“21st Century Breakdown”: Anh hùng và “rơm”

“Ôi mơ, Nước Mỹ, hãy mơ đi Ta thậm chí chẳng thể ngủ từ ánh sáng của bình minh Ôi hét, Nước Mỹ, hét lên đi Tin vào những gì ngươi thấy từ những anh hùng và “rơm”….” “Hát lên khúc hát của thế kỷ này, vang lớn hơn tiếng bom và cả sự vĩnh cửu. Kỷ nguyên của bế tắc và buôn lậu, dẫn chúng ta đến với vùng đất hứa hẹn kia. Có một câu chuyện thắp lên dưới ánh nến, rằng chiến tranh tiếp tục và lại một cuộc chiến thất bại. Hãy cứ hát lên khúc hát của thế kỷ này, sợ hãi, hứa hẹn và phồn thịnh âm vang. Kể tôi nghe câu chuyện để đưa tôi vào giấc ngủ, hát lên cùng những vì sao cho tôi.”

Đó là khởi đầu của 21 st Century Breakdown, một ca khúc nằm trong album thứ 8 cùng tên của nhóm nhạc punk rock Green Day. Ca khúc được viết bởi Billie Joe Armstrong, thành viên hát chính của nhóm và anh đã đem đến cho người nghe nhạc những trải nghiệm cùng phải nặng lòng suy nghĩ về tư duy của một cá nhân trong những thay đổi trong lịch sử, chính trị và thời cuộc nước Mỹ.

Nước Mỹ tươi đẹp phồn thịnh rưới lên trong tư tưởng những con người nhỏ bé phương xa một giấc mơ. Nước Mỹ rộng lớn với bao điều mới lạ mà họ muốn tìm kiếm để mong muốn đạt được điều gì đó cho cuộc đời của mình. Nước Mỹ giống như một mục tiêu, một hy vọng, một lý tưởng để ai đó có thể đổi đời, là giấc mơ của thế kỷ 20 và lấn sang thế kỷ 21. Nhưng nước Mỹ tươi đẹp một mặt nào đó cũng có những góc khuất của mình, là sự đổ vỡ của một thế kỷ kiệt quệ, là sự chuyển giao của những anh hùng nối tiếp và đem đến những linh hồn xám chán nản.

Là người con của nước Mỹ, sinh ra dưới thời tổng thống Nixon, Billie Joe coi thời đại của mình là địa ngục, với chiến tranh Việt Nam, với những đổ vỡ và vụ bê bối chính trị Watergate. 21 st Century Breakdown mở đầu với hình ảnh ấu thơ trong dòng tự sự này, là đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi phúc lợi của chính phủ, là đứa con sinh ra cuối cùng nhưng lại là đứa đầu tiên bay đi, bỏ lại tất cả để theo đuổi sự nghiệp của mình bằng âm nhạc. “Thế hệ của tôi là một con số không tròn trĩnh. Tôi chưa bao giờ đảm nhiệm như một anh hùng lao động cả.”

Lời bài hát là dòng tự sự của Billie Joe về thời cuộc của mình

“Thế kỷ 21 kiệt quệ

Tôi đã từng một lần tan biến nhưng chưa bao giờ được tìm ra

Tôi nghĩ mình đang dần đánh mất những gì còn lại trong tâm trí

ở những giây phút chót của thế kỷ 20”

Có thể nói, thế kỷ 21 là một thế kỷ đáng tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Với sự lãnh đạo của Bush, sự kết thúc và những hệ quả mà Bush đem đến cho nước Mỹ: các cuộc tấn công, khủng bố, hoảng loạn toàn cầu, xung đột xã hội, thế giới đã được một phen chứng kiến những thay đổi tiêu cực trong 10 năm đầu tiên của thế kỷ này nhưng vẫn giương mắt vô phương bất lực trước thời cuộc. Tất cả như thể chấm dứt, những hoài niệm hay những điều tốt đẹp, giai đoạn vàng của âm nhạc những năm 70 - 80 dường như đã bị hút vào dòng xoáy của hạn chót là thế kỷ 20, vốn vẫn tốt đẹp hơn nhiều.

“Chúng ta là lớp của khóa 13,

Sinh ra trong kỷ nguyên của sự khiêm nhường

Chúng ta tuyệt vọng trong sự suy vong

Được nuôi dưỡng bởi những tên khốn của năm 1969”

Qua lời kể của Billie Joe, dòng tự sự trong 21 st Century Breakdown vẫn chưa dừng lại ở một thế hệ mà còn day dứt đến những đứa con của “khóa 2013”, được nuôi dưỡng bởi những linh hồn lạc lối năm 69. Điều đó một mặt nào đó có liên hệ đến con trai của Billie, cũng như hiện thân của thế hệ non trẻ sau này, phải hứng chịu và tiếp nhận những vết nhơ quá khứ mà các bậc tiền bối tự gây dựng nên để rồi phải tuyệt vọng dưới sự suy vong của thời hoàng kim nước Mỹ.

“Tên của tôi là vô danh, đứa con biệt tích lâu ngày

Sinh ra vào ngày 4 tháng 7

Lớn lên trong kỷ nguyên của những tên anh hùng cùng sai khuyết

Đã bỏ mặc tôi một sống một chết…”

Kỷ nguyên này, biết bao nhiêu người ngỡ cứ tưởng là anh hùng có thể cứu vớt nước Mỹ, “make America great again” nhưng hóa ra lại là một đám những anh hùng khiếm khuyết đã bóp nghẹt nước Mỹ và thậm chí còn tệ hơn nữa. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ của Bill Clinton, Bush “con” thắng cử vị trí tổng thống thứ 43 của nước Mỹ và thập kỷ đầu tiên diễn ra cùng với những kinh hoàng mà thế giới cũng phải khiếp sợ. Sau vụ 11/9/2011 là sự đáp trả bằng cuộc chiến ở Afganistan, nối tiếp đó vào năm 2003 cuộc chiến khủng bố, vũ khí hủy diệt tại chiến trường Iraq, có thể ví như một món quà mà Bush tặng cho người kế nhiệm mình là Barack Obama. Vào thời điểm bài hát ra đời cũng là lúc mà ông Obama cầm quyền, tuy sự đổi mới này không có nhiều hứa hẹn gì, hứa hẹn ở một “vị anh hùng” tiếp theo, khi việc dung hòa giải quyết trong hòa bình cũng chưa đủ để nước Mỹ quay lại thời kỳ hoàng kim của mình. Và tuy thế kỷ 21 chưa đến hồi kết nhưng có vẻ Billie Joe đã quá cực đoan khi dành hết những nguyền rủa và trách cứ dành cho Bush con.

Hai đối thủ mới trong cuộc chiến vào Nhà Trắng năm 2016

Đã gần 7 năm trôi qua, có thể bây giờ là thời điểm mà bài hát được lọt vào trong những ca khúc được “đào” lại nhiều nhất khi hiện tại, vị trí tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã có kết quả, thậm chí lại còn là một kết quả đáng tranh cãi nhất gần đây, được truyền thông quan tâm đến đáng sợ. Đó chính là cuộc chiến giữa tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc đua vào ghế Nhà Trắng. Là do may mắn lại tuột khỏi tay Hillary Clinton một lần nữa hay là do người Mỹ đã tìm được “vị anh hùng” có thể “khiến nước Mỹ vĩ đại một lần nữa”? Liệu điều đó có thực không hay sẽ lại là một “anh hùng rơm” khác?

“Ôi mơ, Nước Mỹ, hãy mơ đi

Ta thậm chí chẳng thể ngủ từ ánh sáng của bình minh

Ôi hét, Nước Mỹ, hét lên đi

Tin vào những gì ngươi thấy từ những anh hùng và “rơm”….”

Xem thêm:

Tranh biếm họa bi hài về việc thắng cử của Donald Trump

Donald Trump: Tay chơi truyền thông quái kiệt

Phân biệt chủng tộc đã giúp ông Trump đắc cử như thế nào?

Mộng Trung Hoa hay lại là giấc mơ Mỹ

NTM

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/%e2%80%9c21st-century-breakdown%e2%80%9d-anh-hung-va-%e2%80%9crom%e2%80%9d