17 năm ngồi tù, ông Huỳnh Văn Nén làm sao chứng minh thiệt hại?

“Vụ ông Chấn xong rồi, tương đối ổn nhưng còn vụ ông Nén sao lúc đầu thỏa thuận hơn 10 tỷ đồng, sau lại rút còn 2,6 tỷ đồng”, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga đặt câu hỏi.

Chiều 27/10, phát biểu tại tổ về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, ĐBQH Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng:

“Luật cực kỳ quan trọng nên thảo luận sửa đổi phải cân nhắc kỹ, đảm bảo 2 vế: bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong tham gia các hoạt động hành chính, tố tụng; đảm bảo hoạt động bình thường của các cán bộ, công chức, chức danh tố tụng và cơ quan nhà nước. Nếu thiên về một bên là rất khó.

Năm 2010 có Luật Trách nhiệm bồi thường, đến nay, hơn 5 năm thi hành có 258 vụ việc.

Thực tiễn đặt ra vấn đề gì thì phải căn cứ kỹ, tổng kết thực tiễn, đặt trong bối cảnh tình hình hoạt động của cơ quan nhà nước hiện nay từ đó nêu sửa đổi và sửa đổi cái gì để đảm bảo cân đối hai vế: quyền, lợi ích người dân và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Nhà nước thống nhất, sai phải nhận lỗi, oan sai phải bồi thường. Nên phạm vi bồi thường cần cân nhắc.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga: "Đề nghị Chánh án TANDTC xem xét việc bồi thường cho trường hợp ông Huỳnh Văn Nén". Ảnh: Đỗ Thơm

Vấn đề vướng lớn nhất hiện nay và một số trường hợp trong báo cáo oan sai năm 2015 đánh giá trường hợp bị oan và bồi thường có biểu hiện chậm. Cái này không phải do pháp luật mà do áp dụng pháp luật.

Như vụ ông Chấn xong rồi, tương đối ổn nhưng còn vụ ông Nén tại sao lúc đầu thỏa thuận hơn 10 tỷ đồng, sau tòa lại rút còn 2,6 tỷ đồng. Ở đây liên quan luật này và luật Tố tụng Dân sự.

Nếu như luật hiện hành là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, là thủ tục tố tụng dân sự, tức trách nhiệm chứng minh thuộc về người khởi kiện, như ông Nén đi tù 17 năm thì làm cách nào để đủ giấy tờ chứng minh được. Cực kỳ khó chứng minh thiệt hại.

Trong Bộ luật Tố tụng Dân sự và luật này có nói là chi phí hợp lý. Luật này nói các loại thiệt hại khá đầy đủ so với hiện hành, nhưng cánh tính thế nào. Ông Chấn ở Bắc Giang, số bồi thường như thế với số năm tù oan 10 năm, nhưng với ông Nén thì cách xử lý quan trọng là chi phí thực tế hợp lý phải xác định để công bằng giữa các trường hợp.

Tòa tối cao cần kiểm tra và các trường hợp khác thì sao. Phải có quy định cụ thể về phương pháp xác định chi phí, một loại hóa đơn, một loại đi tù không còn hóa đơn thì phải có cách tính chi phí hợp lý”.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Huỳnh Thanh Cảnh. Ảnh: Đỗ Thơm

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nói về việc bồi thường oan sai cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, ông Huỳnh Thanh Cảnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, cơ quan tòa án đã có những bước tính, thỏa thuận bồi thường lần thứ 3 ở mức cũng khá cao. Và, đúng là đến lần thương lượng thứ 4, mức bồi thường còn 2,6 tỷ đồng.

“Tôi nghĩ, việc tính toán, xác định mức bồi thường cho ông Nén phải căn cứ quy định của pháp luật. Mức bồi thường thương lượng lần thứ 3 so với lần thứ 4 có mức chênh lệch khá lớn như vậy có thể do vận dụng pháp luật không chuẩn, không bảo đảm nên khi rà soát lại mức bồi thường giảm xuống. Những điều này đều phải có căn cứ pháp luật”.

Trước thắc mắc của PV về việc ông Nén đi tù 17 năm thì làm sao có thể còn giữ đủ các hóa đơn, chứng từ để chứng minh mình bị thiệt hại, ông Huỳnh Thanh Cảnh nói: “Cơ quan chức năng phải có sự vận dụng tối đa để bồi thường. Tòa án với trách nhiệm cơ quan làm oan sai phải có trách nhiệm rà soát lại thật kỹ, vận dụng tối đa để bồi thường thỏa đáng nhất, cao nhất cho ông Nén. Nhưng tôi cũng đã nói phải căn cứ quy định của pháp luật. Vận dụng tối đa cũng phải theo quy định của pháp luật”.

Đỗ Thơm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/17-nam-ngoi-tu-ong-huynh-van-nen-lam-sao-chung-minh-thiet-hai-a304304.html