một hầm khai thác vàng mọc lên cả tháng trời mà phía chính quyền thôn, xã lại không ai hay?

Tại sao cứ phải đợi đến khi có thương vong xảy ra, đến khi tang tóc bao trùm cả một vùng quê thì nhiều người mới biết là có sự tồn tại của hầm vàng chui này, hầm vàng trái phép kia.

Dư luận có quyền đặt dấu hỏi về việc có hay không sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm ở địa phương? Hay có ai đó đã cố tình làm ngơ, bảo kê cho những hoạt động trái pháp luật này?

Cần phải nhấn mạnh rằng, pháp luật về khai thác và quản lý khoáng sản đã có quy định rất rõ về quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã. Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình UBND cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm: Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản;

Đồng thời, UBND cấp huyện và UBND cấp xã phải thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản.

Một chi tiết rất đáng lưu ý và đáng để nhiều người phải suy ngẫm, đó là phu vàng trước khi bị ngạt khí độc đã nổ mìn để thực hiện hoạt động khai thác. Và chắc chắn đây không phải là lần nổ mìn đầu tiên trong chuỗi các hoạt động khai thác vàng chui của những lao động này. Vẫn câu hỏi ấy, tại sao cơ quan chức năng ở địa phương lại không hề hay biết?

4 mạng người đã ra đi, cơ quan điều tra được giao trách nhiệm tích cực điều tra xem nguyên nhân dẫn đến tai nạn là gì, họ thực chất đào vàng hay chỉ đào đá vôi. Vẫn chưa thấy những chỉ đạo quyết liệt, những mổ xẻ nghiêm khắc về trách nhiệm của quản lý tại địa bàn để xảy ra sự việc nghiêm trọng.

Thiết nghĩ, công tác quản lý, thường xuyên thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản chui ở huyện Nam Giang nói riêng và nhiều địa phương nói chung còn cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Đâu đó vẫn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm mà đến khi “sự đã rồi” chính quyền sở tại mới biết thì chứng tỏ việc quản lý vẫn buông lỏng.

Nhưng vấn đề sâu xa hơn là những giải pháp căn cơ mang tính bền vững liên quan đến công ăn việc làm cho những lao động nghèo. Việc tạo một cuộc sống ổn định sẽ giúp họ không phải mưu sinh bằng những “canh bạc” đánh đổi cả sinh mạng như thế.

Nhất Phiến

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/4-phu-vang-tu-vong-do-ngat-khi-bao-ke-hay-buong-long-quan-ly-a236238.html