3 lý do Tổng thống Hàn Quốc nóng lòng đối thoại với Triều Tiên

Phải đối mặt với một Triều Tiên ngày càng khó đoán và khả năng quân sự ngày càng mạnh đã buộc chính phủ mới của Hàn Quốc đưa ra một đề xuất chính thức: Đã đến lúc phải tiến hành một cuộc đàm phán mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk hôm thứ Hai (17/7) đã công bố đề xuất mới cho biết, hai nước láng giềng có thể gặp nhau ở làng biên giới Panmunjom để cùng thảo luận về các vấn đề quân sự và nhân đạo. Nếu Triều Tiên đồng ý, đây sẽ là cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai chính phủ kể từ năm 2015. Tuy nhiên, đến nay phía Bình Nhưỡng vẫn chưa xác nhận đề nghị.

Tờ Washington Post bình luận, tin tức được đưa ra sau khi Triều Tiên có một số phát triển quan trọng trong chương trình vũ khí hạt nhân, đặc biệt là vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hôm 4/7. Tuy nhiên, từ trước đó, chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đã luôn xem các cuộc đàm phán là lựa chọn hàng đầu để đối phó với Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải).

Liệu một chính sách đối thoại có hiệu quả? Ngay lúc này không thể nói trước được điều gì. Tuy nhiên, có thể giải thích các động thái của Tổng thống Moon được thúc đẩy bởi 3 lý do được Washington Post đưa ra sau đây.

Bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào với Triều Tiên sẽ là tai họa cho Hàn Quốc

Trên bình diện quốc tế, rất nhiều sự chú ý tập trung vào chương trình vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa tiến bộ của Triều Tiên. Nếu Triều Tiên có khả năng phóng vũ khí hạt nhân nhắm mục tiêu vào Mỹ, người ta lo sợ đó sẽ là một sự đe dọa lớn đối với bất cứ hành động quân sự nào trong tương lai.

Nhưng đối với Seoul, nỗi lo sợ thực sự đang hiện diện. Thủ đô của Hàn Quốc chỉ cách Khu phi quân sự hai miền (DMZ) khoảng 50km. Thành phố 25 triệu dân hoàn toàn nằm trong tầm bắn của pháo binh Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, họ có thể gây ra thiệt hại rất lớn trong một khoảng thời gian ngắn.

Một nghiên cứu từ năm 2012 ước tính, sẽ có khoảng 64.000 người chết trong trận chiến pháo binh ngày đầu tiên. Ngay cả khi Hàn Quốc và các đồng minh Mỹ của họ có thể phá hủy nhanh chóng các loại vũ khí này, có thể sẽ không đủ nhanh để ngăn chặn thảm họa đổ máu ban đầu, bao gồm cả những tổn thất đáng kể của quân đội Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc.

Tệ hơn nữa, Triều Tiên hiện nay có vũ khí hạt nhân có thể gắn được trên tên lửa phóng tới Hàn Quốc sẽ làm tăng khả năng xảy ra cuộc xung đột có sức tàn phá khủng khiếp. Một số vũ khí hạt nhân này đã được giấu đi, đồng nghĩa với các cuộc tấn công dự phòng không thể vô hiệu hóa chúng.

Trừng phạt không làm Triều Tiên thay đổi

Một lựa chọn khác để giải quyết vấn đề Triều Tiên là thuyết phục Bình Nhưỡng ngừng chương trình vũ khí hạt nhân dựa trên các áp lực kinh tế. Có bằng chứng cho thấy trong một số trường hợp, một chính sách như vậy có thể hoạt động: Các biện pháp trừng phạt đã đóng một vai trò nhất định trong việc đưa Iran lên bàn đàm phán hiệp định vũ khí hạt nhân.

Tuy vậy, Triều Tiên là quốc gia đã bị trừng phạt rất lâu năm. Trong thời gian đó, họ càng quyết tâm theo đuổi chương trình vũ khí của mình. Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt đã không thể làm gì Triều Tiên.

Bản đồ biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Các chuyên gia nói rằng Bắc Triều Tiên đã trở nên “chuyên nghiệp hơn nhiều” trong việc trốn tránh những hạn chế kinh tế áp đặt lên họ. Bình Nhưỡng thường sử dụng các mạng lưới bất hợp pháp để phát triển thương mại. Cựu quan chức Triều Tiên Ri Jong Ho, người đã đào tẩu vào năm 2014, gần đây trả lời phỏng vấn Washington Post từng nói: “Các lệnh trừng phạt chỉ như chiếu lệ”.

Mỹ ưa thích đưa ra các biện pháp trừng phạt. Và hình thức trừng phạt mới mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra có vẻ sáng tạo hơn: nhắm mục tiêu vào các công ty và cá nhân Trung Quốc có giao thương với Triều Tiên. Tuy nhiên, rất khó hình dung Nga và Trung Quốc sẽ cắt đứt quan hệ với Triều Tiên nếu chỉ có các biện pháp trừng phạt kinh tế. Cả hai nước đều có đường biên giới chung với Triều Tiên và không có yêu cầu nào về chế độ ở Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc vẫn ủng hộ các biện pháp trừng phạt. Nhưng ông cũng tìm cách cải thiện mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh – mối quan hệ đang chịu áp lực rất lớn do Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc và đây được Trung Quốc xem là mối đe dọa an ninh quốc phòng của họ.

Các cuộc đàm phán trước đây đã tạo ra một số kết quả

Ông Moon khá cách xa với các lãnh đạo Hàn Quốc từng tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên. Hai trong số những người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Kim Dae-jung và Tổng thống Roh Moo-hyun đã thực hiện cái gọi là "Chính sách Ánh Dương" giữa năm 1998 và năm 2008. Chính sách này được thiết kế để làm dịu lập trường của Seoul đối với Bình Nhưỡng, khuyến khích sự tương tác về chính trị và các hiệp định kinh tế.

Ông Moon biết rõ chính sách này bởi ông từng là người quản lý chiến dịch của Tổng thống Roh trong suốt cuộc bầu cử và là trợ lý thân cận trong thời gian tại nhiệm. Sau một thập kỷ nỗ lực hòa giải, nhiều người xem "Chính sách Ánh Dương" như là một thất bại. Các nhà chỉ trích nói rằng Triều Tiên đã sử dụng nó để đạt được lợi ích tài chính mà không thực hiện các nhượng bộ thực sự trong các lĩnh vực quan trọng như chương trình hạt nhân hoặc nhân quyền.

Hàn Quốc sau đó quay trở lại với chính sách bảo thủ vào năm 2008. Dưới sự lãnh đạo của Lee Myung-bak và sau đó là Park Geun-hye, hầu hết các yếu tố chính của chính sách này - chẳng hạn như khu vực công nghiệp Kaesong - đã bị đóng cửa hoặc bị thu hẹp.

Giờ đây, sau một thập niên chính sách khắc nghiệt được thực thi, vấn đề bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc, một số người yêu cầu xem lại “Chính sách Ánh Dương”.

Ông Moon có thể giành được một số thỏa thuận ngắn hạn từ Triều Tiên. Hai bên có thể giảm bớt căng thẳng dọc theo DMZ hoặc nối lại đường dây nóng quân sự bị Triều Tiên cắt đứt vào năm ngoái. Hiệp hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc cũng đã đề xuất tiếp tục tổ chức các chương trình đoàn tụ gia đình bị chia rẽ trong cuộc chiến tranh liên Triều. Đây là vấn đề mang tính chất tinh thần ở cả hai nước. Các cuộc hội ngộ tương tự đã không diễn ra từ năm 2015.

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy gần 76,9% người Hàn Quốc ủng hộ tái thiết chương trình đối thoại liên Triều. Đối với nhiều người Hàn Quốc tự do, đàm phán là lựa chọn tốt nhất cho một mối quan hệ tồi.

Minh Anh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/3-ly-do-tong-thong-han-quoc-nong-long-doi-thoai-voi-trieu-tien-post232264.info