30 năm bán vé số và nỗi lo cơm áo gạo tiền của người đàn ông khuyết tật

Bị khuyết một bàn tay, bị bỏng nặng ở mặt và bị bướu cổ nặng, dù cuộc sống nhiều vất vả khó khăn, người đàn ông này kiên quyết không nhận tiền của người khác.

Sống hơn nửa đời người, người đàn ông mang trên mình những khiếm khuyết cơ thể, một cánh tay bị cụt, một bên mặt trái bị biến dạng và còn phải gánh theo căn bệnh bướu cổ suốt 20 năm vẫn ngày ngày phải đi bộ từ chợ này đến chợ kia trong Sài Gòn bán vé số để kiếm sống .

Gương mặt có lẽ khá quen thuộc với người dân Sài thành (Ảnh: Dương Tiên).

Tuổi thơ đầy sóng gió

Hơn 30 năm, ông Phạm Đình Trung (50 tuổi, phường Bình Trung, quận 2, TP. HCM), bươn chải mưu sinh giữa Sài Gòn nhộn nhịp để nuôi thân bằng nghề bán vé số dạo.

Chia sẻ về cuộc đời, ông Trung cho biết: 'Tôi không phải do bẩm sinh mà do bị mìn nổ trúng lúc còn nhỏ. Lúc tôi 9 tuổi, cha già yếu, mẹ thì bị bệnh kinh phong, lúc nhỏ mỗi lần bế tôi mà mẹ lên cơn giật làm tôi té riết'.

Lúc mới giải phóng ông Trung cùng mẹ theo người ta lên tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) làm kinh tế mới, do cuộc sống khó khăn với căn bệnh kinh phong kinh niên không làm được bao lâu thì mẹ mất.

Chỉ còn một mình nên ông quyết định lên lại Sài Gòn, vì còn nhỏ mà lại bị tật nên ông chỉ có thể bán vé số vừa nuôi mình vừa nuôi cha già.

Đến 1992, cha cũng mất và ông được người ta giúp đỡ cho giữ xe trong một khu chung cư. Thời gian trôi qua, do sức khỏe không có, ông lại nghỉ giữ xe và quay lại với nghề bán vé số dạo.

Mặc dù thiếu một bàn tay nhưng vẫn kiên cường kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình.

Mang trên mình những khiếm khuyết cơ thể, ông Trung còn mang thêm căn bệnh bướu cổ suốt 20 năm qua.

Ông chia sẻ: 'Lúc phát hiện cổ càng lúc càng to lên bất thường thì tôi cũng sợ lắm, tôi phải chắt chiêu từng đồng tiền lương giữ xe để đi khám. Đến bệnh viện, bác sĩ kêu là bị bướu cổ phải mổ, mà lúc ấy tiền tôi chỉ đủ ăn thôi lấy đâu ra mà mổ'.

Khi ấy, ông Trung chỉ có một mình, ông cho biết, nếu lúc đó có mổ thì ai nuôi, ai chăm sóc, nghĩ vậy nên ông mặc kệ số phận cho đến giờ và cái bướu ở cổ càng ngày càng to theo thời gian.

Ông Trung cho biết thêm, vì cuộc sống vất vả từ nhỏ nên cũng quen. Lúc trước, mỗi khi thấy bạn bè cùng trang lứa được cha mẹ dắt đi ăn, đi chơi nhìn mà muốn khóc. Mặc dù còn nhỏ nhưng ông hiểu rõ hoàn cảnh của mình hơn ai hết.

Sống dần trong khó khăn sẽ giúp người ta trải đời hơn, có nhiều vốn sống hơn. Ông có thể tự lo, tự nuôi mình mà không cần dựa vào ai.

Hạnh phúc muộn màng của tuổi xế chiều

Cả cuộc đời ông Trung, xoay vòng trong nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền và bệnh tật. Ông mang trên mình khiếm khuyết cơ thể nên đâu dám mong muốn có được tổ ấm nhỏ như bao người.

Thời gian trôi qua, tưởng chừng như ông cứ đi sớm về khuya làm tri kỉ với những tờ giấy số, làm bạn với bốn bức tường chặt hẹp nơi căn phòng trọ. Nhưng ông trời vẫn còn thương người tốt và chăm chỉ làm ăn.

Ông Trung chia sẻ: 'Tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới chuyện có gia đình, lúc trẻ thì lo làm nuôi mình, lúc già thì còn bệnh tật, tôi vừa tật nguyền lại còn bệnh bướu cổ nữa. Tôi nghĩ cứ sống vậy, đến khi nào chết thì nhờ hàng xóm hỏa táng là xong'.

Năm 2011, những gì ông Trung mơ ước và mong chờ bao năm cũng đến. Trong nỗi khó khăn, vất vả của cuộc sống những người trong cuộc đã tìm được sự đồng cảm ở nhau.

Và người phụ nữ hàng xóm cạnh phòng trọ ông Trung đã quyết định cùng ông xây đắp mái ấm ở tuổi xế chiều. Những ngày lẻ bóng đã qua, đây là lần đầu tiên trong bao nhiêu năm ông mới có cảm giác và biết được hạnh phúc là như thế nào.

Vợ ông Trung cũng làm nghề bán vé số dạo. Có lẽ vì tính tình và sự lạc quan, yêu đời và cả sự trải đời của ông đã khiến người phụ nữ ấy quyết định về một nhà với ông.

Ảnh minh họa

Ngày ngày, hai vợ chồng ông chia nhau đi bán ở các chợ trong thành phố. Vợ ông bán ở Cầu Muối, còn ông thì đi rong rủi ở các chợ Bàn Cờ, chợ Tân Định, chợ An Đông và ông đi bộ từ chợ này sang chợ kia để bán vé số.

Ông chia sẻ rằng: 'Đi bộ vừa bán được nhiều mà vừa đỡ tốn tiền đi xe buýt. Nếu đi xa mà thấy mỏi chân hay mệt thì tôi ngồi xuống nghỉ xíu rồi đi bán tiếp. Tôi đi mấy chục năm nên cũng quen rồi'.

Ông Trung cho biết thêm, bây giờ tuy cuộc sống không khá giả gì nhưng ông thấy rất vui và yêu đời. Đó là động lực để ông tiếp tục cố gắng trong cuộc sống dù có khó khăn, vất vả tới đâu cũng có thể vượt qua.

Khi chúng tôi hỏi rằng, nếu giờ có tiền hay có ai giúp đỡ để mổ bướu ở cổ thì ông có đi mổ không? Ông cười và cho biết: 'Tôi cũng lớn tuổi rồi, cái bướu này cũng theo tôi đã 20 năm nên thôi, giờ có tiền tôi chỉ muốn lo cho vợ tôi có cuộc sống tốt hơn.

Còn nếu ai giúp thì tôi cũng không nhận, tôi lớn tuổi cũng không biết sống được bao lâu, hãy để số tiền ấy giúp những người trẻ cũng có hoàn cảnh khó khăn để họ có thêm động lực cũng như tiếp thêm sức mạnh cho họ'.

Theo Huế An/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/nguoi-dan-ong-tat-nguyen-hon-30-nam-ban-ve-so-van-lac-quan-yeu-doi.html