22% số con công nhân phải sống xa mẹ

Trong hơn 2,4 triệu CN đang làm việc tại các KCN-KCX, KKT (KCN) thì gần 70% là LĐ nữ. Đa phần họ còn trẻ, mới tốt nghiệp THPT, thoát ly từ nông thôn ra thành thị. Bên cạnh mặt tích cực là có công ăn, việc làm, thu nhập thì công nhân lao động (CNLĐ) lại phải đối mặt với những “nhức nhối” liên quan tới đời sống gia đình.

Nhà trẻ cùng khu vui chơi như thế này rất hiếm có ở các KCN (ảnh chụp tại KCN Khai Quang - Vĩnh Phúc).

Con xa mẹ từ khi còn bế ẵm

Trong căn phòng trọ chưa đến chục mét vuông, chị H.T.Th (CN KCN Bắc Thăng Long, trú tại xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) giới thiệu: “Đây là cháu thứ hai nhà em, mới được 9 tháng tuổi. Bà ngoại cháu phải lên trông giúp để em đi làm, nhưng chắc cũng chả được lâu nữa, em lại phải xa con! Đứa đầu cũng thế, cứ “bén chân, bén tay” lại phải gửi về quê với ông, bà. Để ở đây thì ai trông? Thuê người (trông) thì lấy đâu ra tiền… ”. Mẹ chị Th - đã ngoài 60 tuổi nhưng nét mặt hiện lên những vất vả, lo toan - góp chuyện: “Cô xem, buồng chật thế này, 2 người lớn, 1 trẻ sơ sinh nằm chung một cái giường và cuối giường lại là bếp nấu ăn… Còn chồng nó thỉnh thoảng mới về, chứ thường xuyên ở nhà thì không biết ăn ở ra làm sao? Thương con, thương cháu lắm, nhưng muốn giúp thì chỉ có cách mang cháu về nuôi để mẹ nó yên tâm đi làm, kiếm tiền. Tôi cũng chỉ cố ở đến khi cháu đầy năm để cháu được bú mẹ nhiều hơn, cứng cáp hơn…”.

Hoàn cảnh như của chị Th là điển hình cho các gia đình CNLĐ nhập cư, làm việc trong các KCN trên cả nước và họ phải chấp nhận như một phần của cuộc sống. Bởi lẽ, điều kiện kinh tế và cuộc sống nhập cư không cho phép họ được tự tay chăm sóc con - đúng theo nghĩa vụ và thiên chức của người làm cha, làm mẹ. Theo kết quả nghiên cứu Đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của CN tại các KCN” của Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN được nghiệm thu sáng 16.8, có tới 21,8% những người được hỏi phải gửi con về quê với ông bà. Không chỉ có vậy, có lẽ, cũng chính vì thực trạng đau lòng này mà rất nhiều người yêu nhau, nhưng không dám cưới hoặc cưới rồi lại không dám sinh con. Từ đó, nảy sinh những hiện tượng tiêu cực khác như: Sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân; nạo phá thai trước hôn nhân; cưới rồi không dám sinh con; tình trạng sống độc thân ngày càng nhiều. Đặc biệt, tình trạng LĐ nữ đẻ con, nuôi con một mình hoặc có con nhưng không đăng ký kết hôn…

Chủ động phát huy kết quả nghiên cứu

CNLĐ đến làm việc tại các KCN - phần lớn là những người trẻ - trước hết là có cơ hội việc làm tốt hơn, nhưng với nhiều người, đó cũng là cơ hội tìm và gặp được người yêu, có bạn đời, lập nghiệp. Tuy nhiên, những ước muốn tự nhiên ấy của họ trên thực tế, bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện làm việc và sinh hoạt còn nhiều khó khăn. Theo ThS Bùi Phương Chi - chủ nhiệm đề tài - từ chất lượng cuộc sống thấp dẫn đến việc CN phải thường xuyên làm tăng ca, tăng giờ, ảnh hưởng đến thời gian dành cho gia đình và sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình cũng bị ảnh hưởng. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các nhóm giải pháp khác nhau nhằm nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của CN tại các KCN, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc giải quyết những yếu tố tác động tới vấn đề hôn nhân, gia đình như thu nhập (thông qua các phong trào LĐ giỏi, LĐ sáng tạo, đầu tư và nâng cao hiệu quả cho sản xuất, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát thực hiện chính sách pháp luật đối với NLĐ); xây dựng các mô hình thiết chế phục vụ nhu cầu của CN như nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở, siêu thị… Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ CN tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng sống và xây dựng gia đình hạnh phúc…

Theo ThS Hoa Hữu Vân (Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) những vấn đề phát hiện của đề tài cũng như các giải pháp đưa ra rất quan trọng, liên quan đến chất lượng dân số, mức độ an sinh xã hội cũng như trách nhiệm của các bên liên quan trong đề xuất chính sách với DN sử dụng LĐ, các cơ quan quản lý. Còn Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Văn Ngàng lưu ý, nhóm nghiên cứu và Ban Nữ công cần chủ động phát huy những kết quả nghiên cứu này vào trong công tác của mình, có đề xuất cụ thể với Đoàn Chủ tịch để góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống CNLĐ nói chung và LĐ nữ nói riêng hiện nay.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/cac-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-22-so-con-cong-nhan-phai-song-xa-me-584047.bld