20 năm 'cướp cơm' Hà Bá

22 giờ ngày 12-5, anh Ngô Văn Léo (1963, trú P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cùng vợ là Huỳnh Thị Lới đang ru cháu ngủ dưới thuyền neo ở chân cầu Cẩm Lệ thì nghe nhiều tiếng kêu cứu người đuối nước trên cầu. Biết có người nhảy sông tự tử, anh Léo hối vợ tháo dây neo thuyền nhanh chóng chèo ra giữa sông. Sau chừng 10 phút quần thảo trong vòng bán kính chừng 100m, vợ chồng anh Léo vẫn không tìm thấy nạn nhân. Trong lúc nghĩ đến tính huống xấu nhất xảy ra thì bất ngờ anh Léo phát hiện có bóng đen nhô lên khỏi mặt nước. Anh bảo vợ soi đèn pin và nhanh chóng tiếp cận, đưa nạn nhân là một cô gái trẻ lên thuyền.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm cứu người đuối nước, anh Léo nhận định nạn nhân này bị ngất do va chạm mạnh khi rơi từ trên cầu xuống nước. Vì thế nạn nhân không uống nước, cần phải khẩn trương hô hấp nhân tạo và kích hoạt tim mạch. Trên đường chèo thuyền đưa cô gái vào bờ, anh Léo nhờ người dân điện thoại cho Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng và tiến hành sơ cứu ban đầu. Khi vào đến bờ, nạn nhân bắt đầu có dấu hiệu hồi tỉnh, mạch đập trở lại và cuối cùng giữ được tính mạng khi chuyển vào bệnh viện cấp cứu. Theo CAP Khuê Trung, nạn nhân nhảy cầu tự tử là chị Trần Thị Bích T. (31 tuổi, trú Q.Cẩm Lệ).

Anh Ngô Văn Léo hàng ngày mưu sinh tại khu vực cầu Cẩm Lệ.

Tiếp chuyện với anh Léo chúng tôi được biết, đây là một trong số hàng trăm vụ cứu người đuối nước mà gia đình anh đã trực tiếp ra tay. Anh kể, trước khi xây cầu Cẩm Lệ, anh cùng cha ruột của mình hành nghề chèo đò đưa khách từ P.Hòa Xuân vượt sông Cẩm Lệ sang P.Hòa Thọ Đông. Sau này khi có cầu mới xây kiên cố, anh mua thuyền, hành nghề đưa khách đi thực hiện nghi lễ phóng sinh dưới chân cầu Cẩm Lệ. Trong hơn 20 năm mưu sinh bằng nghề sông nước, anh đã cứu hàng trăm người nhảy cầu tự vẫn và trực tiếp vớt nhiều tử thi trôi đến khu vực sông Cẩm Lệ. Anh bảo, ngày xưa cha anh dạy bơi và căn dặn sau này phải noi gương cha cứu người.

Dù mưu sinh bằng nghề sông nước nhưng cả gia đình anh không ai sợ phải cứu người đuối nước. Bởi theo quan niệm dân gian, nếu cứu người đuối nước thì sẽ bị thủy thần bắt người đó thế mạng. Anh nhớ năm 2016, nhà anh cứu vớt 4 trường hợp nhảy cầu Cẩm Lệ tự tử, trong đó có 3 người sống. Trong số hàng trăm người được cứu, hầu như sau đó đều mang lễ vật đến hậu tạ nhưng anh không nhận và nói vợ chồng anh làm việc nghĩa, không cần phải được ai tuyên dương, khen thưởng và bồi dưỡng. Nhớ nhất là năm 2015, vì giận chuyện gia đình, một thanh niên tên Q. nhà ở P.Hòa Xuân nhảy cầu Cẩm Lệ tự tử lúc 12 giờ đêm. Anh Léo phát hiện, kịp thời cứu sống và thông báo đến cho gia đình biết. Vì ơn cứu mạng này mà sau đó Q. đến xin nhận vợ chồng anh Léo làm cha nuôi. Và chính bố mẹ của Q. cũng đã đến tạ ơn. Họ bảo vợ chồng anh đã sinh ra con trai họ lần thứ hai. Ngoài cứu người, vớt tử thi anh còn phát hiện, kịp thời ngăn chặn nhiều trường hợp có ý định nhảy sông tự tử, trong đó có nhiều học sinh. Hễ thấy nghi ngờ, vợ chồng anh tìm cách tiếp cận và phân tích thiệt hơn, giúp nhiều em vì buồn chuyện kết quả học tập và bị gia đình la mắng từ bỏ ý định dại dột.

Được biết anh Léo bị thương tích nặng do vướng phải bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nay vẫn còn di chứng. Vợ chồng anh chủ yếu mưu sinh trên 2 chiếc thuyền neo đậu dưới chân cầu Cẩm Lệ. Nguyện vọng của vợ chồng anh là mong chính quyền Q.Cẩm Lệ quan tâm, tạo điều kiện để tiếp tục duy trì công việc, vừa có thu nhập nuôi sống bản thân, vừa có điều kiện để giúp đỡ người gặp nạn.

Nguyên Thảo

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_166194_20-nam-cuo-p-com-ha-ba-.aspx