141 - 'con số' tạo niềm tin

Còn nhớ cách đây hơn 5 năm, vào hồi đầu tháng 8.2011, người đi đường đều thấy lạ lẫm khi bắt gặp những tổ công tác hỗn hợp gồm CSGT, CSCĐ và những cảnh sát mặc thường phục ở các chốt lưu động trên các tuyến phố Hà Nội. Những thanh niên đầu trọc, xăm mình vi phạm giao thông, lạng lách đánh võng đều bị chặn lại để kiểm tra. Có những trường hợp, các chiến sĩ phải huy động cả người dân để cùng trấn áp. Người đi đường không chỉ tò mò, thích thú mà họ còn cảm thấy mình đang được sống và làm việc trong một thủ đô bình yên.

Đồng chí Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an trong một lần kiểm tra công tác ứng trực bảo vệ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ của tổ công tác 141 tại nút giao thông Cửa Nam.

“Cú đấm” trong đêm

Từ giữa năm 2011 đổ về trước, người dân Hà Nội ra đường luôn có tâm trạng nơm nớp lo sợ. Bởi lẽ cứ cách vài ngày lại thấy rùm beng thông tin về những vụ “xử đẹp” trên đường bằng đao, kiếm hay súng hoa cải. Rồi cảnh tượng đua xe lạng lách, cổ vũ đua xe náo loạn đường phố, nạn cướp giật… diễn ra hằng ngày, khiến đời sống đô thị nặng một nỗi bất an. Bên cạnh đó, tội phạm chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ gia tăng, xảy ra một số vụ nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân.

Trước tình hình như vậy, Ban Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã thống nhất chủ trương phải có biện pháp mạnh, đồng bộ và quyết liệt để giải quyết. Trong đó, chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch số 141/KH - CAHN - PV11 ngày 29.11.2011 về “Tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển môtô, xe máy lạng lách, đánh võng, chở người sai quy định… mang theo vũ khí tham gia giao thông”. Bắt đầu từ đó, hình ảnh 141 dần đi sâu vào trong lòng người dân. Rồi họ nhận ra rằng, trong hành trình tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội luôn có một lực lượng bảo vệ họ. Một lực lượng đặc biệt, như những quả đấm thép của công an thủ đô bảo vệ bình yên cho dân.

Kể từ khi ra đời cho đến nay, lực lượng 141 đã tỏ rõ sức mạnh với việc liên tiếp lập hàng loạt các thành tích về bắt giữ tội phạm bắt nguồn từ việc vi phạm giao thông.

Trong 5 năm qua (2011-2016), lực lượng 141 đã phát hiện, bắt giữ 5.094 vụ, 6.655 đối tượng có dấu hiệu tội phạm, bàn giao cho các đơn vị điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Qua đó truy tố 949 vụ, 1.261 bị can; xử lý hành chính 2.475 vụ, 3.301 đối tượng, phạt hành chính 5,5 tỉ đồng. Trong đó phát hiện 3.133 vụ có dấu hiệu tội phạm về hình sự, xâm phạm sở hữu 553 vụ; chống người thi hành công vụ 105 vụ; đua xe trái phép 29 vụ; tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ 956 vụ; tội phạm khác 1.490 vụ. Tang vật thu giữ 21 súng quân dụng (1 súng AK, 11 súng K59, 5 súng K54, 4 súng colt xoay) và hơn 300 viên đạn; 94 súng tự chế và trên 800 viên đạn, 1 quả lựu đạn… Bên cạnh đó, lực lượng 141 còn phát hiện 1.754 vụ có dấu hiệu về ma túy.

Từ thành công ở Hà Nội, hiện nay mô hình 141 đã lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, như ở TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng… Thậm chí, những sắc phục hỗn hợp bên nhau trong các chốt kiểm soát giao thông đã xuất hiện tại các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lào Cai…

Các đối tượng “hổ báo” khi ra đường mang theo ma túy, súng, đều bị lực lượng 141 phát hiện bắt giữ.

Canh cho dân ngủ!

Phải thừa nhận rằng, tôi không phải là người theo chốt 141 thường xuyên, nhưng ít ra cũng được xếp và hàng ghế số 1 về việc “ăn bám” lực lượng này để kiếm tin bài. Theo chân suốt một đêm làm việc cùng lực lượng 141, lúc đó mới có thể nhận thấy một không khí làm việc tập trung, tích cực và cao độ đến mức nào. Những chiến sĩ CSGT, CSCĐ kết hợp với cảnh sát hình sự tạo thành những “gọng kìm” khiến những người vi phạm giao thông và các đối tượng có biểu hiện bất thường khó có thể chạy thoát.

Tôi vẫn còn nhớ, trước mỗi ca trực, tổ nào cũng vậy, thường cùng nhau bàn bạc những phương án tác chiến hiệu quả nhất. Từ kinh nghiệm thực tế chặn “bão đêm”, nhiều sáng kiến như “lùa cá vào rọ” của trung tá Thiều Mạnh Ngọc (trước tổ trưởng Y2/141) và phương án tổ chức đội hình 4-4-2 (4 CSGT, 4 cơ động và 2 hình sự) như chiến thuật trong bóng đá của trung tá CSHS Trần Anh Sơn, được thống nhất triển khai.

Theo chân các trinh sát hình sự, chiều tối 16.11.2016, chúng tôi đến đường Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng) xem anh em Y3/141 làm việc. Lúc này tổ công tác do trung tá Phạm Anh Tuấn chỉ huy đã “dàn trận” xong xuôi. Tại một vỉa hè rộng rãi, tổ công tác tiến hành chăng dây phản quang xác lập khu vực cấm để làm nơi tập kết, kiểm tra đối tượng và phương tiện vi phạm.

Trong 5 năm qua, lực lượng 141 đã thu giữ được 21 súng quân dụng (1 súng AK, 11 súng K59, 5 súng K54, 4 súng colt xoay) và hơn 300 viên đạn; 94 súng tự chế...

Mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất, lực lượng hóa trang báo về chốt có một thanh niên đi xe máy với tốc độ cao vi phạm giao thông. Cả tổ triển khai đội hình bao vây, chặn xe kiểm tra. Vừa thấy bóng CSGT, thanh niên này bất ngờ quay đầu xe bỏ chạy. Cảnh chặn bắt tức thì diễn ra như trong phim hành động. Các trinh sát hóa trang nhanh chóng chặn đầu, khóa đuôi rồi áp sát khống chế. Kiểm tra tại chỗ, cảnh sát phát hiện trong túi người này có nhiều gói nylon chứa chất nghi ma túy và khẩu súng ngắn dạng colt xoay có dấu hiệu bị tẩy xóa ký hiệu và đã lắp sẵn 6 viên đạn. Người này khai tên là Thẩm Mạnh D (SN 1983, ở Long Biên, Hà Nội) có 2 tiền án tổ chức đánh bạc, cướp tài sản và vừa mãn hạn tù chưa lâu.

Có rất nhiều vụ các đối tượng mang hàng “khủng” xuống phố, hay những thủ đoạn tinh vi… nhưng mỗi khi gặp chốt 141 đều bị “bắt mạch” chặn đứng. Điển hình như, trưa ngày 5.9.2014, Nguyễn Tiến Vinh (36 tuổi, ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cùng 2 người khác (lái xe và nhân viên một ngân hàng) ngồi trên xe Lexus mang biển kiểm soát Hải Phòng lên Hà Nội. Đến ngã tư Sài Đồng - Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên), tình nghi chiếc xe trên có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác 141 yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Khi công an đang kiểm tra hành chính, Vinh xách chiếc túi ở ghế phụ vứt xuống gầm xe và định bỏ đi. Nghi trong túi có hàng cấm, lực lượng làm nhiệm vụ đã khống chế người này đồng thời yêu cầu kiểm tra, qua đó phát hiện súng ngắn và 11 viên đạn.

Chia sẻ về những ngày tháng cầm quân, trung tá Phạm Anh Tuấn - tổ trưởng Y3/141 nói được tham gia Tổ công tác 141 phải là những cán bộ chiến sĩ ưu tú của các đơn vị cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự có kinh nghiệm và bản lĩnh đấu tranh với bất cứ loại tội phạm nào. “Chúng tôi làm việc trong mọi điều kiện thời tiết với thời gian bất kỳ trong ngày. Công việc ngoài đường rất vất vả, căng thẳng và mệt mỏi vì “chôn chân” giữa khói bụi cùng tiếng ồn, đồng thời phải thường xuyên va chạm, đuổi bắt, trấn áp đối tượng. Tuy nhiên, chúng tôi luôn ý thức được vinh quang và trách nhiệm khi được ban giám đốc mà trực tiếp là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội hiện nay từng giao nhiệm vụ: Phải như những “mắt thần” trong đêm thức cho dân ngủ bình yên…”, trung tá Tuấn tâm sự.

Đã có khá nhiều trường hợp các đối tượng giấu hàng rất tinh vi, thậm chí vào chỗ kín nhưng không thể qua mắt được lực lượng 141. Nhiều người ví những chiến sĩ, cảnh sát hình sự trong tổ 141 như một người thợ cả.

Những lời cảm ơn đặc biệt

Tên gọi lực lượng “141” được lấy theo số văn bản kế hoạch của Công an TP. Hà Nội. Người có công khai sinh ra mô hình này là Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - cựu Giám đốc Công an TP. Mô hình 141 đã được lãnh đạo Bộ Công an đánh giá là một sáng kiến kịp thời của Công an Hà Nội, đã mang lại hiệu quả cao được người dân ủng hộ và khiến tội phạm khiếp sợ.

Năm 2011, Trung tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam) đã có thư khen gửi tới Công an Hà Nội liên quan đến thành tích đạt được trong việc thành lập tổ công tác đặc biệt 141. “Tổ công tác đặc biệt 141 là một sáng kiến trong việc chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công trấn áp các loại tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố. Thành tích của các lực lượng công an TP đã được các cấp Đảng, chính quyền và nhân dân thủ đô ghi nhận, đánh giá cao, được các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, biểu dương kịp thời. Tôi (đồng chí Trần Đại Quang - PV) mong rằng các đồng chí tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đầu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra…”, thư khen nêu rõ.

Không chỉ riêng lãnh đạo Bộ Công an khen ngợi, lực lượng 141 cũng đã giành được nhiều lời cảm ơn, thư khen của nhân dân. Cụ thể như chị Tạ Thủy Tiên (SN 1980) là Việt kiều Đức đang sống tại TP. Wittlich, Germany. Tết năm 2014, chị Tiên về Việt Nam ăn tết với gia đình. Vào ngày 4.2.2014, chị Tiên cùng em gái chở nhau đi chúc Tết. Trong lúc đi trên đường, khi rút điện thoại ra nghe máy thì bị 2 tên cướp giật bỏ chạy. Vụ việc được báo lên Công an phường Lê Đại Hành. Đến chiều cùng ngày, chị Tiên nhận được tin các chiến sĩ công an tổ công tác Y8/141 bắt được tên cướp điện thoại của chị và mời chị lên nhận lại tài sản.

Cao Nguyên

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/141-con-so-tao-niem-tin-612557.bld