20 tuổi đã bị máu nhiễm mỡ

Ăn quá nhiều chất béo bão hòa, hoặc kiêng khem quá độ đều có thể gây ra bệnh máu nhiễm mỡ. Bệnh rất nguy hiểm và đang có xu thế trẻ hóa.

Nguyên nhân - Hậu quả

Bình thường trong máu có một tỷ lệ mỡ nhất định (cholesterol, triglycerid…). Nếu các chỉ số này cao hơn mức cho phép thì là mỡ máu cao hay còn gọi là rối loạn chuyển hóa lipid máu.

 Máu nhiễm mỡ làm xơ vữa động mạch dẫn tới nguy cơ đột quỵ, tử vong

Máu nhiễm mỡ làm xơ vữa động mạch dẫn tới nguy cơ đột quỵ, tử vong

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh máu nhiễm mỡ như: Di truyền, chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý (ăn quá độ thức ăn chứa cholesterol, phủ tạng động vật, hải sản, uống nhiều rượu bia).

Máu nhiễm mỡ có thể gây ra nhồi máu cơ tim do biến chứng thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch.

Tăng mỡ máu gây nên các mảng xơ vữa, khiến lòng mạch hẹp lại, thành mạch kém đàn hồi làm tăng sức đề kháng lên lòng mạch máu. Để cung cấp đầy đủ nhu cầu máu, cơ thể có những đáp ứng như tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim, tăng hấp thu giữ nước trong cơ thể... dẫn đến cao huyết áp.

Tình trạng dư thừa mỡ trong máu còn ảnh hưởng tới gan. Khi sự tích lũy của chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan thì gan bị nhiễm mỡ. Tình trạng gan nhiễm mỡ nặng có thể có biểu hiện vàng da, đau bụng, buồn nôn, ói mửa và gan to, thậm chí xơ gan.

Ngoài ra, máu nhiễm mỡ còn làm khởi phát các bệnh nguy hiểm khác như sỏi mật và tiểu đường.

Những ai dễ bị máu nhiễm mỡ?

Nếu như trước đây, người ta chỉ đề cập đến rối loạn mỡ máu ở tuổi từ 60 trở lên thì hiện nay, ngay từ tuổi 20 trở lên đã nhiều người mắc bệnh.

Đối tượng dễ bị bệnh máu nhiễm mỡ điển hình là người béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo.

Rượu bia quá đà, ăn nhậu nhiều là một nguyên nhân gây mỡ máu

Bên cạnh đó, những ai bị đái tháo đường, bệnh gan, thận, suy tuyến giáp cũng có nguy cơ bị máu nhiễm mỡ rất cao.

Nhóm người dễ bị máu nhiễm mỡ nữa là người cao tuổi, phụ nữ mãn kinh, người thường xuyên bị lo âu căng thẳng.

Các chuyên gia còn cảnh báo, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai lâu dài, bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị tim mạch, trầm cảm cũng rất dễ máu nhiễm mỡ.

Người gầy, suy dinh dưỡng vẫn có thể bị mỡ máu. Người ăn ít hay ăn kiêng quá mức khiến lượng đường trong máu thấp. Khi đó cơ thể phải tự điều chỉnh tăng hấp thu mỡ để phân giải thành năng lượng, nếu lười vận động mỡ sẽ tích tụ mà không được chuyển hóa, axit béo đi vào máu nhiều, vượt quá mức cho phép gây ra mỡ máu.

Đối với những người trẻ tuổi, bệnh máu nhiễm mỡ rất ít khi được để ý, chỉ phát hiện một cách vô tình khi đi khám hay điều trị bệnh lý nào đó. Ở người già, biểu hiện của máu nhiễm mỡ dễ nhận biết hơn, có đến 90% bệnh nhân bị cao huyết áp, đái tháo đường đi kèm với tăng mỡ máu.

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh

Bệnh máu nhiễm mỡ có các triệu chứng điển hình. Thông thường, bề mặt da người bệnh bóng loáng, màu vàng, mọc nhiều nốt phồng nhỏ trên da mắt, khuỷu tay, bắp đùi, gót chân nhưng không đau và ngứa. Khi bệnh phát triển nặng, người bị máu nhiễm mỡ có thể đau đầu, hoa mắt, bứt rứt trong người, thở ngắn, hồi hộp, cơ thể phì mập.

Để phòng tránh bệnh máu nhiễm mỡ, các bác sĩ khuyên người dân nên kiểm soát cân nặng bằng cách luyện tập thể dục thể thao.

Bên cạnh đó, mọi người cần tránh ăn các chất béo bão hòa, đồ chiên rán, thịt đỏ mà nên ăn nhiều rau quả và chất xơ.

Đặc biệt, để không trở thành nạn nhân của bệnh máu nhiễm mỡ, chúng ta cần hạn chế hút thuốc lá, tránh uống nhiều bia rượu, ăn tối quá muộn.

Thanh Huyền

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/287706/20-tuo-i-da-bi-ma-u-nhie-m-mo.html