2.277 người tham gia cai nghiện ma túy

Đã có 2.277 người tham gia cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết triển khai cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng do Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức vào ngày 14/10.

Ông Trần Ngọc Du, Chi Cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, cho biết thực hiện Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính Phủ về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi quan điểm về cai nghiện ma túy theo hướng xem người nghiện ma túy là người bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ và điều trị cai nghiện ma túy là quá trình lâu dài. Hiện nay, thành phố có 11.953 người nghiện ma túy, trong đó có 2.277 người nghiện có nơi cư trú trên địa bàn đã thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng (có 905 người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, 508 người cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng). Đã có 890 người nghiện ma túy đăng kí điều trị dịch vụ, 4.142 bệnh nhân tham gia điều trị bằng thuốc Mathadone…

Các địa phương đã tiếp nhận quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú là 10.871 người, đã giảm 7.121 người do chết, di chuyển nơi cư trú, phạm pháp. Thực tế các địa phương đang quản lý là 3.750 người, trong đó có 2.432 người có việc làm (chiếm tỷ lệ 65%).

Các đại biểu cho rằng để giảm số người nghiện cần phải cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mới hiệu quả.

Tuy nhiên, theo ông Du, mặc dù thành phố đã tập trung triển khai quyết liệt việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng nhưng do một số nội dung quy định còn bất cập, vướng mắc. Chẳng hạn như vẫn có sự chồng chéo, chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện rõ ràng nên khi thực hiện còn lúng túng. Hầu hết người nghiện chưa tự giác khai báo tình trạng nghiện và lựa chọn hình thức cai nghiện với chính quyền. Nguyên nhân do ngại chịu sự quản lý, giám sát và tâm lí sợ bị cộng đồng kì thị, xa lánh cho nên công tác cai nghiện trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn hay điều kiện đối với cắt cơn nghiện ma túy tại cộng đồng chưa đáp ứng yêu cầu hoặc do quận, huyện hiện nay chưa có cơ sở vật chất để hỗ trợ cắt cơn điều trị.

Ngoài ra, thời gian xác định tình trạng nghiện của người nghiện ma túy theo quy định là 2 ngày làm việc. Tuy nhiên, có nhiều người nghiện ma túy trong thời gian 2 ngày không thể xác định tình trạng nghiện. Đồng thời, không có văn bản nào cho phép tạm giữ người nghiện ma túy chờ để xác định tình trạng nghiện…

“Để tạo chuyển biến mạnh mẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, kiểm soát và cai nghiện trong tình hình mới, chúng ta cần đa dạng hóa công tác tuyên truyền về cai nghiện ma túy đến quần chúng theo chiều sâu. Cần sửa đổi, thay thế một số nội dung không còn phù hợp với địa phương; đồng thời cần thống nhất các nội dung cụ thể hóa bằng một quyết định hướng dẫn chung. Tiếp tục phối hợp với quận, huyện duy trì và nhận rộng việc xây dựng các điểm tư vấn cai nghiện ma túy tại cộng đồng ở các địa phương trọng điểm, phức tạp về tệ nạn ma túy”, ông Du cho biết thêm.

Hoàng Tuyết

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/2277-nguoi-tham-gia-cai-nghien-ma-tuy-20161014164540421.htm