24 giờ sát cánh sinh tồn giữa phi công Anh và phát xít Đức

Nhóm phi công Anh và Đức bỏ qua thù hận để giúp nhau sinh tồn trong mùa đông khắc nghiệt ở Na Uy sau khi bắn rơi máy bay của nhau.

R.T Partridge (trái) và Horst Schopis trong lần gặp nhau năm 1977. Ảnh:Storie di Guerra.

Tháng 4/1940, Hitler huy động 68.000 bộ binh và lính dù, cùng gần 1.000 chiến đấu cơ xâm lược Na Uy để đảm bảo tuyến đường chiến lược cung cấp tài nguyên cho cỗ máy chiến tranh phát xít. Chiến dịch này vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ phe đồng minh, đặc biệt là Anh.

Bất chấp sự khốc liệt của cuộc chiến, những người lính ở hai chiến tuyến đôi khi vẫn hợp tác cùng nhau trong trận chiến sinh tồn giữa mùa đông khắc nghiệt của Na Uy, theo War History Online.

Ngày 27/4/1940, ba tiêm kích bom Blackburn Skua của Không quân Hoàng gia Anh tấn công một máy bay ném bom Heinkel He 111 của Đức khi nó tách khỏi đội hình. Trong trận không chiến này, chiếc Heinkel do trung úy Horst Schopis điều khiển bị tiêm kích Skua của đại úy R.T Partridge và R.S. Bostock bắn rơi.

Pháo thủ Hans Hauck trên oanh tạc cơ Đức thiệt mạng, nhưng 3 người còn lại trong tổ bay gồm Schopis, Josef Auchtor và Karl-Heinz Strunk sống sót khi nhảy dù xuống đất.

Tuy nhiên, sau khi bắn rơi chiến Heinkel, tiêm kích Skua của Patridge và Bostock lại gặp trục trặc động cơ, buộc họ phải hạ cánh khẩn cấp xuống một hồ băng hẻo lánh gần ngôi làng Grotli, cách nơi phi công Đức nhảy dù không xa.

Khi cố điều khiển chiếc tiêm kích hạ cánh, đại úy Partridge phát hiện một túp lều cũ của thợ săn tuần lộc cách đó không xa. Hai phi công Anh quyết định đi bộ trên tuyết để đến nơi trú ẩn. Tại đó, họ đối mặt với các phi công Đức cầm súng ngắn trong tay đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Patridge nhanh chóng thuyết phục đối phương bằng tiếng Anh lẫn tiếng Đức bập bẹ của mình, cho biết anh và đồng đội là thành viên sống sót của một oanh tạc cơ Vickers Wellington bị bắn rơi, chứ không phải từ chiếc tiêm kích vừa bắn hạ chính máy bay của họ.

Bầu không khí căng thẳng nhanh chóng tan biến khi hai bên bắt tay nhau. Các phi công Anh đã chia sẻ khẩu phần ăn ít ỏi của mình cho người Đức, bắt đầu quãng thời gian 24h hợp tác với nhau để sinh tồn giữa thời tiết lạnh giá khắc nghiệt.

"Khi trời dần tối, đại úy Partridge đề xuất rằng người Đức ở lại trong túp lều, hai sĩ quan Anh sẽ rời đi. Họ may mắn tìm thấy một ngôi nhà gỗ nhỏ, vốn là khách sạn Grotli đóng cửa vào mùa đông. Đó là nơi có thể trú ẩn trong thời tiết khắc nghiệt", Horst Schopis kể lại trong cuốn "Luftkampfgegner wurden Freunde" (tạm dịch: Những lính không quân từ thù thành bạn).

Lính Đức tìm đến ngôi nhà vào sáng hôm sau, rồi họ cùng nhau ăn sáng. Partridge và Strunk sau đó lên đường tìm kiếm trong khu vực lân cận với hy vọng tìm thêm lương thực và nhu yếu phẩm, giúp hai phi hành đoàn khỏi chết đói và chết cóng.

Họ nhanh chóng gặp được một toán lính Na Uy đang tuần tra bằng ván trượt tuyết. Strunk toan rút súng ngắn ra thì bị lính Na Uy bắn chết. Schopis và Auchtor bị lính Na Uy bắt giữ, bàn giao cho Anh và cuối cùng bị chuyển tới một trại tù binh ở Canada, nơi họ bị giam giữ đến cuối chiến tranh.

Chiếc Blackburn Skua của Partridge được trưng bày tại bảo tàng. Ảnh:War History Online.

Partridge và Bostock bị quân đội Na Uy tình nghi hợp tác với quân Đức. Họ cố gắng thuyết phục lính Na Uy bằng cách cho xem quân phục Không quân Anh. Rất may là chỉ huy đội tuần tra Na Uy có quen biết với bạn của Partridge, nên sau một thời gian xác minh, hai phi công Anh được thả tự do và hành quân đến Alesund để di tản bằng đường biển.

Tuy nhiên, chiếc tàu chiến Anh đón họ đã không đến như dự kiến, buộc họ phải đánh cắp một chiếc xe hơi để đến miền đông bắc Andelsnes, từ đó trở về Anh an toàn.

Tháng 6/1940, khi tham gia tấn công thiết giáp hạm Scharnhorst của Đức, tiêm kích do Partridge điều khiển bị bắn rơi. Anh bị quân Đức bắt làm tù binh và giam giữ cho đến hết chiến tranh. Bostock tiếp tục bay trên tiêm kích bom Skua và tử trận trong cùng trận chiến đó.

Năm 1977, hơn 30 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, Schopis nhận được một cuộc gọi từ Partridge. Từ đó họ thường xuyên gặp gỡ nhau như những người bạn tại Đức và Anh.

Chiếc tiêm kích bom Blackburn Skua của Partridge được tìm thấy năm 1974 ở dưới đáy hồ, sau đó được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Không quân ở Yovilton, Anh. Oanh tạc cơ Heinkel của Schopis vẫn nằm trên đỉnh núi gần làng Grotli.

Năm 2011, Horst Schopis qua đời ở tuổi 99, một năm sau khi bộ phim "Into The White" kể về vụ việc này ra mắt.

VnExpress

Chiếc Blackburn Skua của Partridge được trưng bày tại bảo tàng. Ảnh:War History Online.

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/quoc-te/24-gio-sat-canh-sinh-ton-giua-phi-cong-anh-va-phat-xit-duc-30485.html