3 người chết do bão Mirinae

Theo thống kê của các địa phương, bão Mirinae (cơn bão số 1) làm 7 người chết và mất tích cùng nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu.

Sáng 30/7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tiên tai cho hay, thống kê mới nhất từ các địa phương đã có 3 người chết và 4 người mất tích do bão số 1.

Ba người chết ở Hà Nội, Hà Giang, Hà Nam. Bốn người mất tích ở Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Giang (2 người). Bão cũng làm 21 người người bị thương.

Bên cạnh đó, cơn bão đầu tiên trong năm còn khiến 30 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 24.723 nhà bị tốc mái, hư hỏng và 67 tàu, thuyền bị chìm, hơn 220.000 ha lúa bị ngập úng, 17.412 cột điện và hơn 44.000 cây xanh bị gãy, đổ.

Nói về thông tin dự báo bão chưa chính xác gây thiệt hại lớn, giáo sư Phan Văn Tân, Chủ nhiệm bộ môn Khí tượng, khoa khí tượng thủy văn và hải dương học (Đại học Khoa học tự nhiên) cho biết, sai số trong dự báo cơn bão này là chấp nhận được, kể cả quỹ đạo, cường độ và hệ quả sau bão.

Bão số 1 dự báo không mạnh nhưng gây thiệt hại lớn. Ảnh: Tiến Tuấn.

Giáo sư Tân cho rằng, dự báo về cường độ bão, thời gian, vị trí đổ bộ và lượng mưa thì cơ quan khí tượng đã làm được. Dự báo chính xác tới mức độ nào thì còn tùy thuộc vào từng phạm vi, khu vực cụ thể.

Ông chia sẻ, dự báo bão sai số luôn có thế xảy ra, vì dự báo không thể chính xác 100%. “Theo tôi không có gì phải trách cơ quan khí tượng trong công tác dự báo cơn bão này cả”, GS. Tân nói.

Chiều tối 28/7, họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, khẳng định, cơn bão số 1 dự báo sát với thực tế. Khu vực đổ bộ có sự dịch chuyển nhưng đã dự báo tương đối sớm.

Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, ông Lê Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Bắc cho hay, đêm 27/7, ông đã có mặt ở Nam Định để chỉ đạo, đôn đốc phòng chống bão trong lực lượng điện lực. Bão được dự báo nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với bão số 8 năm 2012.

Ông Tuấn nhận định, bão giật cấp 13 chứ không như dự báo cấp 9-10. Ngoài ra, bão khi vào đất liền "quần thảo" ở Nam Định 6-7 giờ, lâu hơn dự báo rất nhiều. "Tôi thấy dự báo không kịp thời về cơn bão. Dự báo sai về cấp độ và hướng, tốc độ di chuyển cũng bất thường. Lượng mưa cũng lớn. Dự báo chính xác hơn, ngành điện lực chúng tôi sẽ có cách ứng phó về cắt điện, đối phó với bão chính xác hơn", ông Tuấn bức xúc.

Cũng theo ông Tuấn, các địa phương cũng có phản ứng về cách dự báo của cơ quan khí tượng, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tuynh - Giám đốc công ty Điện lực Thái Bình cho biết trên thực tế, bão ở Thái Bình rất lớn và thời gian kéo dài chứ không chỉ cấp 6, cấp 7 như thông tin trước đó.

Ông Tuynh nhận định, thực chất bão giật phải cấp 14-15, bởi ngay cả cây cổ thụ, mái nhà chắc chắn của Đại học Y Thái Bình cũng bị bay xuống đường, đè làm gãy cột điện.

Bão Mirinae hình thành từ một vùng áp thấp trên Biển Đông và di chuyển nhanh theo hướng Tây. Khoảng 21-22h ngày 27/7, tâm bão đi vào đất liền thuộc địa phận tỉnh Nam Định, sau đó chuyển hướng lên phía tây bắc. Bão “quần thảo” gần như cả đêm ở khu vực này.

Các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8-9, vùng ven biển cấp 10, gió giật mạnh cấp 10-13 như Văn Lý (Nam Định), Ba Lạt (Thái Bình). Các nơi khác ở ven biển và đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10. Hà Nội có gió giật mạnh cấp 8, riêng Hà Đông có gió giật mạnh cấp 9.

Thắng Quang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/3-nguoi-chet-do-bao-mirinae-post669812.html