12 lần từ Mỹ sang Việt Nam tìm đồng đội của cha

Ngày 17-1, ông Thomas Eugence Wilber, con trai của cố phi công Hải quân Mỹ Walter Eugene Wilber (từng bị bắn rơi và giam giữ gần 5 năm tại nhà tù Hỏa Lò) đã đại diện gia đình đến trao tặng kỷ vật lần thứ 2 cho di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò. Những câu chuyện mà ông Thomas kể lại trong hành trình 12 lần đến đất nước Việt Nam để tìm hiểu những thông tin liên quan đến người cha và đồng đội của ông trên chiếc máy bay bị bắn hạ năm nào đã gây được nhiều xúc động. Những kỷ vật chiến tranh qua 5 thập kỷ kết nối hai bán cầu

Ngày 16-6-1968, chiếc máy bay F- 4 J Phantom II (còn có biệt danh là “Con ma”) cùng 2 phi công Mỹ, do Trung tá Hải quân Walter điều khiển, thực hiện việc ném bom bắn phá miền Bắc, đã bị lưới lửa phòng không của Việt Nam bắn cháy trên bầu trời huyện Đô Lương (Nghệ An).

Walter Eugence Wilber nhảy dù ra khỏi máy bay và rơi xuống cánh đồng xã Thanh Tiên (Thanh Chương - Nghệ An). Còn người đồng đội của ông ngồi cùng trên chiếc máy bay thì gia đình và quân đội Mỹ vẫn không hề hay biết thông tin gì.

“Nhưng các bạn cũng thắc mắc rằng, tại sao tôi đến Việt Nam. Câu trả lời là chúng ta đều không biết chuyện gì đã xảy ra với người đồng đội của bố tôi trên chiếc máy bay, Bernie Rupinski. Tôi biết Bernie, vợ ông, con gái ông (cô ấy chỉ mới 1 tuổi khi máy bay bị bắn hạ), tôi biết chị của Bernie. Họ không bao giờ biết câu trả lời chính xác, cũng như không một vật dụng cá nhân nào của ông được tìm thấy, mặc dù năm 1999 dựa trên những bằng chứng có được, họ cho rằng ông đã hi sinh” – ông Thomas đặt vấn đề.

Ông Thomas nhận bó hoa chúc mừng của con trai ông Bùi Bác Văn, người đã bắt sống cha ông khi máy bay bị bắn hạ năm 1968 tại Nghệ An.

Ông Thomas kể: “Khi tôi còn phục vụ trong Hải quân, năm 2003, tôi có tham gia điều tra những thông tin về vụ rơi máy bay của ông. Những trải nghiệm đó đã làm tôi tò mò muốn tìm thêm thông tin nào đó về Bernie. Cuối cùng, tháng 11 năm 2014, tôi thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam và cho đến nay đã là lần thứ 12”.

“Tôi đi một mình, sau khi đến khách sạn tôi đến Hỏa Lò đầu tiên. Không cần phải nói tôi đã xúc động thế nào khi nhìn thấy bức ảnh bố tôi đang mở gói bưu phẩm mà chính tay tôi gói và gửi sang cho bố. Tôi đã không hề biết gì về bức ảnh đó cho đến khi tôi tới đây. Các bạn có thể tìm được bức ảnh trong phòng trưng bày, và tay tôi đã gói kẹo cao su, bộ quần áo đông xuân (chúng tôi được biết mùa đông Hà Nội cũng lạnh), cùng với vài bức ảnh gia đình. Được tiếp động lực từ chuyến thăm Hỏa Lò, tôi quyết định tới Vinh, Nghệ An” – ông Thomas chia sẻ.

Ông Thomas cho biết: “Từ những thông tin của ông Văn, vụ việc lại mở ra với của quan MIA (cơ quan tìm kiếm người nước ngoài mất tích trong chiến tranh Việt Nam, Bộ Quốc phòng - PV) cơ quan mà đại tá Đào Xuân Kính đã từng chỉ huy và hiện nay là đại tá Đào Hữu Lương. Kể từ tháng 1-2015, tôi đã xây dựng mối quan hệ khăng khít với gia đình ông Văn, và cả hai người con của ông là Nguyên và Thắng. Thắng đã đến thăm tôi tại Mỹ năm ngoái, thăm mẹ tôi và cũng có mặt tại đây hôm nay”.

Đại tá Trần Trọng Duyệt - Nguyên Trại trưởng Trại giam tù binh phi công Mỹ tại Hỏa Lò, Hà Nội (giai đoạn 1968 - 1973) tặng bức ảnh của cựu phi công Walter cho con trai Thomas.

Ông Thomas chia sẻ, trong một chuyến đi của ông, ông Văn đã đưa lại cho ông một mảnh xác máy bay của bố ông mà ông Văn đã chế tác thành một chiếc bình để đựng hoa. Cũng trong thời gian đó, bố của ông bị chuẩn đoán bị ung thư và không thể kéo dài cuộc sống nhiều hơn vài tuần. Nhưng bố tôi vui khi nhìn thấy kết quả chuyến đi của tôi, và đã nói chuyện qua mạng với nhau chỉ 3 ngày trước khi bố tôi qua đời. Sau này chiếc bình hoa được đặt trước mộ của bố ông và mang về để trưng bày trong căn nhà của gia đình ông.

“Một mặt khác tôi cũng được gặp đại tá Nguyễn Sửu vào tháng 11-2015. Ông Sửu đã giúp tôi tiếp xúc với nhiều người, trong đó có trung tướng Phạm Phú Thái, người đã lý giải phi công Đinh Tôn đã bắn rơi máy bay của bố tôi như thế nào. Hơn thế, họ còn giới thiệu tôi với bà Diên Hồng, vợ của Đinh Tôn. Bà đã mời tôi đến nhà bà đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, và cũng đã có những món quà cho mẹ tôi. Bà cũng kể cho tôi rằng các sĩ quan đã chỉ huy Đinh Tôn rằng ông sẽ được về nhà cưới vợ nếu ông bắn rơi máy bay Mỹ. Ông đã bắn máy bay của bố tôi vào tháng 6, và họ cưới nhau vào 27-7. Đáng buồn, đại tá Đinh Tôn đã qua đời vì ung thư năm 1980, nhưng tôi đã có vinh dự được gặp gỡ gia đình ông, chính nhờ ông Sửu và Phạm Phú Thái” – ông Thomas chia sẻ.

Trong suốt hành trình tìm kiếm người đồng đội của cha mình, ông Thomas đã lần tìm theo nhiều manh mối. “Tại Nghệ An, tôi đã chuẩn bị sẵn 1 tờ giấy với các câu hỏi viết bằng tiếng Việt, và trong quá trình tìm kiếm, một nhóm những người tình nguyện đã giúp tôi bằng tất cả khả năng của họ” – ông Thomas kể lại.

Ông Thomas trao tặng kỷ vật chiếc mũ phi công của cha cho bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc BQL DTLS nhà tù Hỏa Lò.

Và điều kỳ diệu đã đến: “Cuối cùng sau 2 chuyến đi, tôi đã đến được nhà của ông Bùi Bác Văn tại Vinh. Năm 1968, ông Văn 15 tuổi sống tại xã Thanh Tiên. Ông là người đầu tiên phát hiện ra nơi máy bay của bố tôi bị bắn rơi, và bắt bố tôi. Điều mà ông nhận thấy là còn một thi thể trên ghế sau may bay, ông đã an tang thi thể gần chỗ máy bay rơi” – ông Thomas chia sẻ.

Do thời gian và bom đạn chiến tranh, hài cốt của người phi công Mỹ năm nào hiện vẫn chưa được tìm thấy trên cánh đồng xã Thanh Tiên. Nhưng công sức của ông Thomas lặn lội sang Việt Nam hàng chục lần để lần tìm thông tin về người đồng đội của cha anh là việc làm gây được nhiều xúc động cho cha anh khi còn sống và đối với thân nhân gia đình người phi công quá cố. Đó là câu chuyện nhân đạo, bên cạnh sự khốc liệt của chiến tranh và bom đạn hãi hùng.

Cảnh Thảo

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/12-lan-tu-my-sang-viet-nam-tim-dong-doi-cua-cha-425822/