17 tuổi xưng 'thầy' để phán bệnh

Lợi dụng sự cả tin của người bệnh, một thanh niên tầm 17 tuổi được 'bơm' là 'thầy', có khi gọi là 'ông cố' tự khám, phán đủ thứ bệnh...

Lá bùa được 'thầy' đưa cho người bệnh

Từ phản ánh của người dân về việc ở H.Củ Chi (TP.HCM) có một điểm chẩn đoán, chữa bệnh trá hình của một gia đình khiến nhiều người mất tiền oan uổng, PV Thanh Niên vào cuộc tìm hiểu và phát hiện một người rất trẻ được gọi là “thầy” kết hợp cùng “bộ sậu” phối hợp nhịp nhàng để phán, “chữa” bệnh, thu tiền. “Thầy” này tên Nhân (17 tuổi) có dáng cao và mập.

Đảm bảo…tai họa ập đến

Ngày 13.11, địa điểm hoạt động của Nhân nằm phía sau một căn nhà cấp 4 ở ấp 3, xã Hòa Phú, H.Củ Chi. Tại đây, trước sân được bày biện một lư hương lớn, bên trong là “phòng khám” rộng khoảng 10 m2, mái lợp tôn. Lúc tôi đến, có 5 người đang được “chữa” bệnh. Ngồi bên ngoài “phòng khám” có thể nghe rõ tiếng ngáp dài của “thầy” khi đang lên đồng và phán bệnh cho từng người. Chờ một lát, tôi được bà U., giới thiệu là mẹ của “thầy” ra tiếp chuyện.

Phải chi tôi biết sớm thì đâu mất nhiều tiền như vậy. Qua đây tôi mong mọi người sớm tỉnh ngộ, đừng tin vào nơi phán, bói, “chữa” bệnh kiểu như thế này nữa!

ông D., ngụ xã Trung An, H.Củ Chi

“Chú bị bệnh gì? Ai giới thiệu tới đây?”, bà U. thăm dò. Nghe chúng tôi nói được một người dân cùng ấp giới thiệu, thì bà U. tin tưởng và bắt đầu chào mời. “Ở đây bệnh gì cũng chữa được hết. Trường hợp bác sĩ bệnh viện trả về; bị bỏ bùa ngải đều tìm đến đây, hàng ngàn người đã chữa hết bệnh (?)”. Sau đó bà U. hỏi tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp... để chuyển thông tin cho “thầy” phán bệnh.

Khoảng 15 phút sau, nhóm 5 người rời khỏi “phòng khám” và không quên gửi lại một bao thư đựng quà cho “thầy”. Tới lượt tôi bước vào “phòng khám”, lúc này “thầy” chạy ra trò chuyện với bà U. bên ngoài. Ít phút sau, “thầy” bước vào, rèm được kéo lại và không gian trở nên tối mịt.

“Thầy” ngồi đối diện và bấm vào bàn tay của tôi để chẩn bệnh. Bấm bấm, sờ sờ một lát rồi thầy phán: “Xác nam quê ở miền Trung (chắc tại “thầy” nghe tôi nói giọng miền Trung!). Dạo này trong người thấy bứt rứt, khó chịu nên tìm đến ta có phải không? Ta nói cho xác nam nghe, xác nam vừa có vong theo, vừa bị người ta trù ếm, nặng lắm!”. “Thầy” dọa thêm: “Nói chung cái việc trù ếm này sẽ khiến nhà ngươi tán gia bại sản, làm ăn không được. Trong năm nay nhà ngươi chỉ cảm thấy đau nhức trong người, nhưng qua năm tới, ta đảm bảo tai họa sẽ ập đến…”.

“Thầy” Nhân đang phán bệnh

Chữa bách bệnh !

Phán một lúc, “thầy” lấy một quả trứng gà luộc lăn lên trán tôi và phán tiếp: “Phương pháp này chữa được bách bệnh nhưng phải thường xuyên lui tới thăm “ông cố tư” (ý nói “thầy” Nhân; trong phòng khám cũng để bảng ghi tên “ông cố tư” - NV) thì mới khỏi hoàn toàn”.

Ngoài “thầy” và bà U., tại cơ sở “chữa” bệnh này còn có một người phụ nữ khác (khoảng 60 tuổi) và một người đàn ông (55 tuổi) cùng phối hợp “quảng cáo” để thuyết phục mọi người tin vào “thầy”. Qua tìm hiểu, “thầy” và “bộ sậu” đã hoạt động được 3 năm nay. Những người tìm đến chữa bệnh cho biết hằng tháng ở đây còn tổ chức giỗ gọi là “giỗ ông” vào ngày 17 âm lịch. Những lần “giỗ ông” có khoảng vài chục người tìm đến, và ai cũng bỏ tiền vào bao thư để “tỏ lòng thành”. Người đến “chữa” bệnh đều được phát một xấp bao thư để rủ người thân đi theo. “Ai rủ được càng nhiều thì lộc sẽ càng lớn”, bà U. nói. Với chiêu trò này, “tiếng lành đồn xa”, nhiều người từ tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… cũng tìm đến “chữa” bệnh.

Ông N.T.D (45 tuổi, ngụ xã Trung An, H.Củ Chi) là một trong những người mất hàng chục triệu đồng khi đến “chữa” bệnh ở đây. Ông D. cho biết trước đó ông thấy mệt trong người, được bạn bè giới thiệu nên tìm đến “ông cố tư”. Tới “chữa” bệnh thì “ông cố tư” phán thêm chỗ ông D. đang kinh doanh bị trù ếm nên buôn bán luôn ế ẩm. Lo sợ, ông D. phải lui tới để “chữa” bệnh và thăm “ông cố tư”. Ông D. tốn hàng chục triệu đồng nhưng rồi sau đó mới biết mình không hề có bệnh tình gì.

“Tính ra tôi tới đây “chữa” bệnh cũng được nửa năm, mới kết thúc khoảng 10 ngày nay thôi. Tới “ông cố tư” cứ lăn trứng gà chứ đâu có làm gì khác. Thỉnh thoảng lại được người phụ nữ là mẹ của ông xin 500.000 đồng - 1 triệu đồng. Rồi vài ba ngày phải tới đây cúng tiền, mua trái cây… Nếu tính từ đó đến giờ, tôi tốn cũng trên 20 triệu đồng rồi”, ông D. cho biết và khuyến cáo mọi người: “Phải chi tôi biết sớm thì đâu mất nhiều tiền như vậy. Qua đây tôi mong mọi người sớm tỉnh ngộ, đừng tin vào nơi phán, bói, “chữa” bệnh kiểu như thế này nữa!”.

Người thân của “thầy” trò chuyện, tìm hiểu thông tin bệnh nhân

Còn bà N.T.L (64 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cũng là người đến đây để “chữa” bệnh. Bà L. cũng được “thầy” lăn trứng gà luộc và cho một... lá bùa (gồm miếng vải màu vàng và miếng giấy màu trắng) để khỏi bị trù ếm mà bệnh. Vì nghe “thầy” phán ghê quá, và nói chi phí 2 triệu đồng, bà L. không đủ tiền nhưng cũng mượn thêm để đưa cho “thầy”. Bà L. cho biết: “Khi thấy trong người mệt mỏi, nghe lời người quen giới thiệu, tin tưởng nên đến đây chữa bệnh và trót “dính bẫy!”.

Chữa bệnh không phép, đã nhiều lần nhắc nhở

Ngày 16.11, chúng tôi gặp ông Tô Văn Vững, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, H.Củ Chi để hỏi về “phòng khám” này. Ông Vững cho biết: Đây là nơi bói toán, chẩn đoán và chữa bệnh tự phát, không có giấy phép. Chủ hộ bói toán, tiến hành các hoạt động tâm linh tên là Hoàng Nhan Khang, thuộc ấp 3, xã Hòa Phú. Trước đây, chính quyền địa phương đã phát hiện và đến nhắc nhở nhưng gia đình này vẫn tái diễn hoạt động. Lần này, chúng tôi sẽ mời chủ hộ này lên làm việc; lãnh đạo xã sẽ huy động lực lượng chốt chặn, không để tình trạng tập trung đông người gây mất trật tự tại cơ sở này. “Xã sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng này, không để tái diễn nữa”, ông Vững khẳng định.

Trác Huy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/17-tuoi-xung-thay-de-phan-benh-766984.html