20 quốc gia nguy hiểm cho khách du lịch

Đây là 20 quốc gia nguy hiểm nhất do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) bình chọn theo tiêu chí: mức độ rủi ro, an ninh, bạo lực, khủng bố.

Li-băng: Đất nước có nhiều nhóm cực đoan đang hoạt động nên các cuộc đánh bom khủng bố thường xuyên xảy ra. Những cuộc biểu tình và tranh chấp nhỏ giữa các gia đình hoặc vùng lân cận dễ biến thành bạo lực, có thể gây tổn hại cho những người ngoài cuộc.

El Salvador: Ngoài việc được biết đến là quốc gia có tỷ lệ giết người cao nhất thế giới thì đây còn là địa điểm hoạt động của nhiều băng nhóm tội phạm lớn và nguy hiểm.

Philippines: Ngoài các vụ bắn súng gần đây tại Casino Manila, các vụ bắt cóc cũng xảy ra thường xuyên hơn ở Sulu. Trong các vụ bắt cóc đó, người nước ngoài thường là mục tiêu ưa thích của bọn tội phạm.

Thái Lan: Các tỉnh Yala, Pattani và Songkhla nằm ở phía Nam là những điểm nóng về bạo lực với hơn 6.500 người tử vong trong vòng 13 năm qua.

Mali: Nguy cơ diễn ra các vụ tấn công khủng bố ở thủ đô của Mali - Bamako là rất cao. Các khách sạn và nhà hàng thường xuyên là mục tiêu của những cuộc tấn công này.

Bangladesh: Ngoài mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố, thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến Bangladesh với nguy cơ thiên tai như lũ lụt, động đất.

Ai Cập: ISIS và các nhóm cực đoan khác là mối đe dọa lớn đối với các điểm công cộng hay du lịch trên khắp Ai Cập.

Nigeria: Hai nhóm cực đoan Boko Haram và các quốc gia Hồi giáo Tây phi thường xuyên gây ra các cuộc bạo lực nhằm vào nhà thờ, trường học, nhà hàng hay khách sạn.

Kenya: Những cuộc tấn công khủng bố diễn ra ngày càng nhiều và đang trở thành mối đe dọa lớn với người dân nơi đây.

Colombia: Bắt cóc, buôn bán ma túy, cướp giật vẫn xảy ra ở nhiều thành phố lớn như Bogota bởi Bacrim – một băng nhóm lớn có vũ trang thực hiện.

Jamaica: Mặc dù chưa có lời khuyến cáo du lịch nào dành cho Jamaica nhưng bạo lực và tiếng súng vẫn nổ tràn lan ở một số vùng của đất nước, như vịnh Kingston hay Montego.

Pakistan: Mâu thuẫn tôn giáo đã cản trở sự phát triển của Pakistan trong nhiều năm và bạo lực với 1 số nhóm tôn giáo là không thể tránh khỏi. Chính phủ cũng ra lệnh cấm người nước ngoài tại nhiều thành phố như một cách để bảo vệ họ.

Venezuela: Sự thiếu hụt những hàng hóa cơ bản như điện, nước, thực phẩm, y tế là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bất ổn xã hội và nạn tội phạm gia tăng trên cả nước.

Honduras: Quốc gia không chỉ có tỷ lệ giết người cao mà hoạt động tội phạm và buôn bán ma túy cũng ngày càng gia tăng.

Guatemala: Biên giới giữa Guatemala với Mexico là một trong những vùng nguy hiểm do nạn buôn lậu ma túy và buôn bán người diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, đây là nước có tỉ lệ giết người cao thứ năm ở Mỹ Latinh và Caribe.

Chad: Các tổ chức khủng bố như IS, Al Qaeda, và Boko Haram đều hoạt động tại Chad. Trong quá khứ, các cuộc tấn công của các nhóm cực đoan đã nhằm mục tiêu không chỉ dân thường và lực lượng an ninh mà còn cả người nước ngoài.

Nam Phi: Tỷ lệ tội phạm cao đã khiến nhiều người dân địa phương phải thuê nhân viên bảo vệ tư nhân. Những vụ hiếp dâm và giết người cũng thường xuyên xảy ra.

Cộng hòa Dân chủ Congo: Nơi đây có rất nhiều các lực lượng vũ trang và băng cướp hoạt động. Các du khách đã đến với đất nước này sẽ không xa lạ với hình ảnh những chiếc xe tăng thiết giáp, trực thăng quân đội có mặt ở khắp nơi.

Yemen: Những cuộc tấn công bằng bom mìn của các lực lượng cực đoan diễn ra thường xuyên khiến cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn và thiếu thốn.

Ukraine: Cuộc chiến của các lực lượng vũ trang Ukraine – Nga vẫn chưa có hồi kết và người phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là những người dân vô tội.

Thanh Nga VOV

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/song-cham/20-quoc-gia-nguy-hiem-cho-khach-du-lich-post28929.html