2/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 'nguy cơ' không đạt

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ chỉ ra nhiều khó khăn thách thức mà nền kinh tế đã gặp phải. Theo đánh giá, trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH đề ra cho năm 2016, ước tính tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ khó đạt kế hoạch đề ra.

Ông Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp sáng 17-10.

Sự cố môi trường góp phần kéo thấp GDP

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 2016, Kế hoạch phát triển KT-XH 2017, Chính phủ cho biết: Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2016, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu thô giảm sâu, giá các hàng hóa cơ bản khác tiếp tục giảm, các xung đột cục bộ, khủng bố,... đã tác động xấu đến phát triển kinh tế nước ta.

Ở trong nước, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự báo. Thiên tai, rét hại, băng giá ở các tỉnh miền núi phía Bắc; tiếp đến là hạn hán kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bão, lũ, ngập lụt,... gây khó khăn rất lớn cho sản xuất và đời sống người dân.

Sự cố ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng xấu đến khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, dịch vụ du lịch ở 4 tỉnh miền Trung. Năng suất lao động xã hội thấp và khả năng cạnh tranh yếu kém làm mất đi lợi thế của nước ta trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Nhờ thực hiện quyết liệt hàng loạt các Nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nền kinh tế đã vượt qua những khó khăn rất lớn trong quý I, quý II, lấy lại đà phục hồi và phát triển từ đầu quý III. Tốc độ tăng trưởng GDP quý III đã đạt 6,4%, cao hơn quý I tăng 5,48% và quý II tăng 5,78%.

9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%) nhưng cao hơn nhiều hơn so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm (5,52%).

Dự báo cả năm, trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH đề ra cho kế hoạch năm 2016, ước thực hiện có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 0,6%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP là 32,5%; chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) là 4,5-5%.

Có 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,3-6,5% so với kế hoạch đề ra là 6,7%, và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6-7% so với kế hoạch đề ra là 10%.

Trên cơ sở Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 tăng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31,5% GDP.

GDP 6,7% có khả thi?

Nêu ý kiến thẩm tra báo cáo này của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh– Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết: Nhiều ý kiến đề nghị kế hoạch năm 2017 cần căn cứ vào kế hoạch 5 năm 2016-2020 để tính toán, phân chia về chỉ tiêu.

Đa số ý kiến nhất trí không đưa ra mục tiêu tổng quát cho từng năm nhưng phải có mục tiêu cụ thể để thực hiện tốt mục tiêu tổng thể của 5 năm.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, Ủy ban Kinh tế cho rằng: Có chỉ tiêu khó có thể tính toán sự thay đổi hàng năm, do đó cần cân nhắc tính toán thận trọng, khoa học, đảm bảo tính thống nhất, ổn định của các chỉ tiêu phát triển KT-XH hàng năm với hệ thống chỉ tiêu đã xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020.

Đi vào các chỉ tiêu cụ thể, đại diện Ủy ban Kinh tế bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của các chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%; tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội 31%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6-7% và tỷ lệ nhập siêu 3,5%.

Ông Thanh phân tích: Năm 2016, GDP ước thực hiện đạt 6,3-6,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước 32,5%GDP trong khi tỷ lệ kế hoạch năm 2017 của 2 chỉ tiêu này là 6,7% và 31%.

Trong bối cảnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu và vai trò của yếu tố vốn đối với tăng trưởng vãn ở mức đáng kể, việc giảm tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP 1,5% khi các nguồn lức tăng trưởng khác chưa thể thay đổi đột biến sẽ khó đạt được mức tăng trưởng 2017 cao hơn 2016 với mức chênh lệch 0,2-0,4% như dự kiến của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa kế hoạch năm 2017 thấp hơn so với số liệu ước thưc hiện năm 2016 trong khi GDP kế hoạch năm 2017 lại cao hơn là chưa thực sự thuyết phục, đặc biệt là khi xu hướng tăng các yếu tố tiêu dùng, đầu tư của tư nhân chưa rõ ràng, chỉ tiêu của Chính phủ bị hạn chế do vấn đề bội chi NSNN, nợ công tác động.

Tương tự, tỷ lệ nhập siêu so với giá trị xuất khẩu hàng hóa trong kế hoạch năm 2017 cao hơn chỉ tiêu kế hoạch của 2016 trong khi tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2017 lại thấp hơn 2016 là chưa phù hợp với thực trạng của kinh tế Việt Nam thời gian qua là hoạt động xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các yếu tố đầu vào.

Chiều 17-10, UBTVQH tiếp tục cho ý kiến vào các nội dung này.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/2-13-chi-tieu-phat-trien-kt-xh-2016-nguy-co-khong-dat.aspx