13 sản phẩm An toàn thông tin mạng sẽ phải có cấp phép nhập khẩu

Theo dự thảo Thông tư đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến, dự kiến sẽ có 13 sản phẩm An toàn thông tin mạng thuộc 3 nhóm sản phẩm mà tổ chức, doanh nghiệp khi nhập khẩu phải xin cấp giấy phép.

Theo dự thảo Thông tư của Bộ TT&TT, Danh mục sản phẩm ATTTM phải có giấy phép nhập khẩu chỉ áp dụng với sản phẩm hoàn chỉnh có cả mã số HS và mô tả hàng hóa trùng với mã số HS và mô tả hàng hóa thuộc Danh mục; không áp dụng đối với linh kiện hoặc phụ kiện của các sản phẩm ATTTM (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng (ATTTM) vừa được Bộ TT&TT đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp.

Thời hạn góp ý cho dự thảo Thông tư quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm ATTTM sẽ kéo dài đến ngày 25/12/2016.

Được áp dụng với các tổ chức, doanh nghiệp tham gia nhập khẩu sản phẩm ATTTM, Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ về cấp giấy phép nhập khẩu sản phẩm ATTTM và Danh mục sản phẩm ATTTM nhập khẩu theo giấy phép.

Theo dự thảo, Danh mục sản phẩm ATTTM phải có giấy phép nhập khẩu được quy định kèm theo Thông tư và chỉ áp dụng đối với sản phẩm hoàn chỉnh có cả mã số HS và mô tả hàng hóa trùng với mã số HS và mô tả hàng hóa thuộc danh mục; không áp dụng đối với linh kiện hoặc phụ kiện của các sản phẩm ATTTM.

Cụ thể, 3 nhóm với tổng số 13 sản phẩm nhập khẩu theo giấy phép gồm có: Sản phẩm kiểm tra, đánh giá ATTTM gồm các thiết bị phần cứng, phần mềm có chức năng rà quét, kiểm tra, phân tích cấu hình, hiện trạng, dữ liệu nhật ký của hệ thống thông tin; phát hiện lỗ hổng, điểm yếu, đưa ra đánh giá rủi ro an toàn thông tin (1-Sản phẩm kiểm tra, đánh giá sử dụng cho máy tính cá nhân; 2-Sản phẩm kiểm tra, đánh giá sử dụng cho thiết bị cầm tay; 3-Sản phẩm kiểm tra, đánh giá sử dụng cho phần mềm ứng dụng CNTT, hệ thống thông tin; 4-Sản phẩm kiểm tra, đánh giá sử dụng cho hệ thống mạng hữu tuyến; 5-Sản phẩm kiểm tra, đánh giá sử dụng cho hệ thống mạng vô tuyến).

Sản phẩm giám sát ATTTM gồm các thiết bị phần cứng, phần mềm có chức năng giám sát, phân tích dữ liệu truyền trên hệ thống, thu thập, phân tích dữ liệu nhật ký, phát hiện và đưa ra cảnh báo sự kiện bất thường, có nguy cơ gây mất an toàn thông tin (6-Sản phẩm giám sát hoạt động truy cập dữ liệu trên máy tính cá nhân; 7-Sản phẩm giám sát hoạt động truy cập dữ liệu trên thiết bị cầm tay; 8-Sản phẩm giám sát dữ liệu truyền trên mạng hữu tuyến; 9-Sản phẩm giám sát dữ liệu truyền trên mạng vô tuyến).

Nhóm sản phẩm ATTTM thứ ba nhập khẩu theo giấy phép là sản phẩm chống tấn công, xâm nhập gồm các thiết bị phần cứng, phần mềm có chức năng cơ bản ngăn chặn tấn công, xâm nhập vào hệ thống thông tin (10-Sản phẩm chống tấn công, xây nhập sử dụng cho thiết bị máy tính cá nhân; 11-Sản phẩm chống tấn công, xây nhập sử dụng cho thiết bị cầm tay; 12-Sản phẩm chống tấn công, xâm nhập trên mạng máy tính hữu tuyến; 13-Sản phẩm chống tấn công, xâm nhập trên mạng máy tính vô tuyến).

Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ, giấy phép nhập khẩu được sử dụng để nhập khẩu lô hàng xác định trên giấy phép, có hiệu lực cho đến lúc lô hàng đó được thông quan hoàn toàn, không vượt số lượng ghi trong giấy phép nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy hoặc Hợp đồng thương mại.

Doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm ATTTM có nghĩa vụ nộp lệ phí cấp, thay đổi nội dung, cấp lại hoặc gia hạn giấy phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu sản phẩm ATTTM là Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT. Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép nhập khẩu trực tiếp tới Cục; nộp bằng cách sử dụng dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tuyến. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về việc đã nhận hồ sơ của doanh nghiệp nhập khẩu ngay sau khi nhận được hồ sơ. Với hồ sơ nộp theo hình thức trực tuyến, Cục An toàn thông tin sẽ có hướng dẫn cụ thể sau khi triển khai áp dụng cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Về thời hạn cấp giấy phép nhập khẩu, dự thảo Thông tư nêu, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Cục An toàn thông tin sẽ xem xét và cấp giấy phép nhập khẩu cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp giấy phép nhập khẩu, Cục sẽ thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết và nêu rõ lý do.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể về thủ tục, trình tự thực hiện thay đổi nội dung giấy phép; cấp lại, gia hạn giấy phép nhập khẩu sản phẩm ATTTM.

Thông tư quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm ATTTM là một trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATTTM được Quốc hội khóa XIII biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Điều 47 Luật ATTTM quy định, khi nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng thuộc Danh mục sản phẩm ATTTM nhập khẩu theo giấy phép, doanh nghiệp phải có Giấy phép nhập khẩu sản phẩm ATTTM do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Tổ chức, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm ATTTM phải thực hiện chứng nhận, công bố hợp quy trước khi nhập khẩu theo quy định tại Điều 39 của Luật này. Tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm ATTTM khi đáp ứng đủ các điều kiện: có Giấy phép kinh doanh sản phẩm ATTTM; sản phẩm ATTTM phải thực hiện chứng nhận, công bố hợp quy theo quy định tại Điều 39 của Luật này; đối tượng và mục đích sử dụng sản phẩm ATTTM không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Bộ TT&TT chịu trách nhiệm quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm ATTTM theo giấy phép.

M.T

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/bao-mat/13-san-pham-an-toan-thong-tin-mang-se-phai-co-cap-phep-nhap-khau-145065.ict