3 'ý đồ' trong chuyến thăm Hy Lạp của ông Obama

Theo giới truyền thông, Tổng thống Mỹ Obama sẽ có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến Hy Lạp vào ngày 15/11 tới. Qua chuyến thăm này ông Obama sẽ yêu cầu giới chức Hy Lạp ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới chống Nga, cũng như phản đối việc tàu chiến của Nga tiếp cận các cảng của nước này...

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Trong một bài viết trên Militaire. Gr, một trang web chuyên về các vấn đề quân sự và chính trị của Hy Lạp, đưa tin: Trong chuyến thăm Athens sắp tới Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ yêu cầu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đóng cửa các cảng của nước này đối với các tàu chiến của Hải quân Nga; bỏ phiếu cho lệnh trừng phạt mới chống lại Nga và bãi bỏ quyền phủ quyết về việc nước Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư gia nhập NATO.

Bài viết dẫn lời hai nhân viên của Quỹ Di sản Heritage Foundation là Luke Coffey và Daniel Cochis cho biết: "Tổ chức Heritage Foundation đã xác định mục đích của chuyến thăm đầy bất ngờ của Tổng thống Obama đến Hy Lạp lần này".

Theo bài viết, chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng Obama tới Hy Lạp sẽ có ba mục đích chính.

Mục đích đầu tiên là gây sức ép đối với Hy Lạp để nước này bỏ phiếu ủng hộ việc nối lại các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với Nga, đề xuất này sẽ được Liên minh châu Âu EU đưa ra bỏ phiếu trong tháng 12 tới.

Mục đích thứ hai là yêu cầu Hy Lạp phải phản đối việc tàu chiến của Nga tiếp cận các cảng của nước này trong bối cảnh Moscow vẫn chiếm đóng bất hợp pháp bán đảo Crimea và tiếp tục hỗ trợ cho nhà lãnh đạo độc tài Syria (tức Tổng thống Syria Bashar al Assad).

Tổng thống Obama cần phải vạch rõ rằng sự hỗ trợ của Hy Lạp với các hạm đội của Nga hoàn là một hành động không phù hợp với một nước đồng minh trong NATO đồng thời cần khuyến nghị người Hy Lạp noi theo tấm gương gần đây của Tây Ban Nha (mới đây Tây Ban Nha từ chối cho tàu chiến Nga qua cảng) và hủy bỏ chuyến thăm của các hạm đội Nga trong tương lai.

Mục đích thứ ba là yêu cầu Hy Lạp "hỗ trợ vụ Macedonia".

Bài viết cho hay, sự phản đối của Hy Lạp vì tên gọi của nước cộng hòa láng giềng này đang "đe dọa chính sách mở cửa của NATO". Athens nên cho phép Macedonia gia nhập NATO theo như thỏa thuận đã được xem xét năm 1995.

Hy Lạp đã tìm cách đổi tên của nước cộng hòa Nam Tư cũ để tránh bị nhầm lẫn với vùng Macedonia của Hy Lạp, và ngăn chặn Skopje (tên thủ phủ của Macedonia) gia nhập EU và NATO.

Chính phủ Hy Lạp hy vọng cùng với chuyến thăm của ông Obama vào ngày 15 và 16 /11 tới, nước này sẽ nhận được hỗ trợ của Mỹ cho gói cứu trợ nợ công trị giá khoảng 320 tỷ Euro.

Bán đảo Crimea một lần nữa trở thành khu vực của Nga thông qua một cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ngay sau đảo chính (Maidan) ở Ukraine. 95% người dân trên bán đảo đã bỏ phiếu cho việc “đoàn tụ” với Moscow.

Đức Dũng (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/3-y-do-trong-chuyen-tham-hy-lap-cua-ong-obama-post213709.info