259 triệu USD cho công nghiệp cơ điện tử đến năm 2025

Theo Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, xét đến năm 2025, sẽ có 125 triệu USD dành để đầu tư trong giai đoạn từ nay đến 2015 và 134 triệu USD trong giai đoạn 2016 – 2025. Khoản đầu tư này gồm vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ của Nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác.

Ngành công nghiệp cơ điện tử Việt Nam sẽ được phát triển phù hợp với chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn 2020, trên cơ sở tích hợp kỹ thuật cơ khí với điện tử và công nghệ thông tin làm nền tảng. Mục tiêu đến năm 2015, ngành công nghiệp cơ điện tử sẽ đạt khoảng 3.100 tỷ đồng giá trị sản xuất thực tế, 18 – 20 triệu USD giá trị xuất khẩu. Đến năm 2025, các con số tương ứng là 8.200 tỷ đồng và 60 – 65 triệu USD. Về công nghệ và công nghiệp hỗ trợ, đến năm 2015 sản xuất được theo phương thức sản xuất OEM (sản xuất lắp ráp với chi tiết của nhà sản xuất gốc). Sau năm 2015 có thể sản xuất được một số loại sản phẩm theo hình thức ODM (tương tự OEM nhưng theo thiết kế riêng). Đến năm 2025 có được một số lợi thiết bị được làm chủ hoàn toàn – tổ chức sản xuất theo hình thức OBM (sản xuất theo nhãn hiệu riêng). Từ nay đến 2015 có xét đến 2025, định hướng từng bước xây dựng sản phẩm chủ lực, tạo ra các sản phẩm thông minh, có giá trị gia tăng cao mà Việt Nam có khả năng làm chủ thiết kế, làm chủ công nghệ chế tạo hoặc tích hợp. 6 nhóm sản phẩm chủ lực gồm: Nhóm máy công cụ CNC (Trung tâm tiện CNC, Trang tâm phay CNC, Trung tâm phay – tiện CNC, Máy cắt kim loại tấm CNC…); Thiết bị cơ điện tử phục vụ xây dựng và giao thông vận tải (cần cẩu tháp, cần trục bánh xích, cần trục bánh lốp, xe đào xúc, trạm trộn bê tông…); Thiết bị cơ điện tử phục vụ chế biến nông sản; Hàng tiêu dùng cơ điện tử; Thiết bị cơ điện tử phục vụ trong y tế (máy chụp Xquang, máy chụp cắt lớp, máy chụp cộng hưởng từ MRI, máy đo huyết áp điện tử cầm tay…); Nhóm cơ điện tử phục vụ an ninh quốc phòng. Khuyến khích bằng chính sách thuế Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương cũng đã chuẩn bị sẵn hàng loạt giải pháp, trong đó giải pháp về thuế được ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, về thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm cơ điện tử nội địa thông qua chính sách thuế. Liên tục cập nhật và công bố các sản phẩm cơ điện tử trong nước đã sản xuất được, làm cơ sở thiết lập hàng rào kỹ thuật nhằm khuyến khích hợp lý sản phẩm sản xuất trong nước. Khuyến khích các Hiệp hội tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Về đầu tư, ưu tiên đầu tư sản xuất sản phẩm cơ điện tử sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tiêu tốn ít tài nguyên vật liệu, tạo nên sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh. Dự án sản xuất sản phẩm cơ điện tử sử dụng vốn Nhà nước được xem xét, áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu trong nước theo quy định. Đẩy nhanh việc thực hiện các dự án sản xuất sản phẩm cơ điện tử thuộc ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp trong nước chế tạo sản phẩm cơ điện tử được hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ quốc gia đối với các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực,… Đặc biệt, về tài chính, hỗ trợ thông qua các chính sách thuế phù hợp với các quy định của WTO và cam kết quốc tế của Việt Nam. Áp dụng linh hoạt các phương pháp tính thuế, sử dụng có hiệu quả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp với các cam kết WTO và quy định của pháp luật hiện hành. Thường xuyên xem xét cập nhật danh mục các sản phẩm cơ điện tử, đề xuất danh mục các sản phẩm cơ điện tử được hưởng ưu đãi của luật công nghệ cao. (Xuân Bách)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/259-trieu-usd-cho-cong-nghiep-co-dien-tu-den-nam-2025/20111/105914.dfis