20 năm trước, khu vực Hồ Văn không có điện thờ!

Việc một số người 'lén lút' cải tạo, nâng cấp công trình được cho là điện thờ Mẫu trên đảo Kim Châu trong Hồ Văn đang xôn xao dư luận.

 Hồ Văn bị lấn chiếm nghiêm trọng trước khi được tôn tạo. (Ảnh chụp cuối năm 1995, do Viện Bảo tồn di tích cung cấp).

Hồ Văn bị lấn chiếm nghiêm trọng trước khi được tôn tạo. (Ảnh chụp cuối năm 1995, do Viện Bảo tồn di tích cung cấp).

Là người trực tiếp khảo sát, chủ trì lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám giai đoạn 1996-2000, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH,TT&DL) khẳng định, 20 năm trước trên đảo Kim Châu không có điện thờ, chỉ còn lại tấm bia đá và nền móng của kiến trúc phương đình truyền thống. KTS Lê Thành Vinh đã có cuộc trao đổi với Báo Hànôịmới về nội dung này.

- Ông có thể cho biết cảnh quan, không gian Hồ Văn trước khi được cải tạo như thế nào?

- Thời điểm chúng tôi khảo sát, xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo Văn Miếu - Quốc Tử Giám giai đoạn 1996-2000, Hồ Văn xuống cấp nặng nề, bị lấn chiếm nghiêm trọng. Diện tích Hồ Văn chỉ còn khoảng 7.000m2 so với 25.000m2 theo bản đồ năm 1964 và 12.297m2 so với diện tích nằm trong khu vực bất khả xâm phạm theo Quyết định 4155/QĐ-UBND ngày 24-12-1994 của UBND TP Hà Nội. Mặt hồ biến thành nơi thả bèo, đổ rác, phế thải… Nhận thấy Hồ Văn là một bộ phận cấu thành, không thể tách rời tổng thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TP Hà Nội đã phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo Văn Miếu - Quốc Tử Giám giai đoạn 1996-2000. Trong đó, có những nội dung đã thực hiện như nạo vét, kè hồ, cải tạo hệ thống thoát nước, làm tường bao, đường đi… để giữ được cảnh quan, không gian Hồ Văn như hiện nay.

Nhìn tổng thể, đảo Kim Châu trên Hồ Văn không có nhiều sự khác biệt so với hiện nay, nhưng khi lên đảo ít nhiều thấy sự khác biệt. Tại thời điểm chúng tôi khảo sát, trên đảo Kim Châu không có công trình nào được gọi là điện thờ, chỉ còn lại một tấm bia đá và một phần nền móng của kiến trúc cũ mà theo tư liệu là tòa phương đình.

- Như ông vừa nói thì công trình được cho là điện thờ Mẫu trên đảo Kim Châu không phải là công trình có từ lâu đời, càng không phải là một bộ phận của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám?

- Đúng vậy! Công trình này được gọi là cũ so với thời điểm hiện tại, chứ không thể có “tuổi” nhiều hơn 20. Hồ sơ dự án lưu giữ tại Viện Bảo tồn di tích còn đủ tư liệu khẳng định năm 1996 đảo Kim Châu không có điện thờ Mẫu hay công trình nào tương tự.

Như tôi đã trao đổi, Hồ Văn là một bộ phận không thể tách rời của tổng thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngay cái tên Hồ Văn cũng đã nói lên ý nghĩa, chức năng hoạt động của nó. Vì thế, có thể nói, việc một số người dân xây điện thờ, rồi cải tạo, nâng cấp điện thờ, thực hành tín ngưỡng trên đảo Kim Châu… là hành động tự phát. Hoạt động tín ngưỡng mặc dù được tôn trọng nhưng cũng cần phải đúng chỗ, đúng đối tượng. Chưa kể, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt, bất cứ ai, đơn vị nào tác động đến di tích, dù là nhỏ cũng phải có sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan chức năng. Hơn nữa, trong khu nội tự Văn Miếu đã có điện thờ Mẫu thì càng không có lý do gì để dựng thêm điện thờ mẫu trên đảo Kim Châu.

- Theo ông, khu vực Hồ Văn nên được cải tạo, phát huy giá trị theo hướng nào?

- Khu vực này vốn là nơi gặp gỡ, trao đổi, bình văn của các Nho sinh trường Giám, cho nên chúng tôi đã từng đề xuất phục hồi tòa phương đình trên đảo Kim Châu với mong muốn trả lại cho nơi này khung cảnh độc đáo, nên thơ, tạo điểm dừng chân cho du khách khi tham quan di tích và bảo vệ bia đá. Trong dự án tu bổ, tôn tạo Văn Miếu - Quốc Tử Giám giai đoạn 1996-2000, chúng tôi dự kiến phục hồi tòa phương đình với quy mô nhỏ, mặt bằng hình vuông, mái có cổ diêm, không gian trống, không ngăn che, hòa nhập hữu cơ với không gian, cây xanh của đảo Kim Châu.

Tôi được biết, các cơ quan chức năng tiếp tục có kế hoạch tôn tạo Hồ Văn, để nơi đây thành điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống và tôi rất đồng tình với ý tưởng này. Làm được như vậy, khu vực Hồ Văn không chỉ ăn nhập, hài hòa với tổng thể khu di tích, kết nối với khu nội tự của Văn Miếu, mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo sự tiếp nối di sản với cuộc sống đương đại. Đây cũng là cách bảo vệ di tích tốt nhất. Chính các hoạt động diễn ra thường xuyên ở đây sẽ góp phần ngăn chặn hành vi tự ý xâm phạm di tích của nhiều cá nhân và người dân đến đây sẽ có ý thức tốt hơn đối với việc bảo vệ, giữ gìn di tích.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Hiền thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/851810/20-nam-truoc-khu-vuc-ho-van-khong-co-dien-tho