Xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD năm 2025: Rất khó

Ngành nuôi tôm Việt Nam hiện nay có quá nhiều khó khăn nên mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD rất khó thành hiện thực.

Mục tiêu khó đạt

Tại hội nghị “Triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017” được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng vào ngày 23/3, Bộ NNPTNT và các ngành liên quan đã đưa ra các giải pháp để kim ngạch xuất khẩu tôm tới năm 2025 đạt mức 10 tỷ USD.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NNPTNT thừa nhận, đây là việc không dễ dàng gì, nhất là trong bối cảnh ngân sách đầu tư không thể tăng được.

Để kế hoạch hoàn thành như mục tiêu đề ra như chỉ đạo của Chính phủ, ông Tám cho rằng có hai giải pháp đột phá cần thực hiện.

Thứ nhất, phải tập trung ứng dụng khoa học công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh, đưa kỹ thuật mới thông qua các chế phẩm sinh học, quy trình nuôi mới để tăng sản lượng.

Ngành nuôi tôm Việt Nam hiện nay có quá nhiều khó khăn nên mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD rất khó thành hiện thực.

Thứ hai, phải tổ chức lại sản xuất, lấy doanh nghiệp làm “đầu tàu”, đặc biệt với nuôi tôm quảng canh thông qua các mô hình sản xuất tôm hiệu quả.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Vũ Đình Đáp - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (thuộc Bộ NNPTNT) khẳng định trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, để đạt được mục tiêu như đề ra không hề dễ dàng chút nào.

Theo ông Đáp, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu tôm những năm qua của Việt Nam không có nhiều biến động, chỉ dừng lại ở mức 3-4 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị trên không phải hoàn toàn do chúng ta tạo ra mà có đến 25% giống tôm phải nhập khẩu từ nước ngoài vào trong nước để phục vụ nuôi trồng.

Cùng với đó, là tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước, sự trôi nổi của nguồn thức ăn cũng như trình độ khoa học kỹ thuật của người nông dân còn nhiều hạn chế.

“Tôi nghĩ mục tiêu đó rất phưu lưu. Thực tế môi trường nuôi tôm và thủy sản hiện nay so với 5-7 năm trước thì không bằng, ô nhiễm cực lớn, cực nhiều. Tại hội nghị mới được tại Khánh Hòa vừa qua, tôi cũng như nhiều nhà khoa học tham gia vào hội đồng phản biện chiến lược phát triển ngành thủy sản tỉnh này đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030 đều thú nhận môi trường nuôi bị ô nhiễm quá nặng.

Quy hoạch vùng nuôi có từ lâu nhưng không ai làm theo quy hoạch. Chúng ta đã tập trung vào ngành nuôi tôm từ 15-20 năm nay nhưng hầu như không có chuyển biến gì về mặt kỹ thuật. Người dân vẫn nuôi theo kiểu tự phát là chính với vốn liếng ít ỏi, số lượng các doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn vẫn còn hạn chế. Nghề nuôi tôm trong nhà kính với năng suất cao và đầu tư lớn mới chỉ dừng lại ở một số công ty nhưng giá trị chưa lớn. Nuôi công nghiệp mật độ cao tiềm ẩn nhiều ô nhiễm nên người dân nhiều nơi đã quay trở lại nuôi theo hình thức quảng canh, năng suất thấp nhưng chắc chắn hơn.

Hơn nữa, trình độ của người nông dân nuôi tôm vẫn còn thấp. Chúng ta cũng có tổ chức các đợt tập huấn, hội nghị nhưng hiệu quả chưa thật cao và thiết thực với nhu cầu sản xuất.

Thức ăn cũng là một vấn đề lớn. Ở Việt Nam hiện có hàng ngàn công ty đầu tư, kinh doanh thức ăn tôm tuy nhiên chúng ta không kiểm soát được hết, thị trường vẫn trôi nổi. Các doanh nghiệp chủ yếu tranh giành nhau để lấy hết lợi nhuận của người nông dân”, ông Đáp dẫn chứng.

Vị chuyên gia cũng nhắc đến lo lắng từ đại diện Bộ NNPTNT tại hội nghị “Triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017”. Theo ông Đáp, phát biểu thận trọng của đại diện Bộ NNPTNT phần nào cho thấy mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD đặt ra cho ngành thủy sản không phải muốn là có thể thực hiện được.

“10 tỷ USD là quyết tâm chung như vậy. Tuy nhiên với điều kiện hiện tại, theo tôi nuôi trồng trong vài năm tới chưa có chiều hướng gì chuyển biến cả. Suốt gần 20 năm qua, Việt Nam tập trung nhiều vào ngành nuôi tôm nhưng không có chuyển biến gì nhiều thì đến năm 2025 mong có những đột phá như vậy là rất khó”, ông Đáp nhấn mạnh.

Gói tín dụng 100.000 tỷ cho nông nghiệp: Đừng để dân thiệt

Rào cản thị trường xuất khẩu

Một vấn đề khác được ông Vũ Đình Đáp đưa ra đó là vấn đề thị trường xuất khẩu đối với ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.

Theo ông Đáp, chúng ta vẫn có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng mở của các nước, tuy nhiên rào cản đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam đang ngày càng nhiều hơn. Trong 3 năm gần đây, các thị trường nhập khẩu như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Brazil, Ả- rập- Xê- út..., liên tục đưa ra những cảnh báo về an toàn thực phẩm, thậm chí cấm nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Do đó, ông Đáp cho rằng, nếu không có những kế hoạch cụ thể mà tiến hành theo kiểu chạy đua thì người nuôi tôm Việt Nam sẽ tiếp tục gặp thêm các thất bại cay đắng.

“Tôi chưa tìm thấy một thuận lợi nào trong ngành nuôi tôm của Việt Nam. Chúng ta đầy rẫy những khó khăn. Vì vậy không thể mong muốn đạt ngay được mục tiêu đề ra”, ông Đáp nhấn mạnh.

Tiếp tục phân tích, ông Vũ Đình Đáp lấy ví dụ mô hình HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa của ông Tăng Văn Tuối, ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Theo vị chuyên gia, ông Tuối là người có công lớn trong việc vận động nông dân cùng tham gia sản xuất theo quy trình khép kín từ lịch thời vụ, con giống và ứng dụng kỹ thuật chăm sóc. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, hợp tác xã luôn đạt hiệu quả kinh tế cao, đóng góp trên dưới 40% tổng sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/2025-xuat-khau-tom-dat-10-ty-usd-thoi-dung-chiem-bao-3331941/