12.000 dân 'đội đơn' phản đối dự án nhà máy nước sạch phục vụ KCN Phú Nghĩa

Nhiều năm qua, 12.000 dân xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) luôn trong trạng thái… mất ngủ do lo sợ nguồn nước ngầm cạn kiệt vì dự án nhà máy khai thác nước phục vụ KCN Phú Nghĩa. Mọi diễn biến liên quan đến dự án đều được người dân theo 'soi' rất kỹ.

Anh Nguyễn Mạnh Hiển dẫn PV xe giếng khoan của Tập đoàn Phú Mỹ

Ròng rã suốt mấy năm qua, anh Nguyễn Kim Hiển (55 tuổi) ở làng Phượng Nghĩa và một số người dân được làng giao nhiệm vụ "đội đơn" đến các cơ quan chức năng đề nghị dừng dự án khoan nước ngầm ở xã Phụng Châu dẫn về KCN Phú Nghĩa.

Vốn là cán bộ Cty Thép Hà Nội đang hưởng mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, năm 2012 khi hay tin có dự án ở xã, anh Hiển bỏ hẳn việc để về quê "lo việc nước cho làng", mấy sào ruộng khoán, anh giao hết cho vợ.

Theo anh Hiển, KCN Phú Nghĩa cách xã Phụng Châu 7km không liên quan gì đến nhau. Giấy phép cũng ghi khu vực thăm dò thuộc phạm vi đất được giao của KCN, thì không có chuyện KCN lại thuộc địa phận xã Phụng Châu.

Khi triển khai dự án, xã không họp bàn với dân, chỉ khi sự việc vỡ lở, đường ống được lắp đặt, xã mới tuyên truyền, vận động nhưng người dân không đồng tình cho Tập đoàn Phú Mỹ khai thác nguồn nước ngầm của xã.

Về nguyên nhân, anh Hiển cho biết, năm 2012 khi chủ đầu tư mới thau rửa giếng, đường ống thì một loạt giếng nước của dân đã bị mất nước. Xã có 12.000 dân (sử dụng khoảng 4.000m3/ngày đêm), thêm 3.000 khẩu thuộc Trường ĐH Sư phạm Thể dục- Thể thao nên nhu cầu nước sạch là rất lớn. "Tập đoàn Phú Mỹ khai thác nước ngầm ở xã không phải phục vụ người dân địa phương mà cho KCN Phú Nghĩa, dẫn đến thiếu nước, sụt lún ai chịu trách nhiệm. Thực tế, khi giếng nước ở khuôn viên UBND xã mới bơm để thau rửa thì khoảng 200 hộ dân đã bị mất nước, trong đó có nhà tôi.

Việc này chưa từng xảy ra, lúc đó tôi nghĩ máy bơm bị hỏng nên mang đi sửa thì được công nhân cho biết, do chúng cháu đang thực hiện thau rửa giếng nên có thể dẫn đến mất nước khiến người dân rất bất bình, phản đối?", anh Hiển nói.

Ông Nguyễn Kim Trọng, Hội Cựu chiến binh xã cũng là người rất tích cực giúp làng trong việc kiến nghị các cấp dừng dự án. Theo ông Trọng, người dân Phụng Châu không đồng tình với việc khai thác nước ngầm vì theo Quyết định số 161 ngày 9/1/2012 của UBND TP Hà Nội được khuyến cáo: Khu vực hạn chế khai thác nước ngầm, trong đó có huyện Chương Mỹ chỉ nên xây dựng các trạm cấp nước nông thôn với công suất < 5.000 m3/ngày.

Sau một thời gian tạm lắng, mới đây khi hay tin UBND huyện Chương Mỹ thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án trên thì 12.000 người dân xã này lại… mất ngủ. Đỉnh điểm là ngày 15/8/2016, khoảng 4.000 người dân trong xã đã kéo đến trụ sở UBND xã để phản đối dự án.

Làng Phượng Nghĩa luôn có người trực ở nhà văn hóa để theo dõi dự án

Xét thấy sự việc phức tạp, UBND xã Phụng Châu đã phải mời bà con vào hội trường UBND xã để ổn định an ninh trật tự. Sau đó, các lãnh đạo xã đã tiến hành đối chất và ghi nhận ý kiến người dân, đồng loạt phản đối khoan 6 giếng để khai thác nước ngầm.

Họ cũng bày tỏ nguyện vọng hủy bỏ dự án này vì Phụng Châu thuộc khu vực có mực nước ngầm trung bình và được cảnh báo chỉ được khai thác với quy mô hạn chế phục vụ dân sinh. Họ còn lo sợ, việc 6 giếng nước khoan hoạt động với công suất 6.000m3/ngày đêm sẽ “động” đến long mạch của vùng đất thiêng Phụng Châu.

Khi chúng tôi về xã tìm hiểu sự việc thì số người đến UBND xã đã vãn hồi, tuy nhiên, hay tin có phóng viên, họ lại “hò” nhau đến nhà văn hóa làng Phượng Nghĩa để phản đối dự án. Gần như ở cái nhà văn hóa khang trang của làng có 4.300 khẩu này, lúc nào cũng có người “túc trực” để theo dõi mọi diễn biến của dự án.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, một người dân kiến nghị: "KCN Phú Nghĩa nằm cách xã Phụng Châu 7km, sao không lấy nước tại chỗ mà lại bơm hút nước ở xã của chúng tôi. Rõ khổ, việc này khiến cả xã luôn trong trạng thái… mất ngủ".

Bà Nguyễn Thị Tý ở làng Phượng Nghĩa nói, khi Tập đoàn Phú Mỹ thau rửa, vận hành thử nghiệm các giếng hút đã làm gần 200 giếng khoan của dân bị cạn, không thể bơm được nước. Hiện nay, tất cả nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, tưới tiêu ở xã đều dựa vào giếng khoan, nếu bơm hút hết nước, lấy gì mà dùng.

Sao tập đoàn này không đề nghị thành phố đầu tư nhà máy dẫn nước từ sông Đà, sông Tích về KCN mà lại đi “bòn rút” nước ở xã để phục vụ KCN. Chúng tôi còn phải giữ nguồn nước ngầm cho con cháu và các thế hệ mai sau.

Vì sự phản đối quyết liệt này diễn ra âm ỉ từ năm 2008 đến nay nên cứ thấy có động thái nào của các cấp chính quyền hay chủ đầu tư liên quan đến dự án là người dân lại kéo đến UBND xã gây ồn ào, phản đối dự án. Người dân cũng gửi đơn khắp nơi, đủ các cấp.

“Chúng tôi rất tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân ủng hộ dự án theo chỉ đạo của cấp trên. Tuy nhiên, việc tạm dừng hay hủy bỏ dự án vượt quá thẩm quyền của xã”, 1 cán bộ xã bộc bạch.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/12000-dan-doi-don-phan-doi-du-an-nha-may-nuoc-sach-phuc-vu-kcn-phu-nghia-post173263.html