4 điểm nóng của thị trường bán lẻ công nghệ nửa cuối năm

Q-mobile sẽ bán xe đạp điện, thêm điện thoại Nhật vào Việt Nam, hay thương vụ FPT Shop sẽ làm nóng thị trường bán lẻ công nghệ những tháng cuối năm.

6 tháng cuối năm sẽ là dịp để doanh nghiệp tăng tốc hoàn thành những mục tiêu đặt ra trước đó, hoặc mở ra những hướng kinh doanh mới. Bốn sự kiện dưới đây là những điểm nóng ảnh hưởng đến bức tranh toàn cảnh của lĩnh vực bán lẻ trong nước.

Q-mobile đi bán xe đạp điện?

Thị trường điện thoại thương hiệu Việt đang nóng lên bởi tin đồn Q-mobile - một trong hai hãng điện thoại thương hiệu Việt lớn nhất Việt Nam – chuẩn bị bán… xe đạp điện.

Thương hiệu Q sẽ gắn lên xe đạp điện? - Ảnh: H.Đ

Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Quang Minh – CEO Q-mobile – cho biết mọi thứ vẫn “đang trong kế hoạch, chưa có gì rõ ràng”. Chứng tỏ Q-mobile đang có những dự định khác ngoài mảng điện thoại, vốn làm nên tên tuổi của công ty. Nếu bán xe đạp điện, Q-mobile sẽ đi con đường khá giống với HKbike. HKbike từng có thương hiệu điện thoại HKphone – thương hiệu điện thoại Việt, nhưng sau đó công ty ngưng kinh doanh điện thoại và chuyển hẳn sang kinh doanh xe đạp điện.

Không giống HKphone, khả năng Q-mobile bỏ hẳn mảng kinh doanh di động sẽ rất thấp, vì hiện nay hãng vẫn có các điện thoại cơ bản và smartphone đang bán ở các hệ thống lớn. Việc giữ lại mảng di động sẽ góp phần tạo dựng thương hiệu Q tốt hơn.

Thêm điện thoại Nhật chính hãng vào Việt Nam

Ngoại trừ Sony, các hãng điện thoại Nhật chính hãng hiếm khi có mặt tại Việt Nam. Dòng điện thoại Nhật một thời từng nổi lên, với các thương hiệu Panasonic, Sharp, Toshiba, NEC, Fujitsu,… nhưng tất cả đều gia nhập qua đường xách tay. Sắp tới, có thông tin khẳng định Freetel – một thương hiệu điện thoại Nhật Bản – sẽ gia nhập thị trường Việt Nam vào quý 4 năm nay.

Những điện thoại Freetel có thể về Việt Nam quý 4 - Ảnh chụp màn hình

Trong một bài viết vào đầu tháng này, trang Nikkei (Nhật Bản) cho hay Freetel sẽ mở rộng thị trường nước ngoài sang nước thứ 8, thứ 9, nhằm đạt mục tiêu bán được 10 triệu chiếc đến năm tài khóa 2018. Freetel, chuyên bán điện thoại không qua nhà mạng, chiếm 56% thị phần của dạng bán hàng tại Nhật (đa số điện thoại tại Nhật bán qua nhà mạng).

Trả lời ICTnews, nhà phân phối Digiworld xác nhận họ sẽ phân phối điện thoại Freetel trong vòng 2 tháng tới. Phân khúc giá của các smartphone thương hiệu này sẽ vào khoảng 2-4,5 triệu đồng, là phân khúc chiếm khoảng 41% thị trường – theo số liệu GfK tháng 6/2016.

Có Freetel, Digiworld sẽ thêm một thương hiệu nữa trong loạt các hãng tầm trung mà công ty này phân phối tại Việt Nam. Từ đây bức tranh của nhiều công ty phân phối sẽ dần hiện rõ trong bối cảnh các nhà bán lẻ lớn đang tự mình nhập hầu hết hàng hóa, không qua công ty trung gian.

Nokia trở lại thị trường Việt Nam

Thông tin Nokia sẽ trở lại thị trường, trong đó có Việt Nam, gây sốt trong thời gian gần đây. Vào hôm 27/7, đại diện ngành hàng thiết bị di động của Microsoft đã có buổi gặp với nhà phân phối FPT, nhằm cập nhật các thông tin về việc hãng bán nhà máy tại Việt Nam và công nghệ sản xuất liên quan đến feature phone (điện thoại cơ bản) cho Công ty Foxconn hồi tháng 5 vừa qua. Thương vụ này bao gồm các mảng sản xuất feature phone bao gồm các bằng sáng chế công nghệ liên quan đến tất cả dòng feature phone của Nokia mà Microsoft sở hữu trong thời gian 8 năm. Và Microsoft vẫn sở hữu thương hiệu của các dòng sản phẩm Lumia và những công nghệ sản xuất liên quan.

Hình ảnh Nokia sẽ được làm mới và trở lại Việt Nam cuối năm nay - Ảnh: H.Đ

Đặc biệt, đại diện Microsoft cho biết đang làm việc với các đối tác và nhà cung cấp để làm mới hình ảnh thương hiệu Nokia tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Điều này cho thấy Nokia đang chuẩn bị cho sự trở lại của hãng trong thời gian không xa, rất có thể sẽ vào cuối năm nay.

Buổi gặp giữa Nokia và FPT Trading cũng tiết lộ thông tin cho biết, Nokia sẽ ra các điện thoại cơ bản vào quý 4/2016, và ra smartphone Android vào quý 2/2017.

Thương vụ FPT Shop hoàn tất

Tập đoàn FPT cho biết sẽ thoái vốn khỏi mảng bán lẻ và phân phối để tập trung phát triển như một công ty công nghệ thuần túy. Do đó, FPT Shop và FPT Trading đang được kêu gọi để các nhà đầu tư rót vốn. Thương vụ này sẽ hoàn tất vào cuối năm nay, theo kế hoạch FPT đã từng thông tin cho báo giới.

Một cửa hàng trong chuỗi FPT Shop - Ảnh: fptshop.com.vn

Gần đây nhất, hôm 10/8, trao đổi với ICTnews, bà Nguyễn Bạch Điệp – Tổng giám đốc FPT Shop – cho biết thương vụ này vẫn chưa hoàn tất, dù cho có các tin đồn về việc đã chốt nhà đầu tư rót vốn chính vào chuỗi bán lẻ này. Bà Điệp cho biết FPT Shop đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đánh giá năng lực để trình các nhà đầu tư, việc tìm kiếm và chốt thương vụ do tập đoàn FPT thực hiện.

FPT Shop nếu kiếm được nhà đầu tư trong năm nay sẽ là một sự kiện rất đáng chú ý trong ngành bán lẻ hàng công nghệ. Do chuỗi này đang là hệ thống bán lẻ đứng thứ hai thị trường về quy mô cửa hàng, chỉ sau Thế Giới Di Động, và có tốc độ phát triển rất nhanh; quý I/2016 tăng 35% doanh thu so với quý cùng kỳ năm ngoái. Có thêm nhà đầu tư, thêm tiền, chắc chắn chuỗi này sẽ thêm nguồn lực để phát triển, thị trường bán lẻ sẽ sôi động thêm lên.

H.Đ

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/kinh-doanh/4-diem-nong-cua-thi-truong-ban-le-cong-nghe-nua-cuoi-nam-142451.ict