2 án tử trong vụ án Giang Kim Đạt

HĐXX tòa sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Trần Văn Liêm mức án tử hình; Giang Kim Đạt: tử hình; Trần Văn Khương chung thân cùng về tội danh “Tham ô tài sản”.

Xác định hành vi của các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Vianshinlines là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội, diễn ra trong một thời gian dài, gây bất bình đối với quần chúng nhân dân, hoang mang trong dư luận xã hội, HĐXX tòa sơ thẩm đã tuyên 2 án tử, 1 án chung thân.

Chiều 22/2, tòa sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên phạt các bị cáo trongvụ án “Tham ô tài sản, Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin -Vinashinlines.

Các bị cáo bị tuyên án gồm: Trần Văn Liêm (SN 1955, nguyên Tổng Giám đốcVinashinlines), Giang Kim Đạt (SN 1977, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanhVinashinlines) và Trần Văn Khương (SN 1950, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines) và Giang Văn Hiển (SN 1950, bố đẻ của Giang Kim Đạt).

Trong số 4 bị cáo trên, Giang Văn Hiển bị truy tố, xét xử về tội “Rửa tiền”, 3 bị cáo còn lại bị cáo buộc “Tham ô tài sản”.

Thẩm phán luận tội và tuyên án

Các bị cáo đang nghe tòa tuyên án

Theo tòa sơ thẩm, dù tại tòa, các bị cáo thay đổi lời khai, các luật sư cũng đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số vấn đề liên quan nhưng với những căn cứ, tài liệu điều tra, lời khai của các bị cáo, HĐXX xét thấy có đủ cơ sở để kết tội các bị cáo như cáo trạng truy tố. Theo đó, từ tháng 7/2006 đến tháng 3/2007, bị cáo Liêm đã ký hợp đồng mua 3 con tàu Vinashin Summer, Vinashin Island và Vinashin Phoenix, đồng thời giao cho Giang Kim Đạt thực hiện đàm phán mua các con tàu này.

Quá trình thỏa thuận, Đạt thống nhất với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Sumer của Panama với giá 6,25 triệu USD và Vinashinlines sẽ được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua bán tàu. Trong số 2% đó, công ty môi giới được giữ lại 10%, số tiền còn lại hơn 1,9 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển.

Tương tự, chiếc tàu Vinashin Island được mua với giá 5,95 triệu USD của Croatia. Trong đó, Đạt thỏa thuận với Marvin Shipping LTD để được hưởng 3,75% và cũng trích lại 10% trên tổng số tiền “hoa hồng” cho đối tác. Số tiền lần này được chuyển vào tài khoản của bố đẻ bị cáo là hơn 3 tỷ đồng.

Đối với tàu VinashinPhoenix được mua với giá 21,55 triệu USD của Hy Lạp, Đạt cũng thỏa thuận để hưởng lợi bất chính 2% theo giá trị hợp đồng. Số tiền Marvin Shipping LTD chuyển vào tài khoản của Giang Văn Hiển ở lần thứ ba này là gần 6,5 tỷ đồng.

Bằng thủ đoạn nêu trên của Giang Kim Đạt cùng đồng phạm, bị cáo Giang Văn Hiển đã nhận được tổng cộng gần 11,5 tỷ đồng tiền bất chính từ những hợp đồng mua bán 3 con tàu của Vinashinlines.

Giang Kim Đạt (áo khoác nâu) bị dẫn giải đến nghe tuyên án chiều 22/2.

Từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, thông qua các công ty môi giới, bị cáo Liêm, Đạt và Trần Văn Khương đã thỏa thuận, đàm phán với các chủ tàu để gửi giá cước trong hợp đồng thuê mướn 9 con tàu và đã chiếm đoạt 249 tỷ đồng của Vinashinlines. Tổng cộng, các bị cáo đã chiếm đoạt hơn 260,5 tỷ đồng.

Trong đó, bị cáo Liêm chiếm hưởng 3,1 tỷ đồng, Đạt hưởng hơn 255 tỷ đồng và Khương “bỏ túi” 110.000 USD. Nhận được số tiền trên chuyển vào tài khoản, bị cáo Hiển đã rút ra đưa cho con trai là Giang Kim Đạt, đồng thời mua 40 bất động sản và mua đi bán lại 13 ô tô đứng tên bị cáo cũng như người thân.

Bản án xác định, Trần Văn Liêm giữ vai trò khởi xướng và chủ mưu và đã chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, thông qua thông qua tài khoản của bị cáo Hiển. Số tiền đó, bị cáo Liêm đã dùng để mua một số bất động sản và ô tô Mercedes.

Đối với Giang Kim Đạt, từ năm 2006 đến 2008, bị cáo là nhân viên, rồi giữ chức Quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines. Bị cáo có nhiệm vụ đàm phán, thương lượng mua bán tàu biển và cho thuê tàu biển nhưng bị cáo đã lợi dụng việc này để hưởng tiền “hoa hồng”, gửi giá cước để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, lên đến 255 tỷ đồng. Bị cáo Đạt phạm tội với vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Liêm.

Tương tự, bị cáo Khương có nhiệm vụ quản lý về tài chính của Vinashinlines. Bị cáo biết rõ việc bị cáo Liêm, Đạt lợi dụng việc mua tàu hưởng “hoa hồng” và gửi giá cước trong việc cho thuê tài biển nhưng vẫn cố tình hưởng ứng bằng việc để ngoài sổ sách kế toán các khoản tiền đó. Mặc dù tại tòa bị cáo không thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố, không thành khẩn khai nhận tội phạm gây ra nhưng vẫn có đủ cơ sở xác định bị cáo Khương đã chiếm hưởng bất chính 110.000 USD.

Về bị cáo Giang Văn Hiển, bị cáo nhận thức được mục đích của Đạt nhờ mở nhiều tài khoản, tại nhiều ngân hàng khác nhau là để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng nhận thức được số tiền các công ty nước ngoài chuyển vào tài khoản đều là tiền bất hợp pháp nhưng vẫn tích cực thực hiện.

Giang Kim Đạt tranh thủ hỏi thăm bố (áo đen) trước giờ tuyên án

HĐXX xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo trong vụ án là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội và diễn ra trong một thời gian dài, gây bất bình đối với quần chúng nhân dân, hoang mang trong dư luận xã hội. Do đó, cần phải áp dụng những hình phạt tương xứng đối với tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo.

Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, lời khai các bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như trong phiên xét xử, quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát và phần tranh luận, bào chữa của các luật sư, HĐXX tòa sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Trần Văn Liêm mức án tử hình; Giang Kim Đạt: tử hình; Trần Văn Khương chung thân cùng về tội danh “Tham ô tài sản”.

Giang Văn Hiển bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Rửa tiền”.

Đối với số tiền 260,5 tỷ đồng mà các bị cáo đã chiếm hưởng bất chính, HĐXX tòa sơ thẩm tuyên thu hồi và trao trả nguyên đơn dân sự là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/2-an-tu-trong-vu-an-giang-kim-dat-post187607.html