3 mẹ con tử vong sau khi ăn cháo cóc

3 mẹ con chị H. sau khi ăn cháo cóc xong có biểu hiện khó thở, nôn ói. Dù đã được cấp cứu kịp thời, tuy nhiên do độc tố từ cóc gây ra đã khiến 3 mẹ con chị H. tử vong.

Mới đây, Bệnh viện Bà Rịa (TP Bà Rịa – Vũng Tàu) có tiếp nhận trường hợp trúng độc tố do ăn cháo cóc của ba mẹ con.

Theo Tri thức trực tuyến, người mẹ ở Bà Rịa - Vũng Tàu dùng thịt cóc nấu cháo rồi ăn cùng hai con nhỏ. Sau khi dùng bữa, họ rơi vào trạng thái khó thở, nôn ói rồi tử vong.

Theo đó, báo Vietnamnet cho hay, ngày 8/11, Công an huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phối hợp Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm rõ nguyên nhân tử vong của 3 mẹ con ở ấp Tân An, xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu). Các nạn nhân gồm chị Linh (37 tuổi) và hai con.

Số cóc sống chị Linh mua về làm thực phẩm. Ảnh: N.G.

Trả lời VnExpress, người chồng là Trần Chơn Trung cho biết tối 7/11 sau khi nhận điện thoại báo tin của vợ, anh về nhà thấy 3 mẹ con ói mửa liên tục. Vợ anh cho biết đã nấu cháo 4 con cóc cho 3 mẹ con cùng ăn, sau đó bắt đầu có triệu chứng ói mửa ra chất màu đen. Anh Trung đưa vợ con vào viện, các bác sĩ tích cực cấp cứu, súc ruột, truyền dịch cho 3 mẹ con song không thể cứu được.

"Con tôi sinh thiếu tháng nên vợ thường mua cóc về nấu cho cháu ăn, không hiểu vì sao lần này xảy ra cớ sự", anh Trung cho biết. Hai con gái của anh Trung một cháu 7 tuổi một bé một tuổi.

Theo bác sĩ Tiêu Văn Linh, Chi Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xác định ban đầu 3 mẹ con tử vong do độc tố từ cóc. "Ăn thịt cóc hết sức nguy hiểm, mặc dù khi chế biến bỏ trứng và mật song không thể tránh khỏi sót lại độc chất ở trứng cóc", ông Linh cho biết.

Cơ quan chức năng đã kiểm tra nhà của người bán thịt cóc và ghi nhận vẫn còn khoảng 10 con cóc trong bao. Bà Linh kể chị H. đặt mua 20 con cóc rồi nhờ đến nhà làm giúp. Bà Linh đã dặn chị H. nên bỏ bộ lòng đi vì sẽ gây chết người nhưng chị H. vẫn giữ lại và nói để đắp bướu cho người nào đó.

Qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng cho biết các nạn nhân tử vong do độc tố từ cóc gây ra.

Vụ việc 3 mẹ con tử vong do ăn cháo cóc một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo cho nhiều gia đình có thói quen mua thịt cóc về làm ruốc hay chế biến cho con ăn với mong muốn chống bệnh còi xương ở trẻ nhỏ - Theo Gia đình & xã hội.

Cóc là nguồn thực phẩm dinh dưỡng bổ, tuy nhiên nếu sơ chế, chế biến cóc không đúng cách sẽ gây ngộ độc chết người

Dân Việt cho biết, theo các bác sĩ, cóc là loại sinh vật rất quen thuộc trong nhân dân. Trong cơ cóc hay còn gọi là thịt cóc không có chất độc. Chất độc ở cóc chỉ có ở nhựa cóc và nội tạng (gan, trứng). Nhựa cóc còn gọi là thiềm tô (secretio bufonis) là nhựa tiết ở tuyến sau mang tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da của cóc. Chất độc trong tuyến mang tai có lượng độc tố rất cao. Trong gan và buồng trứng cóc cũng có lượng độc tố rất cao.

Thịt cóc không có độc tố và có giá trị dinh dưỡng rất cao. Do đó, Đông Y dùng cóc trong chữa một số bệnh hiểm nghèo. Nhựa cóc là 1 trong 6 vị của đơn thuốc “Lục thần hoàn”. Trong nhân dân dùng nhựa cóc chữa giảm đau, tán thủy, dùng chữa phát bối, đinh độc, yết hầu sưng đau, đau răng. Thịt cóc khô dùng với liều 2 – 3g tán bột uống hoặc làm thành thuốc viên, chữa gầy còm, chậm lớn, kém ăn, suy dinh dưỡng…

Tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng chết người mà nguyên nhân dẫn đến ngộ độc cóc do thiếu hiểu biết về tác hại của cóc nên ăn cả gan và trứng cóc. Không biết cách chế biến để loại bỏ hết da, nội tạng cóc, làm cho độc tố dính hoặc lẫn vào cơ cóc nên ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố gây ngộ độc.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật an toàn thực phẩm.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Điều 5. Những hành vi bị cấm

1. Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm.

2. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.

3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

4. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

5. Sản xuất, kinh doanh:

a) Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; b) Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; c) Thực phẩm bị biến chất;

d) Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép;

đ) Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm;

e) Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu;

g) Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh;

h) Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy;

i) Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.

6. Sử dụng phương tiện gây ô nhiễm thực phẩm, phương tiện đã vận chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm.

7. Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm.

8. Che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.

9. Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

10. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

11. Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.

12. Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.

13. Sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

MỸ AN (Tổng hợp)

Xem thêm video:

Nguồn: Tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/3-me-con-tu-vong-sau-khi-an-chao-coc-a169693.html