4 điều giết chết một cuộc hôn nhân

4 điều dưới đây có thể giết chết một cuộc hôn nhân, vì vậy các cặp vợ chồng cần tuyệt đối tránh chúng.

Khinh bỉ, không tôn trọng nhau

Khinh bỉ chồng/vợ mình hay gia đình chồng/vợ cũng là một trong những điều giết chết cuộc hôn nhân của bạn. Nó là nguyên nhân số một của các vụ ly hôn. Những hành vi thể hiện sự khinh bỉ bao gồm ánh mắt, giọng điệu mỉa mai, châm chọc, thù địch hay gọi tên chửi thề.

Robert R. Rodriguez, chuyên gia tâm lý học tại Chicago, Illinois, Mỹ cho biết: Khinh bỉ nửa kia là một cách chắc chắn để phá hủy tình yêu nếu bạn muốn vậy. Bạn có thể ngăn chặn sự khinh bỉ bằng cách tạo dựng thói quen thường xuyên mô tả cảm xúc và nhu cầu của mình để người kia được biết thay bằng việc luôn nhìn vào lỗi lầm, sai phạm của đối phương.

Sự khinh bỉ phát triển khi một trong hai bên cảm thấy người kia không có giá trị. Hãy tạo thói quen nói với anh/cô ấy rằng bạn cảm kích về những điều họ đã làm cho mình, cho gia đình. Dù có thể đó chỉ là việc lặt vặt như rửa bát, cắm cơm, lau nhà hay đi đổ rác.

Chỉ trích

Một trong những điều đầu tiên có thể giết chết cuộc hôn nhân của bạn chính là thường xuyên chỉ trích chồng/vợ mình.

Chỉ trích không chỉ đơn giản là phàn nàn với nửa kia về việc chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa, mức độ quan tâm tới nhau mà nó rất dễ làm tổn thương vợ/chồng bạn. Cuộc tranh luận của hai người sẽ đi xa hơn, trở thành cuộc cãi vã bởi những câu nói trong lúc tức giận. Lời nói không được kiểm soát trong lúc tức giận vô tình xúc phạm tới lòng tự trọng, tự tôn của nửa kia.

Thay vì dùng những từ ngữ, lý lẽ không hay và khó nghe để nói với vợ/chồng mình, hãy cố gắng bình tĩnh, nhẹ nhàng chia sẻ những gì bạn đang cảm thấy bất ổn trong cuộc sống vợ chống và các  mối quan hệ của hai người. Hãy nói cho người bạn đời của mình biết bạn mong muốn những gì từ họ.

Luôn đề phòng, đổ lỗi

Cùng chung sống dưới một mái nhà mà vợ/chồng luôn đề phòng do không tin tưởng nhau thì cuộc hôn nhân đó thật khó duy trì. Khi một trong hai người đề phòng với chính người “đầu gối tay ấp” của mình thì tình yêu chắc chắn đã không còn. Sự nghi ngờ do tâm lý đề phòng và không tin tưởng có thể dẫn đến những cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng làm cho không khí gia đình căng thẳng, mối quan hệ của các thành viên trong gia đình xấu đi.

Thêm vào đó, đổ lỗi cho vợ/chồng khi có chuyện gì đó xảy ra không theo ý mình cũng là điều các cặp vợ chồng nên tránh. Bạn nên bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề và lưu ý rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” – hãy xem lại bản thân mình trước khi đổ lỗi cho nửa kia. Giải thích và nhận lỗi, chịu trách nhiệm để cả hai thực sự hiểu nhau hơn là chìa khóa ứng xử khi có điều gì trong gia đình xảy ra không theo ý muốn của mình.

Không chia sẻ

Khi vợ chồng có bất hòa, hãy tìm cơ hội để chia sẻ với nhau thay vì im lặng, lảng tránh đối phương. Nếu bạn đi vào phòng ngủ và nhất định không chịu nói chuyện, bạn sẽ làm cho mối quan hệ của hai người trở nên bế tắc.

Nếu bạn cảm thấy khó chịu trong mối quan hệ của hai người, hãy để cả hai bình tĩnh lại rồi mới tiếp tục thảo luận về vấn đề gây tranh cãi. Nên xem lại tình cảm của cả hai, rằng hai người đã quan tâm nhiều đến nhau chưa, đã thực sự hiểu nhau... Đừng im lặng quá lâu vì sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/4-dieu-giet-chet-mot-cuoc-hon-nhan-108527.html