19.8.1945: Lê Trọng Nghĩa, 23 tuổi đã làm thuyết khách

- 23 tuổi là Ủy viên UBKN Hà Nội từng tiếp kiến ông Trần Trọng Kim. Trưa 19/8/1945 được cử đi thuyết phục chỉ huy Nhật ở Trại Bảo an binh, đến đêm 19/8/1945 tham gia đàm phán với Tổng chỉ huy quân đội Nhật ở Hà Nội. Năm 24 tuổi là đại biểu Quốc hội khóa I, 28 tuổi là Cục trưởng Cục Quân báo, 32 tuổi là sĩ quan trong Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ…

"...Vậy là đã gần 3 năm bị giam Hỏa Lò…. Trong tù tôi gặp nhiều bậc tiền bối như Bí thư Xứ ủy Trần Đăng Ninh (tử tù), các Xứ ủy viên Trần Tử Bình, Lê Tất Đắc… và bạn học cùng lứa. Tôi tham gia Ban sinh hoạt do anh Trần Tử Bình là trưởng ban. Vừa tranh thủ học tập lí luận, anh em tù chính trị vừa nung nấu ý chí vượt ngục..." - ông Lê Trọng Nghĩa bắt đầu câu chuyện. "Chính trị" bắt tay "thường phạm" vượt ngục Hỏa Lò Lợi dụng sự quản lí lỏng lẻo sau khi Nhật hất cẳng Pháp, đêm 11/3/1945, tôi được anh Bình giao nhiệm vụ bảo vệ ông Trần Đăng Ninh trèo tường vượt ngục. Trước đó, phải thuyết phục Cầm Văn Dung, thủ lĩnh cánh thường phạm, cùng tổ chức vượt ngục. Với phương án leo lên mái nhà rồi lần theo mái ngói ra sát tường rào, từ đây bắc thang qua rồi buộc dây (được bện từ chăn chiên xé ra) vào cọc điện thả xuống đất… Thỏa thuận là cứ đi được một thường phạm thì đến một tù chính trị. Nhưng cũng chỉ hơn chục anh em tù chính trị thoát được theo lối này vì cánh thường phạm tranh nhau ra, làm lộ lối đi. Mấy đêm sau, gần 140 tù chính trị được anh Bình tổ chức trốn ra theo đường cống ngầm. Ra tù vài ngày thấy Thi đến tìm rồi ông Lê Đức Thọ cử tôi cùng anh Vũ Quý sang bên Dân chủ đảng (đảng của các nhân sĩ trí thức, sinh viên, học sinh yêu nước). Trước phụ trách báo “Độc Lập” của Dân chủ đảng, nay Thi chuyển về hoạt động ở Hội Văn hóa cứu quốc. Tháng 8/1945, Nguyễn Đình Thi đi dự Quốc dân đại hội; còn tôi tham gia UBKN Hà Nội. "Hiệu lệnh 10 giờ" Đầu tháng 8/1945, hầu hết các cán bộ trong Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ được triệu tập lên Tân Trào. Riêng 2 thường vụ Xứ ủy được phân công ở lại, gồm: Nguyễn Khang phụ trách Hà Nội, Trần Tử Bình trực cơ quan Xứ ủy ở Vạn Phúc (Hà Đông), theo dõi 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Thời kì đó, liên lạc phải thông qua Z.T (giao thông) chạy bộ, cùng lắm là đạp xe), chỉ thị của Trung ương đến nơi mà phải mất cả tuần lễ. Mặc dù chưa nhận lệnh Trung ương, nhưng nắm chắc chỉ thị “Nhật-Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta” và dựa vào thực tế cách mạng của Hà Nội mà Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập UBKN Hà Nội do ông Nguyễn Khang là Chủ tịch cùng 4 ủy viên: Nguyễn Quyết - bí thư Thành ủy, Nguyễn Duy Thân đại diện cho tầng lớp tiểu thương, Trần Quang Huy đại diện cho công nhân HN và tôi đại diện cho anh em trí thức cùng “ông cố vấn” Trần Đình Long . Cụ Phan Kế Toại, Khâm sai đại thần, bắn tin muốn gặp Việt Minh. Ngày 16/8, tôi theo anh Khang đến gặp ông tại phủ nhưng ông chưa đồng ý bàn giao chính quyền cho Việt Minh. Rồi tình hình thế giới biến động, phát xít Đức thất bại, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng. Không khí Hà Nội ngày càng sôi sục. Khi thăm dò anh em công chức Hà Nội, đã có ý kiến: nếu khởi nghĩa vào ngày chủ nhật thì các công sở sẽ đóng cửa, nếu lực lượng cách mạng tấn công thì lực lượng phòng vệ sẽ rất mỏng. Mặt khác, anh em công chức ở nhà sẽ là lực lượng bổ sung ngay cho hàng ngũ cách mạng. Còn “giờ hành động” thống nhất ra sao khi không hề có phương tiện thông tin liên lạc? Lập tức có ý kiến đề xuất: Đúng 10 giờ sáng, hệ thống còi gắn trên nóc Nhà hát Lớn, ga Hàng Cỏ, Nhà Tiền (nay là Nhà máy In Tiến Bộ) đồng loạt nổi lên. Loa chĩa bốn phương tám hướng, tiếng còi vang xa cả chục cây số, ở các quận huyện ngoại thành cũng nghe được. Như vậy có thể lấy tiếng còi tầm 10 giờ làm “hiệu lệnh khởi nghĩa”! Vấn đề được báo cáo Thường vụ. Sáng 17/8, Thành ủy báo về: Chiều nay có cuộc mit-tinh của giới công chức ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim ở quảng trường Nhà hát Lớn. Sáng đó, anh Khang chỉ thị dùng lực lượng tự vệ phá mit-tinh, sau đó thì rút. Vậy mà buổi chiều, sau khi từ cuộc mit-tinh trở về ATK, anh chém tay: “Phải khởi nghĩa ngay. Thời cơ đến rồi!” Phóng xe Limousin cắm cờ Việt Minh điều đình với Nhật Ngay trong đêm 17/8, Thường vụ Xứ quyết định chọn ngày chủ nhật 19/8/1945 là ngày Tổng khởi nghĩa. Ngày 18/8, trụ sở UBQSCM chuyển vào nội thành, đóng tại số nhà 101 Gambetta (nay là 101 Trần Hưng Đạo). Sớm 19/8, dân chúng đổ về Hồ Gươm. Đến đâu cũng nghe thấy vang lên bài “Tiến quân ca” của Văn Cao và “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi. Nhất là khi nghe đoạn “Tiến lên nền dân chủ cộng hòa!...” của Thi làm tôi xốn xang. Thời cơ đến rồi!”. Đúng 10 giờ sáng, sau “hiệu lệnh còi”, cuộc mit-tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn bắt đầu. Ngay sau đó, hàng vạn quần chúng cách mạng chia làm 2 hướng, tấn công vào Phủ Khâm sai - cơ quan đầu não của chính quyền cũ và Trại Bảo an binh - nơi tập trung lực lượng quân sự mạnh nhất. Tại các huyện ngoại thành, cũng sau “hiệu lệnh 10 giờ”, nhất loạt đánh chiếm các trung tâm hành chính. Khi cánh do ông Nguyễn Quyết chỉ huy chiếm được Trại Bảo an binh thì bất ngờ quân Nhật kéo xe tăng tới bao vây nên có khả năng đổ máu. Bộ chỉ huy bàn bạc rồi cử tôi phóng xe Limousin cắm cờ Việt Minh ra điều đình với chỉ huy Nhật. Quân Nhật chịu rút nhưng yêu cầu “phía nổi loạn” phải gặp chỉ huy tối cao của họ. Đến chiều, Trại Bảo an binh hoàn toàn về ta. Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội thành công rực rỡ mà không hề đổ một giọt máu. Tối 19/8, Thường vụ Xứ ủy cử tôi cùng ông Trần Đình Long đi gặp và thuyết phục Toàn quyền Nhật ở Đông Dương chấp nhận chính quyền nhân dân. Một mình vào hang cọp! Khi bước vào gian khánh tiết thấy lá cờ trắng với mặt trời đỏ to tướng treo trên tường cùng những bộ mặt sát khí, súng gươm lách cách, chúng tôi chột dạ. Vì đã được ông Long dặn trước “Không động chạm đến thất bại của Nhật và 2 quả bom nguyên tử của Mỹ vừa thả”, tôi nói: “Chúng tôi nghe tin Nhật Hoàng đã đồng ý cho các ngài rút quân khỏi Đông Dương...”. Vừa nghe 2 chữ “Nhật Hoàng”, thái độ họ thay đổi. Cuối cùng, chỉ huy Nhật chấp nhận chính quyền mới ở Bắc Bộ phủ. Khi trở về, đã 12 giờ đêm. Đèn trong trụ sở vẫn sáng, Thường vụ quyết định thành lập và ra mắt chính quyền mới vào sớm hôm sau. Cuộc đời mới, vận hội mới và cần có tên mới. Các anh ai cũng đổi tên. Tôi là Đoàn Xuân Tín và thường dùng danh “giáo sư Lê Ngọc” khi đi gặp cụ Phan Kế Toại và Thủ tướng Trần Trọng Kim, nay chọn tên Lê Trọng Nghĩa. Lê Trọng là tên của người thầy giáo đầu tiên của tôi (em ruột bác sĩ Lê Văn Cơ, giám đốc Bệnh viện Quảng Yên, sau này theo Việt Minh), thầy có tư tưởng tiến bộ, dân chủ và yêu nước nên có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của học sinh chúng tôi. Còn Nghĩa với ý là khởi nghĩa. Trần Kiến Quốc (ghi)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1984/2009/08/1716759/