115 tuổi và… kết thúc?

GD&TĐ - Bạn mơ ước về một cuộc sống trường thọ? Các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Y khoa Albert Einstein (New York, Mỹ) có thể sẽ làm bạn thất vọng.

Trên tạp chí Nature (Anh), họ viết rằng trong nửa cuối thập niên 90 thế kỷ XX, nhân loại đã đạt đến mức tuổi thọ tối đa và các tiến bộ y khoa dường như không thể thay đổi được điều đó.

Tuy nhiên, thông tin này không đến mức quá xấu như thoạt nghe. Giới hạn tuổi thọ trung bình của con người được các nhà khoa học ước tính là 115 năm; còn giới hạn tối đa là 125 năm.

Từ thế kỷ XIX, tuổi thọ trung bình tại các nước phát triển luôn gia tăng. Nếu một đứa trẻ sinh năm 1900 tại Mỹ có khả năng sống trung bình khoảng 47 năm, thì trẻ chào đời hiện nay có tuổi thọ trung bình gần 79 năm.

Từ những năm 70 thế kỷ trước, người ta đã quan sát thấy sự dịch chuyển giới hạn tuổi thọ mà những người cao tuổi nhất đạt tới. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở New York khẳng định, xu hướng này đã kết thúc vào những năm 90, còn giới hạn tuổi thọ đã ổn định ở mức cố định.

“Các nhà nhân khẩu học và các nhà sinh vật học cho rằng không có bất kỳ lý do gì để quá trình dịch chuyển giới hạn tuổi thọ dừng lại trong tương lai – Giáo sư di truyền học Jan Vijg, đồng tác giả công trình nghiên cứu, cho biết – Tuy nhiên, dữ liệu của chúng tôi cho thấy giới hạn đã đạt tới giá trị cao nhất vào nửa cuối thập niên 90 rồi”.
Cùng các đồng nghiệp, Giáo sư Vijg đã phân tích các dữ liệu từ Kho Cơ sở dữ liệu Human Mortality với dữ liệu liên quan đến cái chết tại 38 quốc gia. Họ khẳng định, tỷ lệ phần trăm số người sống tới 70 tuổi gia tăng theo từng năm sinh. Điều đó có nghĩa là tuổi thọ trung bình đúng là đang gia tăng.

Tuy nhiên, nếu nghiên cứu các trường hợp sống đến 100 tuổi hoặc hơn 100 tuổi, các nhà nghiên cứu nhận thấy hiện tượng tương tự dần mất đi. “Điều đó cho thấy giới hạn tuổi thọ là có thật” – Giáo sư Vijg cho biết.

Để ước lượng, các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu từ Kho Dữ liệu về tuổi thọ quốc tế và chọn ra dữ liệu về những người đạt tới tuổi thọ 110 tuổi, tại 4 quốc gia Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Anh trong giai đoạn 1968 – 2006.

Bốn quốc gia này được chọn bởi vì số lượng những người sống đến 110 tuổi tại những nơi đó là lớn nhất. Tuổi thọ của những người cao tuổi đó liên tục gia tăng từ những năm 70 đến đầu những năm 90, để đến giữa thập niên 90 đạt tới trạng thái ổn định và cho thấy xu hướng tiến gần tới giới hạn tuổi thọ.

Vào năm 1997, cụ bà Jeanne Calment qua đời, hưởng thọ 122 tuổi. Cho đến nay, cụ vẫn được xem là người sống lâu nhất trên thế giới (theo các nguồn hồ sơ chính thống).

Trên cơ sở những dữ liệu đó, các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Y khoa Albert Einstein đã ước lượng tuổi thọ trung bình cao nhất là 115 năm, còn giới hạn tối đa là 125 năm. Điều đó có nghĩa là, theo các nhà nghiên cứu, trong một năm bất kỳ, xác suất để một người đó trên thế giới sống thọ đến 125 tuổi là 1 : 10000.

“Những tiến bộ trong phòng chống bệnh truyền nhiễm và ác tính vẫn tiếp tục giúp kéo dài tuổi thọ trung bình, nhưng không nâng giới hạn tuổi thọ tối đa. Điều quan trọng là làm sao kéo dài được thời gian chúng ta sống khỏe mạnh” - Giáo sư Vijg khẳng định.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/115-tuoi-va-ket-thuc-2408061-b.html