3 dòng tranh dân gian hội tụ cùng đón “Tết Việt”

Dân gian xưa có câu: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” để chỉ 4 thú chơi tao nhã của người Việt xưa trong dịp Tết cổ truyền. Sau một thời gian vắng bóng, thú chơi tranh Tết bắt đầu xuất hiện trở lại và được khá nhiều người đón nhận. Đón chào Tết Đinh Dậu 2017, bên cạnh việc tái hiện “Tết Việt” Ban quản lý phố cổ còn tổ chức trưng bày, triển lãm 3 dòng tranh dân gian tiêu biểu của miền Bắc để mang đến không gian Tết đậm màu sắc truyền thống văn hóa của người Việt.

Kể từ khi dự án hồi sinh dòng tranh dân gian Kim Hoàng do nhà sưu tập Nguyễn Thu Hòa cùng cộng sự khởi xướng và sự giúp đỡ của dân làng Kim Hoàng gặt hái được những bước đầu thành công, đây là lần đầu tiên 3 dòng tranh dân gian tiêu biểu của miền Bắc (còn có Đông Hồ, Hàng Trống) cùng xuất hiện trong không gian Tết cổ truyền của Việt Nam.

Nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên

Triển lãm và trưng bày 3 dòng tranh dân gian diễn ra tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) giới thiệu đến công chúng những mẫu tranh truyền thống của từng dòng tranh và cả một số mẫu tranh sáng tác mới theo phong cách của dòng tranh đó như tranh Kim Hoàng. Tranh được sắp đặt, trang trí trong không gian cổ kính, linh thiêng của đình Kim Ngân càng làm nổi bật lên không gian Tết truyền thống và những nét đẹp văn hóa còn sót lại của người Việt.

Không gian Tết ở đình Kim Ngân thẫm màu tranh dân gian

Mẫu tranh gà Kim Hoàng

Bản khắc tranh Kim Hoàng được phục dựng

PGS. TS Đỗ Thị Hảo – Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết: “Người Hà Nội từ xưa đã cho rằng Tết mà không có câu đối và tranh thì gian nhà như thiếu sự hòa hợp của màu sắc, tức là thiếu sự thoải mái của tinh thần, thì cho dù cỗ bàn có sang đến đâu cũng chưa đủ không khí Tết. Người xưa treo câu đối đỏ và những bức tranh dân gian mộc mạc, thể hiện ước mơ về một cuộc sống thái bình, sung túc...”

Khách tham quan tìm hiểu thông tin về các dòng tranh dân gian

Ông Nguyễn Thái An (Hà Nội) chia sẻ, khi tới đình lại được nhìn ngắm những bức tranh dân gian khiến ông nhớ về ngày nhỏ, những kỷ niệm cứ ùa về khiến cảm nhận về Tết trong ông thêm rộn ràng, hạnh phúc. Ông chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ độ 5-6 tuổi, mỗi khi nhìn thấy những bức tranh này là thích lắm rồi vì điều đó có nghĩa Tết đang đến. Ngày xưa, tranh dân gian được bán suốt dãy Hàng Bồ từ trước Tết tới 3-4 tháng. Khi chúng tôi đi học về, nhìn thấy là đã mơ ước tới ngày Tết. Khi bước chân vào triển lãm này, tôi nhớ lại kỷ niệm xưa, thấy yêu nó lắm, quý nó lắm. Những bức tranh quen thuộc với chúng tôi từ ngày xưa, giờ lại xuất hiện trước Tết Nguyên đán, tạo cơ hội các cháu thanh niên cũng được nhìn ngắm và hiểu thêm về nếp sống xưa khiến tôi rất xúc động. Tôi mong rằng có nhiều hoạt động tôn vinh nghệ thuật dân gian của nước mình được tổ chức để thế hệ trẻ hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Triển lãm tranh dân giân chỉ là một trong số chuỗi hoạt động của chương trình hoạt động văn hóa mừng Đảng mừng Xuân 2017 với chủ đề “Tết Việt” do Ban quản lý (BQL) phố cổ Hà Nội tổ chức diễn ra từ ngày 19/01 đến 12/02/2017. Ngoài điểm trưng bày, triển lãm 3 dòng tranh dân gian tiêu biểu, du khách có thể di chuyển về những địa điểm khác trong phố cổ để tìm hiểu Tết xưa của người Việt.

Căn bếp của người Hà Nội xưa ấm “màu Tết”

Ghé thăm ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây (Hàng Buồm), du khách sẽ được khám phá không gian đón Tết của gia đình người Hà Nội xưa và ngắm nhìn ảnh Tết xưa do Viện Thông tin văn hóa xã hội cung cấp.

Tái hiện không gian đón Tết của một gia đình ở đồng bằng Bắc Bộ là điểm mới của hoạt động chào Xuân do BQL phố cổ tổ chức

Còn tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hàng Buồm) không gian đón Tết cổ truyền của một gia đình ở đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện với ngôi nhà 3 gian, giếng nước, nhà bếp lợp bằng lá... Tất cả đều là những hình ảnh đặc trưng được họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chọn lựa, sắp đặt và trưng bày.

Ngoài ra, tại Trung tâm Di sản Phố cổ (28 Hàng Buồm) là các hoạt động hướng về cội nguồn và tôn vinh vẻ đẹp truyền thống dân tộc như: trình diễn thư pháp, vẽ tranh Tết dân gian, vẽ tranh hoa văn bằng chất liệu hiện đại và trưng bày ứng dụng sản phẩm mỹ thuật truyền thống.

Ban Quản lý Phố cổ còn tổ chức biểu diễn âm nhạc truyền thống tại các địa điểm di tích trong khu phố cổ diễn ra từ 20h-22h các ngày từ 29/1-1/2 tại Đình Kim Ngân ngày 29/01, Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) ngày 30/01, Trung tâm Thông tin Di sản phố cổ (28 Hàng Buồm) ngày 31/01 và Hội quán Phúc Kiến (40 Lãn Ông) ngày 01/02.

Bà Trần Thị Thúy Lan (Phó Trưởng BQL phố cổ Hà Nội) chia sẻ: “Các hoạt động này nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, mang đến cho du khách, đặc biệt là các bạn trẻ những giá trị tiêu biểu trong nét sinh hoạt Tết truyền thống của người Hà Nội và các vùng ven đô. Qua đó, chúng tôi mong muốn mọi người cùng duy trì và phát huy được giá trị văn hóa không chỉ ở hoạt động văn hóa Tết truyền thống mà còn ở các hoạt động khác như phố nghề, lễ hội trong phố cổ Hà Nội”.

Bà Lan cũng cho biết, trong thời gian tới BQL phố cổ sẽ dành nguồn lực cho bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản của khu phố cổ cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-khong-gian-song/3-dong-tranh-dan-gian-hoi-tu-cung-don-%e2%80%9ctet-viet%e2%80%9d