4 cơ quan phối hợp tích cực điều tra, xử lý vụ án tại PVC

Chiều 7/6, diễn ra hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng Viện KSND Tối cao, Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2016, nhiệm vụ, giải pháp năm 2017.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TN

Đẩy nhanh tiến độ giải quyết một số “đại án” tham nhũng

Theo báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện các Quy chế cho thấy, phối hợp công tác giữa các cơ quan đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố 11 vụ/169 bị can. Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao đã truy tố, xét xử sơ thẩm 08 vụ/121 bị cáo, xét xử phúc thẩm 07 vụ/52 bị cáo.

Các vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã xét xử sơ thẩm 03 vụ/10 bị cáo, xét xử phúc thẩm 02 vụ/03 bị cáo.

Còn các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương giao tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý, đến nay các cơ quan đã phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý và kết thúc xử lý 100 vụ án, vụ việc; đang tiếp tục phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý 165 vụ án, vụ việc.

Đáng chú ý, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với các cơ quan phối hợp tham mưu đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

Điển hình như các vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, các vụ án đang điều tra thuộc giai đoạn 2 (vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm, vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm, vụ án Dương Thanh Cường và đồng phạm, vụ án Phạm Văn Cử và đồng phạm, vụ án Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm); đã đưa ra xét xử phúc thẩm 07 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; xét xử sơ thẩm 3/6 vụ án, bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Cử cán bộ có trách nhiệm tham gia 8 Đoàn kiểm tra

Thời gian tới, các cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; giúp Ban Chỉ đạo, Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Cùng với đó, cử cán bộ có kinh nghiệm, trách nhiệm tham gia 8 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo về kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại 20 địa phương.

Kết luận hội nghị, theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, các cơ quan cần phối hợp xây dựng đề án "Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng"; tăng cường phối hợp, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 3 vụ án còn lại theo thông báo của Thường trực Ban chỉ đạo là vụ Hà Văn Thắm, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyệt Việt Hoàng.

“Sớm kết thúc điều tra, xử lý giai đoạn II các vụ án: Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Vũ Quốc Hảo, Lâm Ngọc Khuân, Dương Thanh Cường, Phạm Văn Cử; tích cực điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án”, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng đề nghị, cần tổng kết một số vụ án tham nhũng lớn, phức tạp đã được xử lý dứt điểm để đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác phối hợp.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/4-co-quan-phoi-hop-tich-cuc-dieu-tra-xu-ly-vu-an-tai-pvc_t114c67n120038