3 năm thực hiện phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực": Ba năm bằng nhiều năm cộng lại

VH)- Bộ GD&ĐT đang triển khai các công việc nhằm chuẩn bị sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. 3 năm là khoảng thời gian không dài, nhưng cùng với cuộc vận động “2 không”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo sự chuyển biến đột biến trong nhận thức, hoạt động của ngành giáo dục, đem lại hiệu quả rất tích cực trong xã hội.

Tạo sự chuyển biến tích cực trong xã hội Ngày 15.5.2008, tại Trường THCS Vạn Phúc, Hà Tây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân (khi đó còn kiêm nhiệm là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) đã phát động phong trào xây dựng mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong cả nước, mở đầu thời kì đổi mới toàn diện nhận thức và hoạt động của toàn ngành giáo dục. Năm 2010, tổng kết hai năm triển khai, nhiều ý kiến cho rằng phong trào đã tạo bước chuyển biến bằng nhiều năm cộng lại. Sau hai năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại Việt Nam, đã có 94% số trường học trên cả nước đăng ký tham gia. Những chuyển biến cả về lượng và chất trong nhà trường và cộng đồng đã chứng tỏ, phong trào không chỉ có sức mạnh lan tỏa một cách hình thức, mà đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, bởi phong trào đã đáp ứng được yêu cầu của một nền giáo dục dân tộc trong hội nhập và phát triển. Các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hơn đến việc đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến năm 2010, tổng số trường có khuôn viên cây xanh có quy hoạch, đảm bảo thoáng mát, luôn sạch đẹp là 31.002 trường, chiếm 71,53% tổng số trường trên toàn quốc. Số trường có công trình vệ sinh xây mới là 15.364 trường. Đa số các trường đã có nội dung, chương trình và thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh về việc bảo vệ, xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn… Chủ trương thực hiện 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) được các địa phương thực hiện sáng tạo với nhiều hình thức phong phú. Một số địa phương gắn với việc phổ cập giáo dục, giao nhiệm vụ cho ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo… Đến nay đã có 38.350 trường báo cáo đảm bảo 3 đủ. Số học sinh bỏ học đã giảm đáng kể so với năm học 2008 – 2009. Dạy và học hiệu quả Phong trào thi đua xây dựng THTT-HSTC đã có tác động đáng kể vào hoạt động dạy và học ở các trường. Tình đồng nghiệp, quan hệ giữa thầy và trò nồng ấm lên nhiều đã góp phần gia tăng không khí thân thiện trong mối liên hệ giữa các thành viên trong trường, giữa nhà trường với gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương. Các nhà trường thực sự đã hướng tới học sinh để góp phần đạt mục tiêu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Trong môi trường thân thiện, cảm thấy thầy cô, bạn bè thân thiện hơn, HS sẽ chú tâm vào việc học. Giáo viên đoàn kết, hỗ trợ nhau trong chuyên môn, giúp nhau xây dựng giáo án tốt, tiết dạy tốt, giúp nhau làm giáo án điện tử. Mối quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh cũng ngày càng gắn kết hơn. Hai bên thường xuyên liên lạc với nhau, trao đổi những vấn đề học tập và sinh hoạt của HS. Về dạy học có hiệu quả, số trường đã ứng dụng CNTT trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hoạt động giáo dục cho học sinh là 31.486 trường, chiếm 72,67% tổng số trường đăng ký tham gia phong trào. Tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, đổi mới phương pháp tốt ngày càng tăng. Tính đến năm 2010, số giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên là 131.017 người. Nhiều trường thường xuyên tổ chức cho HS thi thuyết trình về “phương pháp học tốt”, “làm thế nào để trở thành con ngoan trò giỏi” trong các buổi sinh hoạt dưới cờ. Đặc biệt, từ phong trào này, các trường từ mầm non đến THPT đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh trong HS. Các trò chơi dân gian, múa hát dân ca cũng được các đơn vị trường học đưa vào nhà trường. Nhằm giáo dục HS về các truyền thống cách mạng, văn hóa, nhiều trường đã đăng ký cho HS chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa ở địa phương, tổ chức cho HS về nguồn, sưu tầm tư liệu, viết bài tìm hiểu về lịch sử địa phương, một số trường THPT còn nhận chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh... Học sinh trường THCS Nguyễn Trãi (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thắp hương và chăm sóc di tích lịch sử cách mạng tại địa phương Ảnh: T.L Hình thành những kỹ năng ứng xử văn hóa mới Sau hai năm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, đã có 38.484 trường đã xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, chiếm 88,79%. Các trường đã quan tâm thực hiện rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh trong 2 năm học qua, đưa một số kỹ năng vào giáo dục HS như kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc theo nhóm, tự bảo vệ... từ đó HS mạnh dạn, tự tin, hứng thú tham gia các hoạt động học tập, vui chơi, giao lưu và sinh hoạt cộng đồng. Nhiều trường đã tổ chức các CLB, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp với nội dung giáo dục, rèn luyện các kỹ năng sống, ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống tai nạn đuối nước, thương tích cho học sinh. Tổng số trường có CLB hoạt động là 25.389 trường, chiếm 58,58%. Về tổ chức các hoạt động tập thể, các nhà trường đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh. Đánh giá về phong trào tại Hội thảo “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực từ lý luận đến thực tiễn”, PGS. TS Nguyễn Xuân Tế, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP. HCM nhấn mạnh: “Càng ngày, chúng ta càng thấm thía một điều, môi trường giáo dục không phải là “ốc đảo”, giáo dục và đào tạo không phải chuyện riêng của một ngành, càng không phải chuyện riêng của một trường học mà là vấn đề của cả xã hội. Vì vậy, mọi hay dở, tốt, xấu, thành bại của giáo dục cần được xã hội nhìn nhận công bằng để cùng chia sẻ, quan tâm và tháo gỡ khó khăn… Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là một bước đột phá để thực hiện công cuộc xã hội hóa giáo dục nói chung, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Theo thống kê, trên toàn quốc đã có 38.872 trường tổ chức thường xuyên các hoạt động tập thể, chiếm 89,69%... Báo cáo sơ kết đánh giá, học sinh đã tích cực tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Nhiều nhà trường tổ chức để các em sưu tầm tư liệu và tính lịch sử về những di tích mà nhà trường đã nhận chăm sóc. Số lượng các di tích cấp Quốc gia được nhà trường nhận chăm sóc là 1.842 di tích trên tổng số 2.202 di tích. Số lượng di tích cấp tỉnh được chăm sóc là 3.382 di tích trên tổng số 4.847. Số lượng đền, đài được chăm sóc là 6.184 công trình. Số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ được chăm sóc, giúp đỡ là 20.460 trường hợp. Quốc Hùng

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/giaoduc/35629.vho