130 nhà dân đang lâm nguy!

Hễ cứ có cơn mưa, người dân lại thêm một lần thót tim (VOV) - Chỉ qua mấy trận mưa đầu tuần, hơn 130 hộ dân ở thôn Mỹ Thượng, xã Hữu Văn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cứ nháo nhào cả lên vì phải đối mặt với nguy cơ mất nhà do hiện tượng sạt lở đất trên sông Bùi gây ra.

Đánh đu với tử thần Mỹ Thượng là một thôn thuần nông, nằm sát ngay chân đê phía hữu của sông Bùi với hơn 190 hộ dân sinh sống. Trận mưa lớn với cường độ 130mm nước (đo được tại đây) hồi đầu tuần đã khiến người dân ở đây hoang mang tột độ. Bởi, sau mỗi trận mưa thì nền sân, nền nhà, bờ tường lại xuất hiện thêm những vết nứt ngày một lớn. Nói chuyện với chúng tôi trên chiếc sân đã bị sạt lở mất 2/3, cụ Nguyễn Văn Tuyến, một hộ dân ở đây chưa hết bàng hoàng kể lại: “Sáng 20/7, khi đang ngủ, cả nhà bỗng giật mình vì một tiếng động lớn kiểu như động đất ngay trước cửa nhà. Khi cả nhà tỉnh giấc thì cũng là lúc toàn bộ chuồng lợn hơn 10 con sắp xuất chuồng và toàn bộ khu vệ sinh nhà tắm, giếng) của gia đình đã bị… kéo xuống sông mất tăm”. Tại hiện trường, cả cụm dân cư có ít nhất 30 hộ dân đã bị sạt lở đến tận… mép nhà, nhà mất chuồng lợn, nhà mất khu vệ sinh, thậm chí có nhà mất hết cả sân. Từ đầu mùa mưa đến nay, cứ hễ có mưa lớn một chút là mấy chục hộ dân sống sát con sông Bùi lại thêm một lần thót tim. Chị Nguyễn Thị Lương, con gái cụ Tuyến kể: “Đã mấy tháng nay, không đêm nào gia đình tôi được ngủ ngon giấc, cứ hễ có mưa hay thấy tiếng động mạnh là cả nhà lại tỉnh giấc để lo chạy đồ đạc và di chuyển trẻ con đi chỗ khác. Nhưng trận mưa đầu tuần là kinh khủng hơn cả, đất đã sạt vào tới tận sân rồi, chẳng mấy nữa là vào đến nhà”. Ngay trước cửa nhà chị Lương cũng như các hộ dân khác ở đây, nhà nào nhà nấy đều đã chuẩn bị sẵn mấy chiếc thuyền gỗ để đề phòng bất trắc và cũng là để đi lại sang các nhà hàng xóm, do đường đi giữa các hộ đã bị biến thành sông. Hiện tại, cả mấy chục hộ dân sống ở đây chỉ có duy nhất một điểm “tập kết” là Nhà văn hóa xã Hữu Văn để di tản mỗi khi nước sông Bùi lên. Song, do số người đến ở quá đông, dẫn đến bất tiện trong sinh hoạt, nên phần lớn các hộ không muốn sống ở đây mà tiếp tục ở lại nhà của mình, bất chấp sự vận động của chính quyền xã. “Nhà tôi còn phải chăn lợn, chăn gà mà sống chứ, ra đó biết nuôi lợn ở đâu, lấy gì mà sống. Thôi cứ liều vậy, qua được mùa lũ năm nay sẽ tính tiếp” - chị Lương nói. Thấp thỏm theo từng con nước Mùa mưa bão 2009 đã đến, nỗi lo của người dân nằm trong khu vực bị sạt lở đất tại xã Hữu Văn không ngừng tăng lên, ngay cả khi trời có mưa nhỏ. Bởi, không ai có thể biết được sau mỗi trận mưa, ngôi nhà nào, căn bếp nào, bức tường nào… sẽ lại tiếp tục bị cuốn xuống lòng sông Hiện tượng sạt lở ở thôn Mỹ Thượng đã diễn ra từ năm 2006, sau khi tỉnh Hà Tây (cũ) cho kè đê tả sông Bùi đoạn ở thôn Đồng Sờ. Phía tả sông Bùi vốn là bên lở nên được ưu tiên kè trước, nhưng sau khi được kè, thì bên lở đó lại được… đẩy ngược sang bên hữu, tức trên địa bàn xã Hữu Văn. “Do đoạn Đồng Sờ đã được kè kiên cố, nên mỗi khi có mưa lớn, nước dồn về đã tràn sang phía bờ bên này, dẫn đến quá trình sạt lở diễn ra nhanh hơn do chưa được kè” - ông Vũ Viết Lập, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Thượng cho biết. Theo ông Lập, trong khoảng 3 năm trở lại đây, trên đoạn sông Bùi dài chừng 1km đã bị sạt lở liên tục, trong đó có khoảng 3 - 4 đợt sạt lở lớn, nặng nhất là đoạn từ cọc C10 đến C14, đã bị sạt lở đến 2/3. Đứng trước mảnh đất đã bị nước sông “gặm” nham nhở, anh Nguyễn Văn Tranh cho biết: “Đất nhà tôi trước rộng lắm, ở mãi tận ngoài giữa lòng sông hiện nay, tính ra nhà tôi đã bị sạt mất hơn 10m chiều dài, cứ đà này sau mùa mưa năm nay, mất nhà là cái chắc”. Chính quyền xã Hữu Văn đã báo cáo tình hình này lên huyện Chương Mỹ và TP. Hà Nội. Sau đó, TP. Hà Nội đã cho tiến hành kè khẩn cấp bằng đá hộc dọc đoạn sạt lở nghiêm trọng tại thôn Mỹ Thượng. Nhưng do được tiến hành đúng vào mùa mưa bão, nên tiến độ kè luôn bị gián đoạn mỗi khi nước sông Bùi lên cao. Trong trận mưa lớn hồi đầu tuần, toàn bộ việc thi công đã phải dừng lại. “Điều mà người dân lo lắng nhất hiện nay là sau khi nước rút, hiện tượng sạt lở sẽ diễn ra rất nhanh do toàn bộ phần chân dưới đáy sông đã bị “ăn” hết, phần phía ngoài bờ sông đang đứng ở dạng thẳng đứng, chênh vênh với nhiều hàm ếch lớn nhỏ” - ông Lập cho biết. Thôn Mỹ Thượng đã kiến nghị cho di dời khẩn cấp 30 hộ dân trong diện nguy hiểm, tiếp đó sẽ di chuyển nốt 100 hộ dân sống sát phía bên trong bờ sông. Ông Phùng Xuân Thư, Chủ tịch UBND xã Hữu Văn cho hay: “Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể động viên bà con cố gắng bàn giao mặt bằng để kè bờ trước vì đây là công việc khẩn cấp, chậm ngày nào là mất đất ngày ấy; Còn việc cấp đất tái định cư thì phải… đợi các thủ tục và kinh phí hỗ trợ di dời. Rất mong bà con… thông cảm!”. Tuy nhiên, trái với quan điểm của các cấp chính quyền, phần lớn các hộ dân ở đây đều cho rằng, nếu bàn giao mặt bằng thì phải có chỗ tái định cư trước đã rồi mới đến ở. Chứ bây giờ lỡ bàn giao rồi thì biết đi đâu mà sống, còn không bàn giao thì mất nhà, mất của./. Lê Văn (báo TNVN)

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/130-nha-dan-dang-lam-nguy/20097/117539.vov