3 'ông lớn' Nhật Bản và những ngã rẻ lịch sử

Từ một nước Nhật nghèo đói và kiệt quệ, các thế hệ doanh nhân Nhật Bản đã có một hành trình ngoạn mục vươn lên chinh phục thị trường toàn cầu.

Ba trong số những thương hiệu hàng đầu Nhật Bản đã ghi dấu lịch sử khi bước qua ranh giới của những điều không tưởng và thiết lập nên công thức thành công “độc nhất vô nhị”.

Yamaha – Bệ phóng là những phím đàn

Yamaha là câu chuyện đầu tiên đại diện cho tinh thần sáng tạo và không ngừng chinh phục những lĩnh vực mới. Bước đi đầu tiên Yamaha bắt đầu từ những phím đàn piano. Tới năm 1953, với một tuyên bố táo bạo của chủ tịch thứ 4 - ông Genichi Kawakami: "Tôi muốn chúng ta thử chế tạo động cơ xe gắn máy", Tập đoàn Yamaha Motor đã ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, một chặng đường mới, đầy thách thức nhưng rất tiềm năng.

Khởi nguồn từ công ty chuyên sản xuất đàn piano, ít ai ngờ rằng, Yamaha lại trở thành một trong những tên tuổi danh tiếng nhất trong công nghiệp chế tạo xe máy

Yamaha đã hiện thực hóa ý định “không tưởng” đó bằng những giá trị khác biệt trong cả thiết kế lẫn động cơ. YA-1, chiếc xe đầu tiên của hãng, ngay khi trình làng đã tạo ra “làn gió mới” trên thị trường bởi thiết kế thời thượng, khung xe mỏng, đường nét sắc sảo cùng màu sơn độc đáo, hoàn toàn khác biệt so với những mẫu xe đơn điệu và tẻ nhạt.

Tiếp tục những câu chuyện thần kỳ trên hành trình mới, Yamaha chế tạo thành công chiếc xe “100% thuần Nhật Bản” đầu tiên của hãng - YD-1. Điều đáng nói là, các giáo sư đầu ngành kỹ thuật cơ khí dự đoán Yamaha sẽ phải mất ít nhất 2 năm mới có thể tạo ra YD-1 với động cơ 2 thì. Thực tế, hãng hoàn thành nhiệm vụ đó chỉ trong 2 tháng.

Sau đó tiếp tục là sự ra đời của hàng loạt động cơ từ 2 thì đến 4 thì, từ 50 cc đến 1.900 cc; từ 1 xi-lanh sang 4 xi-lanh. Yamaha còn rẽ ngang sang nhiều lĩnh vực mới như sản xuất du thuyền, máy bay trực thăng, xe trượt tuyết, xe đạp điện hay ô tô và ở bất cứ địa hạt kinh doanh nào, hãng cũng gặt hái nhiều thành tựu bởi với Yamaha, mở rộng kinh doanh không phải là cuộc dạo chơi mà thật sự cần nghiên cứu kỹ càng, đầu tư nghiêm túc và nỗ lực tạo ra những giá trị vượt trội cho khách hàng.

Danh mục sản phẩm liên tục tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của khách hàng

“Nếu bạn đã bắt tay làm một việc gì đó, hãy làm tốt nhất có thể” và không ngừng “mang lại những trải nghiệm mới mẻ, cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi khách hàng trên toàn thế giới” chính là triết lý kinh doanh mà Yamaha theo đuổi trên mọi ngã rẽ lịch sử.

“Đại gia” điện tử Panasonic – Giấc mơ Nhật chấp cánh

Matsushita Konosuke – người sáng lập Panasonic là đại diện cho tư tưởng tiến bộ ở Nhật Bản. Năm 15 tuổi, ông đã nhận ra xu thế mới của tương lai là các sản phẩm sử dụng điện năng. Từ "xưởng chế tạo đồ điện Matsushita" cho đến khi thành lập Panasonic, ông đã sản xuất nhiều sản phẩm thành công ngoài sự mong đợi: Đui đèn, "siêu bàn là", radio, bóng đèn… Khi các đồ dùng điện dân dụng còn là thứ hàng hóa xa xỉ đối với người tiêu dùng, ông lại quyết tâm chinh phục thử thách mới với các dòng sản phẩm bình dân, với mức giá phù hợp.

Đối với Konosuke: "Kinh doanh là con người". Phương châm này đã giúp các sản phẩm mang thương hiệu Panasonic trở thành đồ dùng không thể thiếu trong hầu hết các gia định tại Nhật Bản và trên toàn thế giới.

Japan Airlines – sự hồi sinh thần kỳ

Japan Airlines được coi là hãng hàng không đại diện cho Nhật Bản, nhưng thua lỗ triền miên trong 1 thập kỷ. Chính phủ Nhật nhiều lần vung tiền trợ giúp nhưng tập đoàn vẫn không thoát khỏi tình trạng sa sút.

Khi đó, Bộ trưởng Giao thông buộc phải bổ nhiệm Kazuo Inamori - nhà kinh doanh hàng đầu đất nước vào vị trí lãnh đạo, nhận nhiệm vụ vực dậy Japan Airlines. Mặc dù ông không nhiều chút kinh nghiệm về ngành hàng không, nhưng nhờ có tư duy mới mẻ về làm dịch vụ, chỉ sau 2 năm 8 tháng, ông đã giúp cho Japan Airlines phục hồi ngoạn mục. Hãng đã quay trở lại thời kỳ hoàng kim bằng việc lãi 188,4 tỉ yên chỉ trong năm đầu tiên, đồng thời có thể niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Tokyo.

Chứng kiến sự phát triển hùng mạnh như hiện nay, mấy ai biết rằng Japan Airlines từng có thời kỳ sa sút nghiêm trọng trong quá khứ

Có thể thấy, doanh nghiệp Nhật Bản luôn đặt ra cho mình những thử thách mới, những mục tiêu cao hơn và sẵn sàng chinh phục chúng. Với họ, “nỗ lực hết mình sẽ khiến bạn không thua kém một ai” và “Làm việc thận trọng chính là cách nhanh nhất để đạt được thành công”.

Nguồn: Yamaha

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/3-ong-lon-nhat-ban-va-nhung-nga-re-lich-su-752094.html