2 năm thu thẻ trợ giúp pháp lý, phát sinh tiêu cực

Việc quy định 2 năm không tham gia vụ việc tố tụng sẽ thu thẻ trợ giúp pháp lý sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực nhằm giữ thẻ trợ giúp pháp lý.

“Chạy chỉ tiêu” để giữ thẻ trợ giúp pháp lý

Ngày 27/10, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, trình bày Tờ trình dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2006 và định hướng đổi mới công tác TGPL của Chính phủ, Dự thảo Luật chỉ quy định 3 hình thức TGPL là: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và Đại diện ngoài tố tụng theo hướng ưu tiên hoạt động tham gia tố tụng (khoản 2 Điều 26).

Trợ giúp pháp lý cho phạm nhân

So với Luật TGPL hiện hành, Dự thảo Luật đã bỏ các hình thức TGPL khác nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác TGPL, tránh dàn trải, nặng về hình thức và trùng lắp với các hoạt động theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở... như hiện nay.

Ngoài ra, Dự thảo Luật còn quy định nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý là bảo đảm chỉ tiêu vụ việc TGPL (điểm a khoản 2 Điều 23) và trong thời hạn 2 năm liên tục Trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng sẽ bị thu hồi thẻ (điểm đ khoản 1 Điều 20) nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực TGPL.

Liên quan vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Thành – Trưởng ban Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6179 - Công ty Luật TNHH Huy Thành không đồng tình với quy định của dự thảo.

Theo luật sư, tại sao TGPL lại ưu tiên hoạt động tham gia tố tụng? Khi người cần TGPL có vấn đề cần được trợ giúp thì người TGPL hiểu biết của mình, tư vấn, tìm ra phương án giải quyết vụ việc phù hợp nhất, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người đó, chứ không phải bất cứ vụ việc gì cũng phải khởi kiện ra Tòa án (tham gia tố tụng).

Thực tế hiện nay hầu như Tòa án nào cũng đang “quá tải” số vụ việc, chất lượng xét xử còn chưa cao thì việc tìm phương án giải quyết ngoài tố tụng sẽ giúp người được TGPL tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, chi phí…

Hơn nữa, quy định của pháp luật dân sự và chính sách của Nhà nước cũng khuyến khích các cá nhân, cơ quan, tổ chức hòa giải, thương lượng giải quyết vụ việc, miễn là không trái đạo đức, trái pháp luật.

“Như vậy, tại sao lại theo hướng ưu tiên hoạt động tố tụng hơn những cái khác”, luật sư Thành đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, việc tham gia TGPL là một việc làm hết sức nhân văn, có tính xã hội rất cao. “Cá nhân tôi cho rằng hoạt động TGPL không phải hoạt động kinh doanh, hay thi đua lập thành tích mà áp chỉ tiêu. Đó phải là hoạt động thực chất, có chất lượng, thực sự TGPL cho người được trợ giúp để cùng họ tháo gỡ các vướng mắc”, luật sư Thành phân tích.

Ngoài ra luật sư Thành cũng cho hay, việc trợ giúp viên pháp lý 2 năm không tham gia tố tụng đâu có nghĩa là khẳng định họ không tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.

“Hoạt động trợ giúp pháp lý có nhiều hình thức khác nhau và theo tôi hình thức nào cũng quan trọng và có ý nghĩa. Không thể so sánh hay ưu tiên cái này hơn cái kia. Một người trợ giúp viên pháp lý rất giỏi về tư vấn pháp luật hay giỏi về đại diện ngoài tố tụng, có tâm huyết, đã giải quyết được rất nhiều vụ việc. Vậy thì tại sao chỉ vì họ có 2 năm không tham gia hoạt động tố tụng nên bị thu hổi thẻ? Liệu như vậy có công bằng và cứng nhắc không?”, Giám đốc Công ty luật Huy Thành phân tích.

Luật sư cũng đặt vấn đề: “Tại sao lại chỉ quy định 2 năm không tham gia vụ việc tố tụng thì bị thu hồi thẻ mà không quy định thời hạn cho hai hình thức còn lại? Nếu có trường hợp người trợ giúp viên pháp lý chỉ tham gia tố tụng mà từ chối các hoạt động khác thì xử lý thế nào?”

Điều luật giao chỉ tiêu và quy định thời hạn không tham gia tố tụng bị thu hồi thẻ cũng có phần nào đó là hình thức và khó thực thi trên thực tế.

Nếu giao chỉ tiêu thì rất dễ phát sinh trường hợp “chạy chỉ tiêu” để báo cáo. Rồi sẽ lại phát sinh bộ phận có nhiệm vụ kiểm đếm chỉ tiêu, xác định có tham gia tố tụng hay không.

Nếu quy định như dự thảo thì một người trợ giúp viên pháp lý chỉ cần tham gia một vụ việc tham gia tố tụng trong thời hạn 2 năm là đáp ứng được yêu cầu thì liệu hiệu quả ban đầu của quy định có còn được đảm bảo hay không?

Trợ giúp pháp lý đâu chỉ có tham gia tố tụng

Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho biết, người TGPL giúp theo hình thức tham gia tố tụng, hiểu nôm na là bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý là bị can, bị cáo, bị hại trong vụ án hình sự hoặc đương sự trong vụ án dân sự, hành chính.

Hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ tham gia vụ việc tố tụng

Trên thực tế, người TGPL còn thực hiện theo các hình thức khác, chẳng hạn như tư vấn pháp luật cho người nghèo, cô đơn không nơi nương tựa; giải đáp pháp lý cho hội viên hội người mù, người tàn tật; phổ biến kiến thức cho học sinh cấp 1, 2; tuyên truyền pháp luật đối với đồng bào miền núi, ở vùng sâu vùng xa, bà con dân tộc thiểu số...

Trong lĩnh vực tố tụng, do số lượng vụ án có đối tượng được TGPL tham gia không quá nhiều, nên nhiều lúc không đủ để bất cứ người TGPL nào cũng được thực hiện.

Nghĩa là có khi người TGPL muốn được trợ giúp theo hình thức tham gia tố tụng nhưng cũng không có việc để mà làm.

Bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp Trung tâm TGPL Nhà nước khi có yêu cầu trợ giúp từ cơ quan tố tụng, sau đó cán bộ trung tâm lại chỉ yêu cầu một hoặc một vài trợ giúp viên quen biết mà không chia đều đầu việc cho tất cả các trợ giúp viên.

Vậy thì sẽ rất vô lý, bất công nếu thu hồi thẻ Trợ giúp viên đối với những người trợ giúp pháp lý đã tham gia rất nhiều vụ việc nhưng lại không có vụ việc nào thuộc trường hợp tố tụng”, luật sư Thanh đặt vấn đề.

Theo luật sư Thanh rất cần sửa đổi quy định này theo hướng: Thu hồi thẻ nếu người TGPL không tham gia bất cứ hình thức trợ giúp nào trong thời hạn 2 năm, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc vì ốm đau bệnh tật có xác nhận của cơ sở chữa bệnh có thẩm quyền.

Tại cuộc thảo luận tổ chiều 27/10, về vấn đề này đại biểu Bùi Huyền Mai – Đoàn đại biểu Hà Nội cũng cho rằng, việc quy định 2 năm không tham gia vụ việc tố tụng sẽ thu hồi thẻ trợ giúp pháp lý là bất hợp lý, vì với trường hợp người TGPL không tham gia tố tụng nhưng tham gia hoạt động ngoài tố tụng thì sao? Đại biểu Mai đặt vấn đề.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn đại biểu TP.HCM, cũng cho rằng, việc không tham gia tố tụng thì việc TGPL không chỉ vấn đề đó còn vấn đề về hỗ trợ pháp luật, đại diện cho người tố tụng….

Ngoài ra đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng việc thu hồi thẻ TGPL đối với người nghỉ hưu cũng cần phải cân nhắc. Bà Châu dẫn ý kiến của một cư tri là luật sư về vấn này cho biết, thực tế là những người tham gia TGPL còn có cả thẩm phán, kiểm sát viên, và những người hoạt động trong ngành tư pháp./.

Việt Đức/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/2-nam-thu-the-tro-giup-phap-ly-phat-sinh-tieu-cuc-564060.vov