230.000 tỷ đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Làm rồi thu phí?

Tuyến đường bộ hiện nay đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa Bắc - Nam, chỉ cần mở rộng, nâng cấp.

Đó là quan điểm của ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội với Đất Việt trước đề xuất xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT.

Đừng quá vội vã

PV:- Vừa qua, Bộ GTVT đưa ra kế hoạch tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Hà Nội - TPHCM đến năm 2020 cần nhu cầu vốn khoảng 230.000 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách Nhà nước lên tới 93.000 tỷ đồng.

Theo ông, việc đưa ra dự án với số tiền đầu tư lớn như vậy tại thời điểm hiện tại có khả thi hay không, nếu so với các tuyến đường hiện nay đang được sử dụng? Ông đánh giá ra sao về khả năng hiệu quả kinh tế của dự án với ngành vận tải?

Ông Bùi Danh Liên: - Tôi rất hoan nghênh ý tưởng xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nó sẽ đi trước một bước tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Thế nhưng, tôi lại băn khoăn, suy nghĩ về khả năng tài chính hiện nay của đất nước, mặc dù, Chính phủ có kế hoạch đẩy mạnh phát triển kinh tế, GDP, nhưng nợ công của chúng ta hiện nay đã vượt ngưỡng giới hạn.

Nên nếu việc đầu tư vào công trình hạ tầng giao thông với số vốn lớn như vậy, làm cho kế hoạch tài chính gặp khó khăn thêm thì không nên. Kế hoạch nào cũng tốt, nhưng có điều phải phù hợp với khả năng tài chính của đất nước, Bộ nào cũng đưa, cũng lý giải các công trình tốt đẹp hết mà không căn cứ vào khả năng đầu tư tài chính của đất nước thì sẽ dẫn đến sự bó nợ, bất trắc.

Hơn nữa, đầu tư công trình hạ tầng nhất định phải đi đến thu phí, khi đó nó làm cho giá thành vận tải tăng lên, mà sức mua người dân có hạn. Cho nên, theo chúng tôi đoạn nào trọng điểm làm trước, chứ không lên vạch kế hoạch làm toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc.

Chưa cần xây tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Ví dụ, bên Thái Lan xây dựng sân bay quốc tế hiện nay là họ quy hoạch cách đây 41 năm, đến thời Thủ tướng Thaksin Shinawatra, khi kinh tế Thái Lan phát triển có tăng trưởng nhanh mới làm sân bay.

Họ cũng nhìn thấy là phải làm sân bay để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và đi lại của người dân, làm trung tâm giao lưu của Đông Nam Á, nhưng khả năng kinh tế là quan trọng, khi có đủ điều kiện tài chính họ mới làm, chứ không vội vàng làm bằng được.

Để thấy, chúng tôi đồng ý về chủ trương đầu tư hạ tầng nhưng phải căn cứ vào năng lực tài chính của đất nước, phát triển kinh tế xã hội, khả năng hoàn vốn đầu tư. Mặt khác, chúng tôi nghĩ chúng ta đang quá tập trung vào đường bộ, trong khi đường sắt là huyết mạch vận tải chủ lực của đất nước.

VN là nước có chiều dài nhiều, mà không phân bổ kinh phí để nâng cấp đường sắt, tôi cho rằng đó là thiếu sót.

Hiện nay đầu tư đường bộ quá lớn, nên thu hút khách và hàng vào đường bộ, nhưng chính đường sắt phát triển mới là chiến lược quan trọng với đất nước ta, kể cả về yếu tố an ninh quốc phòng, nó vận chuyển được nhiều người, hàng nặng, vũ khí.

Từ những năm 1945, khi cách mạng thành công, quân giải phóng đều đi tàu hỏa vào Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chiến tranh biên giới cũng huy động đường sắt chở quân từ miền Nam ra, sử dụng tàu hỏa vận chuyển quân đoàn, biên giới phía Tây, đảm bảo an ninh quốc phòng.

PV:- Với nhu cầu và lưu lượng vận tải hiện nay, theo ông, chúng ta đã cần thiết phải xây dựng tuyến đường này hay chưa, trong khi hiện nay, chúng ta đã có tuyến đường sắt Bắc - Nam, QL1, kèm theo đó là một số dự án đang được đề xuất như đường sắt cao tốc Bắc - Nam? Nếu cần thì chúng ta nên đầu tư khi nào, xin ông chỉ rõ?

Ông Bùi Danh Liên: - Nếu như chỉ tập trung vào tuyến đường bộ Bắc - Nam, theo tôi đúng như chưa cấp bách phải xây dựng ngay, vì tuyến đường bộ hiện nay đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa Bắc - Nam.

Thiết nghĩ, chỉ cần làm thế nào mở rộng, nâng cấp lên, đây cũng là một giải pháp trước mắt, không quá tốn kém mà hiệu quả đầu tư lớn. Bộ GTVT có trình lên dự án trên, thì cần phải xem xét, không nên đầu tư quá sức.

Việc cần làm hiện nay, theo tôi, là nâng cấp đường sắt tuyến đường sắt Bắc - Nam, mở rộng khổ đường từ 1m lên 1.435mm, để nâng cao tốc độ. Còn tuyến đường QL1 thì mở rộng, nâng cấp, còn đường cao tốc thì để lại, nó chưa phải nhu cầu thiết yếu.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/230000-ty-duong-bo-cao-toc-bac--nam-lam-roi-thu-phi-3320344/