30 phút 'chạy' 270 km, lấy 2 bản cung 2 nơi: VKS nhận sai tố tụng

Việc điều tra viên vừa lấy lời khai tại TP.HCM, chỉ trong 30 phút có thể 'chạy' 270 km hỏi cung tại An Giang, đã dấy lên một luồng ý kiến hoài nghi về sai phạm nghiêm trọng trong tố tụng…

Vụ án xét xử đường dây Lê Dũng và đồng phạm bị truy tố về tội “Buôn lậu”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “hối lộ và nhận hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”… đang bước sang những ngày xét xử cuối cùng.

Tại phiên xét hỏi, hơn 20 bị cáo là công chức hải quan tỉnh An Giang đứng trước Hội đồng xét xử (HĐXX) đã phản cung, tố cáo hành vi ép cung, mớm cung của các điều tra viên (ĐTV) thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM và khẳng định rằng họ làm đúng với quy trình, quy định của nhà nước.

Hơn 30 luật sư tham gia phiên xét xử, đã đưa ra rất nhiều bằng chứng, lập luận thể hiện quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình.

Lộ diện sự cẩu thả của cơ quan tố tụng

Trong phần tranh luận, một số luật sư đã phân tích, bào chữa về trách nhiệm của các công chức hải quan An Giang trong quá trình làm nhiệm vụ của chính mình. Từ việc, các tờ khai hải quan được ký khống, đến việc giám sát áp dụng quy định quản lý rủi ro trong ngành hải quan.

Liên quan tới phần tố tụng, các luật sư cung phân tích nhiều góc độ khác nhau, trong quá trình điều tra, hỏi cung các bị cáo.

Nhiều cán bộ, công chức hải quan phải đứng trước vành móng ngựa vì bị cáo buộc liên quan tới việc ăn hối lộ, ký khống nhiều tờ khai hải quan

Nhiều cán bộ, công chức hải quan phải đứng trước vành móng ngựa vì bị cáo buộc liên quan tới việc ăn hối lộ, ký khống nhiều tờ khai hải quan

Từ những lời phản cung và những biên bản hỏi cung của ĐTV Đinh Văn Toàn (thuộc PC46, Công an TP.HCM) có trong các bút lục (BL).

Luật sư cho rằng, HĐXX cần phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ và biên bản lấy lời khai của ĐTV. Cụ thể, trong 1 ngày, ĐTV có thể hỏi cung rất nhiều bị cáo và giờ hỏi cung lại quá trùng khớp, điều này cho thấy sự bất hợp lý trong quá trình điều tra, có thể bị tạo dựng, có thể không khách quan và đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự?

Cụ thể, tại biên bản hỏi cung bị can Lê Phi Thu do ĐTV Đinh Văn Toàn và Lê Trung Luân thực hiện từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút ngày 10/9/2015 (BL4059), cũng trong khung giờ này, cùng ngày ĐTV Đinh Văn Toàn và kiểm sát viên (KSV, Viện KSND TP.HCM) Đoàn Thanh Khiết lại lập biên bản hỏi cung bị can Nguyễn Văn Biên, với sự chứng kiến của luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (BL3198).

Còn biên bản hỏi cung bị can Nguyễn Phi Công cũng do ĐTV Đinh Văn Toàn và Lê Trung Luân thực hiện từ 10 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút ngày 28/12/2015 (BL3467) và cũng trong khung giờ này, cùng ngày hai ĐTV này cũng lại có biên bản hỏi cung bị can Thái Thanh Nguồn (BL3302).

Kinh ngạc hơn, vào 10 giờ, ngày 12/12/2014, ĐTV Đinh Văn Toàn lập biên bản hỏi cung bị can đối với ông Nguyễn Thanh Lâm. Việc lập biên bản lời khai này cũng diễn ra tại trụ sở PC46, địa chỉ 324 Hòa Hưng, quận 10, TP.HCM. Biên bản kết thúc lúc 11g45 cùng ngày. Cần lưu ý rằng, tại thời điểm này, bị cáo Lâm đang bị tạm giam, việc trích xuất người bị tạm giam để hỏi cung phải tuân thủ quy trình chặt chẽ của trại giam. Khi vừa hỏi cung bị can Lâm, 30 phút sau, tức 10 giờ 30 phút, cùng ngày, ĐTV Đinh Văn Toàn lại xuất hiện ở An Giang để tiến hành lấy lời khai ông Nguyễn Văn Biên (nguyên chi Cục trưởng hải quan cửa khẩu Khánh Bình). Biên bản lấy lời khai ông Biên kết thúc vào lúc 12 giờ cùng ngày!

Đại diện Viện KSND nói rằng các biên bản hỏi cung có dấu hiệu vi phạm tố tụng sẽ không được xem là bằng chứng, chứng cứ kết tội các bị cáo

Viện thừa nhận sai

Từ những bằng chứng, lập luận xác đáng của luật sư bào chữa cho các bị cáo là công chức hải quan An Giang. Trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND TP.HCM, giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm do TAND cùng cấp mở, thừa nhận rằng đã có sai sót trong quá trình tố tụng.

Công tố viên nói rằng, hàng chục bản bút lục ghi nhận lời khai cung của ĐTV có dấu hiệu vi phạm tố tụng về việc hỏi cung trùng giờ, thiếu chữ ký của điều tra viên, kiểm sát viên…. Theo đó, công tố viên cho biết sẽ xem xét và không coi những bản cung đó là bằng chứng để buộc tội các bị cáo.

Một vụ án có tới 40 bị can bị khởi tố, trong đó gần 30 công chức hải quan bị cáo buộc "dính chàm". Từ kết luận điều tra của PC46, cụ thể là các bản hỏi cung của ĐTV, KSV đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng, phía Viện KSND nói sẽ không coi bản cung có dấu hiệu vi phạm tố tụng là bằng chứng kết tội, có thể cho thấy rằng việc các bị cáo kêu oan trước tòa, cho rằng bị ép cung, mớm cung là có căn cứ.

Như vậy, khi các bản cung có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng tố tụng, không được xem là bằng chứng thì HĐXX sẽ dựa vào đâu để xem xét các hành vi phạm tội mà cơ quan tố tụng truy tố với các bị cáo trong vụ án này?

Sự minh bạch và sáng suốt và số phận cũng các bị cáo đang trông chờ “cán cân công lý” của HĐXX.

Phùng Sơn

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/30-phut-chay-270-km-lay-2-ban-cung-2-noi-vks-nhan-sai-to-tung-a304713.html