2017: Trông gì ở 'cơn bão' nhà ở giá rẻ ?

Nhu cầu nhà ở giá thấp, nhà ở giá rẻ đang rất lớn nhưng nguồn cung rất hạn hẹp. “Cơn khát” này đã được giải tỏa phần nào, hay nói chính xác là đã được giải tỏa về mặt tinh thần, khi các “đại gia” bất động sản tiết lộ kế hoạch tham gia sân chơi này.

Nhiều chủ đầu tư nhấn mạnh sẽ đầu tư đồng bộ về cảnh quan, hạ tầng, trường học, trung tâm thương mại, bệnh viện…tại các dự án nhà giá rẻ.

Giải tỏa cơn "khát"

Việc ban hành các chính sách là quan trọng, nhưng chúng ta động viên DN tham gia vào phân khúc này quan trọng hơn, bởi Nhà nước không bao giờ đủ tiền để giải quyết được vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, chúng ta phải dựa vào những động lực từ DN.

GS. Đặng Hùng Võ:

Cuối năm 2016, Tập đoàn Vingroup công bố sẽ đầu tư xây dựng chuỗi nhà ở giá rẻ với tổng số khoảng 200.000 – 300.000 căn hộ mang thương hiệu VinCity tại 7 địa phương, gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nha Trang và TP.HCM. Điều đáng nói, mức giá của sản phẩm chỉ từ 700 triệu đồng/căn, thậm chí tại một số địa phương như Hà Tĩnh, giá căn hộ có thể chỉ bắt đầu ở mức 450 triệu. Chia sẻ với báo chí, đại diện Vingroup cho biết dự án là những chung cư cao tầng từ 22-25 tầng, mật độ xây dựng là 20 - 25%, các căn hộ có diện tích từ 35-90m2 và giá bán trung bình từ 13 - 19 triệu/m2. Sự chuyển hướng sang phân khúc nhà giá rẻ của ông lớn Vingroup thực sự là thông tin gây bất ngờ đồng thời đem lại sự hứng khởi cho thị trường cũng như niềm vui cho người thu nhập thấp. Thông tin này đã ngay lập tức tạo hiệu ứng khi không lâu sau đó, Tập đoàn Mường Thanh cũng công bố sẽ tung ra 3.000 căn hộ có giá chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2 với diện tích căn hộ từ 50-60 m2 tại dự án Thanh Hà Cienco 5 (thuộc quận Hà Đông, Hà Nội). Sau khi hai ông lớn này lên tiếng, nhiều DN khác như Him Lam Land, Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty Nam Long, Tập đoàn Coteccons… cũng cho biết sẽ tham gia phân khúc này trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, nhu cầu về nhà ở giá rẻ, nhà ở giá thấp chưa bao giờ hết nóng, và cùng với những thông tin nóng hổi về nguồn cung, năm 2017 nhà ở giá rẻ sẽ là phân khúc trung tâm của thị trường bất động sản. Đánh giá về thông tin này, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng, tín hiệu tốt cho thị trường. Trước mắt, người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn bởi hiện nay còn nhiều đối tượng có nhu cầu nhà giá thấp nhưng vẫn phải đứng ngoài cuộc.

Chia sẻ về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện nay nguồn cung cho phân khúc này rất thiếu, trong khi nhu cầu rất cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, ở Việt Nam tỷ lệ người có thể mua được nhà với giá rẻ chiếm khoảng 80%, trong khi nguồn cung chỉ có 20%, vì thế không bao giờ phải lo ngại việc các nhà đầu tư đụng nhau ở phân khúc này, vì dù số lượng căn hộ giá rẻ tăng lên gấp 5 lần hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, tuyên bố của Tập đoàn Vingroup, Mường Thanh... cho thấy các nhà đầu tư đã tin rằng đầu tư vào nhà ở giá rẻ cũng có lợi và đó cũng là trách nhiệm xã hội của DN.

Cần động lực từ DN

Câu hỏi đặt ra là ngay trong năm 2017, nhà ở giá rẻ liệu đã đến được tay người tiêu dùng?

Theo những thông tin được công bố, 200.000 – 300.000 căn hộ của Vingroup sẽ gia nhập thị trường trong giai đoạn 5 năm tới, như vậy, nếu tính trung bình, mỗi năm sẽ có khoảng 60.000 -70.000 căn hộ của Vincity được cung cấp cho thị trường… Đại diện Vingroup cho biết hiện nay DN đang thúc đẩy thủ tục ở cả 7 địa phương đã công bố và hy vọng là sẽ lần lượt khởi công được ở cả 7 thành phố trong nửa đầu năm 2017 và sẽ mở bán khi đủ điều kiện cho phép. Các dự án sẽ được triển khai đồng loạt sau khi xong thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng. Như vậy, có thể thấy nếu nhanh thì có thể cuối năm 2017, một số dự án của DN này sẽ đủ điều kiện để mở bán. Được biết, tại Hà Nội DN này có 2 dự án được triển khai tại huyện Gia Lâm với diện tích gần 300 ha và dự án tại huyện Đan Phượng có diện tích 130 ha. Tại TP.HCM, các dự án đặt tại quận 7 (20 ha) và quận 9 (gần 300 ha). Với Tập đoàn Mường Thanh, chủ đầu tư này cho biết Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 có 9 tòa chung cư gần 3.000 căn có diện tích từ 45 - 80m2, được xây dựng trên diện tích khoảng 400 ha. Hiện nay dự án đã giải phóng mặt bằng, đang được triển khai các hạng mục như nhà ở, hạ tầng, trường học và khách hàng đã có thể đặt cọc mua nhà từ giữa năm 2016.

Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, nhu cầu của phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn còn rất lớn, vì thế việc hai tập đoàn lớn tung ra các dự án mới chỉ phần nào đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, lợi nhuận làm nhà ở giá rẻ không hấp dẫn các chủ đầu tư, phân khúc nhà ở xã hội đang gặp khó khăn do chưa bố trí được tín dụng ưu đãi, vì thế cần phải có nhiều sự cởi mở nhằm động viên các DN khác tiếp tục tham gia phân khúc này. “Để khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà giá rẻ có cơ hội phát triển, Chính phủ cần cởi mở hơn về luật lệ để các DN dễ dàng đầu tư vào phân khúc nhà giá rẻ với điều kiện có lợi cho DN”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đề xuất. Chuyên gia này cũng cho biết đã kiến nghị nhiều lần về việc cho phép các DN xây dựng nhà giá rẻ được phép phát triển dự án với hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, diện tích nhà ở giống nhà ở xã hội.

“Nếu Nhà nước mở điều kiện này thì đây là bước mở quan trong đem lại 90% thành công cho nhà giá rẻ. Còn các bước mở khác như hỗ trợ về tiền sử dụng đất, hạ tầng cung cấp điện, nước, giảm thuế GTGT… tôi cho rằng cũng quan trọng, nhưng tôi đánh giá chỉ đem lại 10% thành công”, ông Đực phân tích.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/2017-trong-gi-o-con-bao-nha-o-gia-re.aspx