230.000 tỷ làm đường cao tốc Bắc Nam: Quy trình chặt chẽ

Quy trình triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam vô cùng chặt chẽ, Bộ GTVT vẫn sẽ phải đợi ý kiến chỉ đạo từ Quốc hội.

Chỉ định thầu trong dự án đặc thù

Trong tờ trình Chính phủ về chương trình xây dựng cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án đầu tư hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc - Nam lên đến 230 nghìn tỷ đồng; trong đó phần vốn góp của Nhà nước là 40,7% tương đương hơn 93 nghìn tỷ đồng.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị các cơ chế đặc biệt trong đó bao gồm cả việc chỉ định thầu. Điều này lập tức gây nhiều lo ngại, nhất là những nghi vấn về lợi ích nhóm khi chỉ định thầu tại dự án QL 1A và QL 14.

Trước thông tin về việc đề xuất chỉ định thầu, trao đổi với Đất Việt, ngày 20/10, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Chỉ định thầu ở đây theo đề xuất của Bộ chỉ là dùng cơ chế đặc thù, trong trường hợp một số công trình đặc biệt, những công trình yêu cầu kỹ thuật phức tạp như các cây cầu đi qua sông lớn, các đường hầm xuyên núi dài, mà chúng ta muốn đẩy nhanh tiến độ.

Khi đó, bắt buộc phải lựa chọn các nhà thầu có năng lực tốt nhất để làm, nên Bộ muốn xin cơ chế để lựa chọn.

Đường bộ cao tốc Bắc - Nam vẫn đang là đề án

Về nguyên tắc, thực hiện Nghị định 15, cũng như Nghị định 30, Bộ GTVT vẫn sẽ tuân thủ việc tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu tốt nhất, còn một số trường hợp mới xin chỉ định thầu.

Tuy nhiên, có một số công trình đặc thù, đấu thầu cũng không chọn được nhà thầu, sẽ mất nhiều thời gian để kiến nghị, lựa chọn trong số các nhà thầu tốt, năng lực hợp lý nhất để xử lý các công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp, nên Bộ muốn chỉ định thầu".

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, có nhiều gói thầu, chỉ có một số nhà thầu làm tốt, Bộ muốn xây dựng tổ hợp nhà thầu đó để làm cho nhanh, trên cơ sở có kiểm toán chặt chẽ, với đơn giá ngay từ đầu, không đội vốn, không chậm tiến độ, cũng không có sự thiếu minh bạch trong tuyển chọn ở đây.

Phải xây dựng cơ chế tốt

Cũng liên quan đến cơ chế tài chính cho cao tốc Bắc - Nam, Bộ Tài chính đã bác nhiều đề nghị của Bộ GTVT, đặc biệt là cơ chế áp dụng định mức lợi nhuận trên phần vốn góp của nhà đầu tư ở mức 14%.

Việc đặt ra mức lợi nhuận này theo Bộ Tài chính là cao và không theo cơ chế thị trường.

Về thông tin này, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, cơ chế mức lợi nhuận 14%, hiện nay mới chỉ là Bộ nêu vấn đề lên, còn muốn đạt được thì phải có sự thảo luận của các Bộ, ban ngành, chứ không phải một Bộ GTVT có thể quyết định.

Bộ cũng mới nêu vấn đề như vậy, còn chưa đưa ra vấn đề cụ thể, phải xây dựng cơ chế tốt, để nếu như trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào, thì chúng ta có cơ chế bảo lãnh tỉ giá, bảo lãnh doanh thu cụ thể.

Còn với các nhà thầu trong nước phải có vấn đề lãi suất trong quá trình đầu tư xây dựng, chỉ có thể tính lại trong quá trình bắt đầu thu phí hoàn vốn, còn trong quá trình đấy thì nhà nước hỗ trợ phần lãi suất đó.

Riêng về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, ông Trường nói rõ: "Quy trình làm dự án này rất chặt chẽ, đầu tiên, chúng tôi trình Chính phủ, sau đó trình ra Quốc hội, khi Quốc hội cho chủ trương, thì Bộ GTVT mới lập dự án đầu tư.

Trên cơ sở đó chia ra các gói thầu để làm, thực hiện thành các giai đoạn, đặt ra mục tiêu hoàn thành, nhưng quan trọng nhất vẫn là phải thông qua chủ trương, khi đó có nguồn vốn đầu tư thì mới có thể triển khai".

Trước đó, tại buổi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 17/10, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH khẳng định: "Chính phủ cần trình QH xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư vì đây là dự án có quy mô rất lớn tác động đến vùng miền.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư tuyến đường này cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế".

Cũng đưa ra quan điểm, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng rất băn khoăn, với số tiền 230.000 tỷ đồng có thể đủ để xây dựng riêng một tuyến đường cao tốc, đó chỉ có thể là một phương án nâng cấp. Số tiền hơn 90.000 tỷ đồng của ngân sách nhà nước có lẽ chỉ đủ để giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, ông nhấn mạnh: "Các cấp có thẩm quyền phải vào cuộc xem xét, thậm chí phải xin ý kiến Quốc hội, các ĐBQH sẽ đưa ra ý kiến thảo luận.

Tôi không tin đây là một dự án thật sự đang tồn tại, hay đây chỉ là một ý tưởng nào đó, chứ không thể thành hiện thực".

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/230000-ty-lam-duong-cao-toc-bac-nam-quy-trinh-chat-che-3321245/