13 điểm khác biệt giữa Beauty and the Beast bản hoạt hình và người đóng

Từ câu chuyện quá khứ đáng thương của Belle cho đến chuyến du ngoạn ở Paris, Người đẹp và Quái vật phiên bản người đóng đang tạo được dấu ấn riêng so với phiên bản ra đời năm 1991.

Beauty and the Beast chính thức khởi chiếu từ ngày 17/3/2017 trên các cụm rạp cả nước.

Beauty and the Beast là bộ phim đánh dấu sự trở lại của loạt phim cổ tích do hãng Disney sản xuất. Ngay sau khi được phát hành vào năm 1991, bộ phim đã thu hút sự yêu thích của cả giới đánh giá và khán giả, gây được tiếng vang lớn với công nghệ làm phim hoạt hình thời bấy giờ và không thể không kể đến nàng Belle - nhân vật nữ chính đã thay đổi cái nhìn của mọi người về một nàng công chúa Disney thực thụ. Beauty and the Beast được coi như thành công rực rỡ của hãng Disney, thậm chí bộ phim còn là phim hoạt hình đầu tiên được nhận đề cử Oscar cho Bộ phim của năm (Best Picture).

Tiếp nối loạt phim remake các tác phẩm kinh điển của Disney thời kỳ Phục hưng, Beauty and the Beast phiên bản live-action (người đóng) vẫn giữ được nét tinh tế, mê hoặc của bản gốc nhưng thêm vào đó là chiều sâu trong tâm lý nhân vật. Người xem có lẽ không cần biết điều gì đã xảy ra với mẹ của Belle, hay cảm nhận của Quái thú sau khi anh ta nói Belle nên quay về tìm cha – những chi tiết này không đóng vai trò quan trọng trong kịch bản, nhưng nhờ có nó mà câu chuyện trở nên hoàn chỉnh hơn, mang đến nhiều cảm xúc hơn. Nếu là một fan của Beauty and the Beast, độc giả chắc chắn sẽ nhận ra 13 sự thay đổi lớn nhất của phiên bản 2017 so với tác phẩm ra đời trước đó 26 năm.

Hơn cả một con mọt sách, Belle còn là nhà phát minh

Bill Condon và Emma Watson đã làm việc cùng nhau và đi đến quyết định: Belle sẽ là nhà phát minh của gia đình chứ không phải cha cô, Maurice (Kevin Kline). Sự thay đổi này nhằm xây dựng cho Belle hình ảnh một nàng công chúa độc lập hơn, thông minh hơn. Trong phim, Belle tạo ra một loại máy giặt để cô có thể dành bớt thời gian làm việc nhà và dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách, hay dạy chữ cho các cô gái khác trong ngôi làng nhỏ. Tuy nhiên, những người phụ nữ hay đọc sách như Belle được coi là mối đe dọa ở nơi đây. Dân làng công khai phá hoại các sáng chế của Belle và lấy cô ra làm tấm gương xấu cho mọi cô gái trẻ.

Maurice là một nghệ sĩ

Cha của Belle không còn là “Maurice già điên rồ” mà khán giả quen thuộc nữa, ông là người nghệ sĩ với tâm hồn tự do (chắc hẳn Belle đã học theo cha mình), nhưng đôi khi sự phóng khoáng khiến Maurice gặp rắc rối với người dân ở ngôi làng hẹp hòi. Ông rất yêu thương Belle, nhưng cái chết của người vợ quá cố khiến ông không thể hoàn toàn mở lòng với con gái mình.

Câu chuyện quá khứ của Belle được tiết lộ

Bộ phim năm 1991 chưa từng nhắc tới mẹ của Belle nhưng phiên bản live-action đã khiến mọi thứ trở nên rõ ràng hơn: Mẹ cô chết khi cô còn là một đứa trẻ. Nhờ có quyển sách ma thuật của Nữ Phù Thủy (The Enchantress), Belle biết rằng mẹ mình chết vì bệnh dịch hạch ở Paris. Người cha đáng thương của cô đã phải bỏ rơi vợ mình, rời khỏi Paris trước khi ông và cô con gái nhỏ cũng bị nhiễm bệnh.

Chuyến du ngoạn trở về Paris trong quá khứ

Quyển sách ma thuật chính là thứ Nữ Phù Thủy đã để lại cho Quái thú. Anh ta nói với Belle rằng quyển sách này có thể đưa cô tới bất kỳ nơi nào cô muốn. Cuối cùng, cô chọn quay về Paris của thời thơ ấu – “cái gác mái sụp đổ, bụi bặm” nơi mẹ cô qua đời nhiều năm trước.

Lý do cho sự giận dữ và lối cư xử xấu của Quái thú

Trong bản gốc, Hoàng tử là tên khốn đểu cáng đã đuổi Nữ Phù Thủy đi trong đêm mưa gió bởi anh ta nghĩ rằng bà chỉ là một bà già nghèo khó khốn khổ, không xứng đáng được ở trong tòa lâu đài lộng lẫy của anh ta. Nhưng trong bản 2017, đạo diễn đã cố giải thích lý do tại sao Quái thú luôn giận dữ, cộc cằn và khó chịu với tất cả mọi thứ xung quanh. Khi Hoàng tử còn là một cậu bé, mẹ anh ta chết bởi căn bệnh chưa được đặt tên. Anh được nuôi dạy bởi người cha điên cuồng của mình, khiến anh trở thành một con quái vật ích kỷ.

Chip là đứa con duy nhất

Trong tác phẩm được sản xuất năm 1991, Chip có một tủ đầy các anh chị em, nhưng trong bộ phim của đạo diễn Condon, cậu bé là đứa con duy nhất trong gia đình chén tách. Đương nhiên điều này không hề giảm bớt độ dễ thương của Chip.

Lời bài hát “Gaston” đã được thay đổi

Trong phiên bản 2017, Gaston không còn hát về bắp tay của anh ta, đồng thời cách săn mồi của anh chàng cũng được diễn tả tinh tế, khéo léo hơn trong bài hát.

Bài hát dành riêng cho Quái VậtCuối cùng thì nhân vật Quái thú đã có theme song riêng. “Evermore” là một trong những bài hát hay nhất trong phim, một phần nhờ giọng hát truyền cảm của diễn viên đóng vai Quái thú – Don Stevens. Menken và nhà thơ Tim Rice đã viết cho nhân vật này một bản ballad đầy tình cảm, bài hát mà anh hát sau khi để Belle tự do.Thành viên mới của lâu đài

Stanley Tucci đóng vai Cadenza, nhạc sĩ bị biến thành đàn harpsichord. Ông ta là kẻ lập dị, không thể im lặng và là người đem đến chút sức sống cho lâu đài trước khi Belle đến.

Nữ Phù Thủy giữ vai trò quan trọng hơn

Trong phim hoạt hình, nhân vật Nữ Phù Thủy chỉ xuất hiện ở phần mở đầu của câu chuyện về chàng hoàng tử bị nguyền rủa, trên các ô kính màu. Giờ đây, nhân vật này đã có vai trò quan trọng hơn và bộ phim cũng đã giải thích lý do vì sao bà ta lại ếm lời nguyền. Không chỉ vậy, Nữ Phù Thủy còn xuất hiện trong những khoảnh khắc rất quan trọng.

Quái thú “trịch thượng” nói về Shakespear với Belle

Sợi dây kết nối đầu tiên giữa Belle và Quái thú là khi anh ta “chỉ trích” cô vì sự yêu thích của Belle dành cho tác phẩm Romeo và Juliet. Ngay khi cô vừa nhắc tới Shakespears, Quái Vật không hề bỏ qua cơ hội chọc ghẹo cô. Tất nhiên, nàng Belle không chịu để yên, cô nắm thóp Quái thú bằng cách trêu chọc anh ta khi biết anh đang đọc King Arthur và Round Table, câu chuyện kể về tình yêu lãng mạn giữa Guinevere và Lancelot.

Mỗi một cánh hoa rơi là một phần của lâu đài sụp đổ

Một sáng tạo khá thú vị của Beauty and the Beast phiên bản người đóng: Hoa hồng không chỉ là chiếc đồng hồ đếm ngược những ngày tháng cuối cùng của chàng hoàng tử bị nguyền rủa, mà mỗi một cánh hoa rơi cũng khiến một phần của lâu đài bị phá hủy. Điều này còn khiến cho cảnh chiến đấu của Quái Vật và Gaston trên tòa lâu đài thêm phần kịch tính.

Nhân vật đồng tính đầu tiên xuất hiện trong phim Disney

Chính đạo diễn Bill Condon cũng xác nhận nhân vật LeFou là người đồng tính. Một trong những khoảnh khắc LGBT của bộ phim là khi quý bà tủ quần áo (Madame de Garderobe) buộc ba tay sai của Gaston phải trang điểm, đội tóc giả và mặc các bộ váy đầy màu sắc. Trong khi hai người kia chạy trốn (họ nên thế), thì người thứ ba lại cười với máy ảnh và đi xuống cầu thang. Ở cuối phim, chàng trai đó đã khiêu vũ với LeFou, cùng Belle và Hoàng tử.

Kiều Trinh

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tu-van/13-diem-khac-biet-giua-beauty-and-the-beast-ban-hoat-hinh-va-nguoi-dong-25723.html