30 ngàn tỷ "bốc hơi" do thua lỗ bởi 5 doanh nghiệp nhà nước

“5 dự án thuộc doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ hơn 30 ngàn tỷ đồng, song còn có một số dự án khác tiềm ẩn nguy cơ”.

Đó là nhận định và đồng thời là cảnh báo của người đứng đầu Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội trong ngày thứ ba Quốc hội thảo luận về ngân sách, kinh tế - xã hội (3/11).

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện tại còn tồn đọng nhiều vướng mắc, nếu không tháo gỡ kịp thời thì sẽ có khả năng rơi vào tình trạng kém hiệu quả, nguy cơ gây mất vốn đầu tư từ nguồn lực của Nhà nước và từ nguồn lực xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: vneconomy.vn

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng, bức xúc về các dự án đầu tư ngàn tỷ nhưng thua lỗ, lãng phí, nằm đắp chiếu. Nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng cho rằng thông tin về 5 dự án thua lỗ ngàn tỷ này còn chung chung, thiếu địa chỉ trách nhiệm.

Cụ thể, 5 dự án này là: Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung; Dự án Mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Long An) có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư, đến năm 2009, được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam – Vinapaco; và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định, qua 5 dự án này cần xem xét một số vấn đề lớn. Một là cần báo cáo thực trạng hiện nay của dự án. Thứ hai là quá trình điều hành thực hiện các dự án đầu tư này, vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý cũng như của các chủ đầu tư. Thứ ba là xác định rõ những biện pháp giải pháp để giải quyết thực hiện các dự án theo nguyên tắc bảo vệ, giữ gìn lợi ích của Nhà nước cũng như hiệu quả đồng vốn của Nhà nước. Thứ tư là phải xác định làm rõ trách nhiệm của tất cả các cá nhân cũng như đơn vị có liên quan để từ đó có biện pháp xem xét, xử lý.

Tuy nhiên, trong một góc nhìn khác báo cáo với Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, những dự án đều diễn ra trong thời gian rất dài so với quá trình đầu tư của dự án đã được phê duyệt. Trong quá trình thực hiện có rất nhiều các vướng mắc, có sự thay đổi cả về bối cảnh của thị trường cũng như cả các vấn đề cụ thể trong từng dự án và đã có sự chỉ đạo của các cơ quan các cấp của Nhà nước cũng tháo gỡ, tuy nhiên vẫn chưa đạt được hiệu quả.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm, hiện Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Chính phủ đã thanh tra và có kết luận hướng xử lý tiếp theo. Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên và đạm Ninh Bình, Bộ Công thương đang thanh tra và sắp có kết quả báo cáo Thủ tướng về những biện pháp xử lý dứt điểm.

Sau phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH TP.HCM đã tranh luận và đề nghị, sớm lập danh mục các dự án có nguy cơ thua lỗ, vì chỉ cần một ngày lỗ vài ba tỷ đồng, mỗi năm lỗ năm bảy chục tỷ đồng, dù không đến nghìn tỷ đồng nhưng cộng lại cũng là con số to lớn.

Đông Phong

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/30-ngan-ty-boc-hoi-do-thua-lo-boi-5-doanh-nghiep-nha-nuoc-d49204.html