4 mặt hàng người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google

Theo đại diện Google, 4 ngành hàng có lượng tìm kiếm nhiều nhất và có doanh số thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam là: thời trang, phụ kiện, sách và điện gia dụng. Thương mại di động đóng góp tới 30% doanh thu của các trang thương mại điện tử Việt Nam.

Thwowmg mại điện tử ở Việt Nam đã đạt doanh số 4 tỷ USD trong năm 2015. Ảnh minh họa: Internet

Tại Vietnam Mobile Day 2016 diễn ra ở Hà Nội mới đây, bà Hoàng Ngọc Yến, Quản lý đối tác chiến lược của Google cho hay, năm 2016 tìm kiếm trên mobile tăng rất mạnh ở thị trường Việt Nam. Trong đó, 4 ngành hàng có lượng tìm kiếm nhiều nhất và có doanh số thương mại điện tử lớn nhất là: thời trang, phụ kiện, sách và điện gia dụng.

Trong năm 2016, tăng trưởng tìm kiếm chủ yếu trên mobile và tăng cả về số lượng và về chất. Thương mại di động đóng góp tới 30% doanh thu của các trang thương mại điện tử Việt Nam.

Người dùng Việt Nam còn có xu hướng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến mua sắm trực tuyến đa màn hình, nhiều người dùng cả laptop và mobile để mua sắm. Khi bắt đầu tìm kiếm một món hàng điểm bắt đầu là từ mobile. Có tới 65% người mua sắm online bắt đầu tìm kiếm sản phẩm từ mobile, sau đó có 61% trong số này quay trở lại tiếp tục mua hàng trên máy tính. Mobile là có tập khách hàng rất lớn với 35 triệu người dùng do đó tiềm năng của thương mại di động ở Việt Nam vô cùng lớn.

Bà Hoàng Ngọc Yến cũng chia sẻ một số giải pháp thành công để phát triển thương mại điện tử trên mobile, đó là: Các hãng thương mại điện từ cần phải kiểm tra độ thân thiện của trang mobile, vào trang web có thấy có giao diện mobile chưa, tiêu chuẩn có thứ hạng cao với Google đó là trang web đó phải thân thiện với mobile.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra tốc độ load trang mobile, ngoài việc tìm kiếm người dùng có thể chia sẻ các thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trải nghiệm trên mobile. Ở Việt Nam hiện tại hạ tầng Internet rất chậm nên cần phải thiết lập làm sao để khi vào một trang cần có thời gian load là 5 giây tối đa.

Bà Yến cho hay, hiện nhiều trang thương mại điện tử lớn trên thế giới đã dùng công nghệ progessive web apps để tăng tốc độ truy cập vào các trang thương mại điện tử. Công nghệ này cho phép truy cập rất tiện lợi, tải site nhanh, tăng tương tác với người dùng, khách hàng không phải tải app về mà vẫn tương tác mượt hơn nhiều lần. Nhiều trang công nghệ lớn trên thế giới đã dùng công nghệ này rồi, cho thấy lượng đặt hàng qua mobile có thể tăng lên 70%.

Thương mại điện tử trên di động được coi là một xu thế tất yếu của thương mại điện tử trong tương lai. Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho hay, doanh số thương mại điện tử ở Việt Nam đạt 3 tỷ USD vào năm 2014 và tăng lên 4 tỷ USD vào năm 2015. Trong đó, ngành hàng người dùng mua sắm online nhiều nhất là: Thức ăn, thời trang, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe.

Cũng theo nghiên cứu của Niesen, số lượng người dùng điện thoại thông minh trong số những người đang có điện thoại Việt Nam là gần 70% ở khu vực thành thị, nông thôn là gần 40%.

Smartphone đang làm thay đổi những thói quen, mua sắm. Và khi mua sắm online có một số lĩnh vực mà người dùng quan tâm nhất là: Quà tặng và giảm giá (có 80% người mua hàng liên quan đến khuyến mãi).

Thứ hai là danh mục bán chạy nhất. Có nhiều mặt hàng được mua online nhiều hơn offline như hàng điện tử, hàng cho trẻ em. Ở Trung Quốc có hơn 30% hàng cho trẻ em được bán qua online. Người mua tìm kiếm thương hiệu không phải theo ngành hàng mà qua các website, do đó các nhãn hàng phải làm sao để trang web của mình có trong danh mục các mặt hàng bán chạy nhất.

Theo báo cáo của Nielsen, 9 trong 10 người Việt (91%) sở hữu điện thoại thông minh như là thiết bị cá nhân của họ, so với mức 82% trong năm 2014. Bên cạnh đó, thiết bị truyền hình cáp (Pay TV/cable TV - 79%), máy tính xách tay (78%) và máy tính để bàn (75%) vẫn là các thiết bị hàng đầu được người Việt sở hữu. Mức độ sở hữu smart TV/TV kết nối và máy tính bảng vẫn được duy trì ở mức cao (>43%).

Khi nói đến các thiết bị được người Việt sử dụng để kết nối Internet, 31% thường xuyên truy cập bằng smartphone và 38% sử dụng máy tính xách tay của họ.

Tại Việt Nam nhóm người tiêu dùng độ tuổi từ 21 – 29 tuổi dành nhiều thời gian nhất để online, lên đến 27,2 giờ mỗi tuần; tăng mạnh nhất so với các nhóm tuổi khác. Nhóm tuổi tiếp theo dành nhiều thời gian để truy cập trực tuyến là nhóm nhóm tuổi từ 40 trở lên, trung bình khoảng 22,6 tiếng/tuần.

Khôi Nguyên

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/kinh-doanh/4-mat-hang-nguoi-viet-tim-kiem-nhieu-nhat-tren-google-139957.ict