11 nước tìm cách 'giải cứu' TPP sau khi Mỹ tuyên bố rút lui

PhapluatNet - Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để hoàn thành một khung thỏa thuận mới trong thời gian đến tháng 11/2017.

Không có bất kỳ bước đột phát lớn nào diễn ra trong cuộc đàm phán tuần trước, giữa các quốc gia tham gia TPP, nhưng đã cho thấy cam kết của 11 nước trong việc hoàn tất thỏa thuận thương mại này

Kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này, TPP đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc hoàn tất một khung thỏa thuận mới trong thời gian đến tháng 11/2017 như thời hạn đã đề ra. Các chuyên gia nói rằng, dưới sự dẫn đầu của Nhật, TPP-11 có vẻ gặp nhiều thách thức.

Ông Steven Okun, Phó Chủ tịch Hội đồng Mỹ Phòng Thương mại Châu Á Thái Bình Dương cho biết, các quốc gia TPP-11 thừa nhận rằng trong thế kỷ 21, Hiệp định thương mại khu vực đa quốc gia ở châu Á Thái Bình Dương là rất cần thiết, cho dù Mỹ có tham gia hay không tham gia.

Ông Okun cũng giải thích thêm rằng “tô mỳ spaghetti những thỏa thuận thương mại đa phương” trong khắp khu vực đã không giải quyết được những vấn đề mà các công ty đa quốc gia phải đối mặt, chẳng hạn vấn đề tuân thủ các quy chế tài phán đa phương về chuỗi cung ứng hay quyền bảo hộ trí tuệ ngoài biên giới.

Thỏa thuận TPP chính là điều kỳ vọng để giải quyết những vẫn đề này, bên cạnh việc mang đến lợi ích miễn thuế cho gần như tất cả các loại hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư, đồng thời đảm

“Tất cả những lợi ích này TPP đều mang lại, cho dù thỏa thuận có Mỹ hay không, bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi các thành viên còn lại vẫn tiếp tục cho dù thỏa thuận không còn có sự tham gia của Mỹ”, ông Okun nói.

Bên lề cuộc gặp vào tuần trước của các trưởng đoàn đàm phán TPP, ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng đoàn Nhật, nói rằng các nước còn lại trong TPP đã quyết định theo đuổi một khung thỏa thuận mới tính đến sự vắng mặt của Mỹ. Các nước sẽ phải đàm phán thêm để xác định xem có cần phải điều chỉnh các nguyên tắc về thương mại và đầu tư đã nêu trong thỏa thuận ban đầu hay không.

Theo thông tin từ giới truyền thông Nhật, 11 trưởng đoàn đàm phán hiện đang dự kiến sẽ gặp lại nhau vào tháng 8, tháng 9 năm nay.

Một chuyên gia kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IHS Markit, ông Rajiv Biswas nhận xét, hiện đang có một luồng phản đối đáng kể trên thế giới đối với toàn cầu hóa và tự do thương mại, thể hiện rõ qua việc Mỹ quyết định rút khỏi TPP. Bởi vậy các chính phủ ở châu Á-Thái Bình Dương đang đặt ưu tiên cao cho việc đạt bước tiến trong tự do hóa thương mại thông qua một số sáng kiến, bao gồm TPP-11 và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trong cuộc gặp tuần trước, 11 nước cũng quyết định hạ thấp tiêu chuẩn ngặt nghèo để thỏa thuận được thực thi - theo ông Miha Hribernik, nhà phân tích cấp cao về châu Á thuộc Verisk Maplecroft. Chuyên gia này giải thích rằng, “theo quy định ban đầu, thỏa thuận phải được phê chuẩn bởi 6 quốc gia, chiếm ít nhất 85% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của 12 nước thành viên ban đầu - một nhiệm vụ không thể đạt được nếu không có sự tham gia của Mỹ”.

Mặc dù vậy, những khác biệt còn tồn tại giữa 11 nước thành viên, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia muốn đàm phán lại các điều khoản ban đầu, đang là những trở ngại chính đối với một TPP mới.

Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Trần Tuấn Anh của Việt Nam đã tổ chức một hội nghị TPP bên lề một cuộc họp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 5 năm 2017. Ảnh: CNBC

Về vấn đề này, ông Biswas cho rằng 11 nước sẽ đạt được bước tiến, và trong quá trình thúc đẩy một thỏa thuận mới, TPP-11 có thể sẽ hy vọng các quốc gia khác ở châu Á-Thái Bình Dương tham gia.

Và cho dù các thành viên còn lại không được hưởng sự tiếp cận rộng mở hơn đối với thị trường Mỹ do sự rút lui của Mỹ “một thỏa thuận TPP-11 vẫn sẽ mang lại sự tiếp cận thị trường lớn hơn cho những nền kinh tế như Australia và Nhật Bản, và mang lại cho mỗi nước trong TPP-11 một cam kết tự do hóa thị trường, và điều này sẽ là lợi ích dài hạn của mỗi thành viên”, ông Okun nhận định.

Diệu An (Tổng hợp)

Phap luat net
báo phapluatnet
PhapluatNet
hiệp định đối tác xuyên thái bình dương

Ý kiến các bạn đọc

Gửi

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/thi-truong/11-nuoc-tim-duong-giai-cuu-tpp