3 yếu tố của 'Baby Driver' ghi điểm với giới phê bình và công chúng

“Baby Driver” được đánh giá là một ngoại lệ của nhóm phim hành động hài khi được lòng giới phê bình lẫn khán giả đại chúng.

Phim là một trong những dự án hành động độc đáo nhất đã ra mắt năm nay với điểm số cao trên tất cả trang bình luận và phản hồi của khán giả.

Cảnh hành động, đua xe không kỹ xảo

“Baby Driver” là câu chuyện theo chân Baby (Ansel Esgort) - một "quái xế" trẻ tuổi. Anh là tài xế cho tất cả các vụ cướp nhà băng của tay trùm khôn ranh Doc (Kevin Spacey). Vì một tai nạn từ bé mà Baby trở thành trẻ mồ côi và luôn phải nghe nhạc để duy trì sự tập trung.

Cuộc đời chàng trai trẻ bỗng thay đổi khi cô phục vụ bàn trong sáng Deborah (Lily James) xuất hiện. Baby chán ghét cuộc sống tội phạm và mong muốn trốn đi làm lại cuộc đời với người bạn gái. Song thế giới ngầm vốn tàn ác và không hề dễ từ bỏ như những gì mà họ tưởng.

Thế giới ngầm luôn tiềm ẩn những mối nguy không ngờ.

Đạo diễn Edgar Wright là một trong những người có phong cách làm phim rất đặc trưng của Hollywood. Ông từng ra mắt nhiều tác phẩm đậm chất Anh quốc, chạm đến trái tim khán giả như “Hot Fuzz” (2007), “Scott Pilgrim vs. The World” (2010)...

Cùng lối kể chuyện ấy, “Baby Driver” mang tới cho người xem đủ cung bậc cảm xúc: từ ngôn tình, hành động cho đến sôi động cùng âm nhạc. Lối dàn dựng được trau chuốt tỉ mỉ, chỉn chu từng chi tiết.

Đặc biệt, các pha hành động được thực hiện chân thật nhất và không sử dụng kỹ xảo. Những trường đoạn đua xe kéo dài nhiều phút liền đầy nghẹt thở và cuốn hút. Cảnh đua tốc độ cao trên xa lộ, rê đuôi xe hay quay ngược đầu xe trở nên kịch tính và “chạm” hơn.

Phim có những pha chuyển cảnh gãy gọn, mượt mà và đầy chủ đích. Người xem có thể dễ dàng cảm nhận cách xử lý vô lăng đầy mượt mà, lả lướt của Baby như khi anh dạo phím dương cầm.

Đạo diễn chỉ đạo những cảnh đua mạo hiểm trên chính chiếc xe diễn viên tự lái.

Nhạc phim đẩy tình tiết phim lên đỉnh điểm

Nếu “Scott Pilgrim vs. The World” (2010) được xây dựng trên theo phong cách game thủ thì “Baby Driver” sử dụng âm nhạc để lèo lái. Cả bộ phim là một bản hòa tấu dài không có hồi kết. Người xem cảm nhận thế giới qua đôi tai của Baby.

Âm nhạc giảm đi rõ rệt khi anh chàng tháo một bên tai nghe và im bặt khi chiếc máy phát nhạc bị hỏng. Đây cũng là yếu tố nới lên tiếng lòng của Baby đối với những gì diễn ra xung quanh và đồng thời đóng vai trò điều tiết cảm xúc của khán giả khi xem phim.

Phần âm nhạc trở nên sôi động và dồn dập trong những pha hành động nghẹt thở. Tiết tấu bỗng chống đều đều và đầy nghi hoặc khi anh chàng đang suy ngẫm. Hoặc cũng trong giây lát, giai điệu bỗng da diết và cảm xúc khi ở bên Deborah.

Âm nhạc của Baby đóng vai trò điều tiết bộ phim.

Lắng đọng với nhiều cung bậc cảm xúc

Phim mang đến cho khán giả đầy đủ những cảm xúc, cung bậc về tình yêu, tình cảm gia đình, tình người, tình đồng đội. Tất cả hiện lên khi êm ái, lúc lại mạnh mẽ theo âm nhạc và cách Baby trải nghiệm.

Phong cách footage (theo chân nhân vật) độc đáo giúp những cảnh đuổi bắt thêm nghẹt thở. Cùng với đó, câu chuyện tình của Baby và Deborah trở thành một tác phẩm nhạc kịch xúc động. Cảnh quay trong tiệm giặt là với những đôi chân nhảy múa, ánh mắt trìu mến, nụ cười ấm áp hay quyết chạy trốn bên nhau khỏi cuộc sống tội phạm tạo nên dư âm lãng mạn, day dứt.

Tình yêu lãng mạn của cặp diễn viên chính.

“Baby Driver” (Quái Xế Baby) đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Giang Hoàng Nhơn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/3-yeu-to-cua-baby-driver-ghi-diem-voi-gioi-phe-binh-va-cong-chung-post758702.html