16 bí mật 'không phải dạng vừa' của bom tấn 'Điệp vụ tam giác vàng'

Vũ khí, quân trang trong phim đều là đồ thật, giúp khán giả cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến chống ma túy

Bộ phim hành động mạo hiểm Mekong/Operation Mekong (tên khi phát hành tại Việt Nam: Điệp vụ tam giác vàng) của đạo diễn tên tuổi xứ cảng Lâm Siêu Hiền (Dante Lam) sắp ra mắt khán giả Việt Nam vào cuối tháng 10. Hiện tai, tác phẩm này đang nhận được nhiều chú ý bởi các thông tin hậu trường siêu nóng từ nhà sản xuất.

Trong phim, hình ảnh Bộ trưởng bộ công an Trung Quốc do diễn viên Trần Bảo Quốc thể hiện. Bối cảnh Bộ công an trong phim được ghi hình tại chính cơ quan đầu não của bộ công an Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh.

Đạo diễn Lâm Siêu Hiền được cơ quan an ninh Trung Quốc tạo điều kiện tiếp xúc với hàng loạt tài liệu mật giúp bộ phim chân thực và có độ đáng tin cao. Từ lúc viết xong kịch bản đầu tiên cho tới ngày khởi quay và hoàn thành phim (từ năm 2013 cho đến năm 2016) đạo diễn đã thay đổi hơn 20 lần nội dung.

Trong quá trình tiền trạm thực địa bối cảnh, đạo diễn Lâm Siêu Hiền đích thân trở lại “làng ma túy” ở Thái Lan khảo sát. Đây đồng thời là nơi ở của băng đảng buôn bán ma túy do tên Naw Khar từng bị kết án cầm đầu. Hành động dũng cảm vì tác phẩm của ông thực sự khiến công chúng khâm phục.

Nhiều cảnh bạo lực và rùng rợn như cảnh sát hại thuyền viên, cảnh người bị dí súng bắn... đều được đưa lên màn ảnh một cách chân thực, giúp khán giả cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến chống ma túy xuyên quốc gia năm 2011.

Đây là bộ phim đầu tiên của Trung Quốc đề cập đến vụ phá án của cảnh sát nước này ở ngoài biên giới Trung Quốc, được chính Bộ công an cấp giấy phép tác nghiệp ở nước ngoài. Các diễn viên và nhân viên đoàn phim khi quay ở hiện trường đều được trang bị giáp chống đạn.

Ngoài nội dung kịch tính và chân thực, các diễn viên trong phim cũng trải qua những đợt huấn luyện quân sự chuyên nghiệp, giúp hình ảnh nhân vật trở nên sống động hơn bao giờ hết.

Mỹ nam cơ bắp Bành Vu Yến được đào tạo sử dụng súng thật và học khóa đào tạo đặc biệt với chó nghiệp vụ phát hiện ma túy. Anh cũng được học giao tiếp bằng tiếng Thái Lan và Myanmar.

Đoàn phim mời đội vệ sĩ người Thái phụ trách đào tạo các pha hành động cho dàn diễn viên trong phim, bao gồm sử dụng súng bắn đạn thật, phương pháp cận chiến và nhiều khóa học nghiệp vụ khác.

Trong phim mỹ nam mang hai dòng máu Thái – Trung Quốc là Jonathan Wu thủ vai cảnh sát người Trung Quốc, tuy vậy ngôn ngữ anh sử dụng trong phim là tiếng Thái.

Đạo cụ trong phim đặc biệt là các vũ khí, quân trang của đoàn phim đều là đồ thật, được cảnh sát Trung Quốc và Thái Lan cho mượn. Theo tài tử Trương Hàm Dư tiết lộ, anh được trang bị trên lưng 50kg, quay phim dưới thời tiết nóng 40 độ khiến chiều đến anh uống liên tục 8 cốc nước lớn.

Trong thời gian quay ở Malaysia, đạo diễn Lâm Siêu Hiền bị một con rết dài hơn 15cm đốt vào chân. Tuy nhiên ông chỉ nhờ nhân viên y tế sơ cứu qua loa và nhanh chóng trở lại công việc.

Để hình ảnh trên phim trở nên chân thực cũng như mang lại bối cảnh của vụ án năm xưa, đoàn phim đã đến tận địa điểm xảy ra vụ án cũng như nhiều bối cảnh thực phục vụ ghi hình thay vì dựng trường quay.

Nhiều ngôi làng, bến tàu... ngoài đời thực đều bị đoàn phim phá tan trên màn ảnh.

Thậm chí một cảnh quay rượt đuổi xe hơi trong siêu thị, đoàn phim đã ghi hình chiếc xế hộp đắt tiền phi thẳng trong một khu mua sắm cao cấp ở Malaysia.

Trong phim cũng sử dụng nhiều thiết bị hiện đại và tối tân khác như máy bay không người lái (nhỏ gọn với trọng lượng nhẹ và có thể ngăn chặn được các tín hiệu), robot bánh xích, cáp nổ...

Biển hiệu của các vũ khí và trực thăng trong phim đều được quay từ xa nên rất khó phát hiện là thuộc thương hiệu nào.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/giai-tri/16-bi-mat-khong-phai-dang-vua-cua-bom-tan-diep-vu-tam-giac-vang-713387.html