100 ngày sau Brexit: Nước Anh vẫn chia rẽ

Hiện ở nước Anh đang hình thành 2 hướng đi khác nhau: nhóm muốn “Brexit mềm”, tức vẫn ở trong thị trường chung với châu Âu và mở cửa cho lao động từ EU sang Anh; nhóm còn lại là “Brexit cứng”, tức chia tay nhanh chóng, dứt khoát. Liệu nước Anh sẽ chọn “Brexit cứng” hay “Brexit mềm” sau 100 ngày bỏ phiếu chọn Brexit?

Đàm phán có thể tốn hơn 77 triệu USD

Nhiệm vụ đầy chông gai sắp tới của Thủ tướng Theresa May là phải tập hợp được các nhóm chính trị gia đang bị chia rẽ ngay trong chính quyền về cách thức Brexit và định hướng cho nước Anh trong tương lai. Trong báo cáo chi tiết đầu tiên về vấn đề chính phủ tái cơ cấu để đương đầu với các cuộc đàm phán liên quan đến Brexit, Viện Chính phủ (IG) - một viện độc lập chuyên nghiên cứu cách thức làm tăng tính hiệu quả hoạt động của Chính phủ Anh - cho biết, “cuộc chiến” giữa các bộ trưởng nước này nhằm kiểm soát các cuộc đàm phán về Brexit có thể tốn nhiều thời gian và tiền thuế của dân, ước tính lên tới 65 triệu bảng (khoảng 77,4 triệu USD).

IG dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng, bà May sẽ giữ lập trường kiểm soát biên giới và điều này đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ gặp phải hạn chế trong việc tiếp cận thị trường chung châu Âu.

Thống kê mới nhất cho thấy, nền kinh tế Anh đã không bị trật bánh sau ngày 23-6 (ngày bỏ phiếu chọn Brexit) nhờ sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh sẵn có, sự hòa hợp chính trị mau lẹ và phản ứng hợp lý của Ngân hàng Trung ương Anh. Những diễn biến chính trị cũng có phần đóng góp cho kết quả này. Thay vì rơi vào những tháng ngày cãi vã xung đột, đảng Bảo thủ cầm quyền đã nhanh chóng để ông David Cameron ra đi và bổ nhiệm bà Theresa May thay thế trong vòng có vài ngày.

Tuy nhiên, hiện có vài dấu hiệu cho thấy nước Anh sẽ chật vật hơn trong thời gian tới. Khoảng 3/4 giám đốc điều hành các công ty và tập đoàn lớn tại Anh đang có kế hoạch chuyển trụ sở ra nước ngoài nếu Anh kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, bắt đầu quá trình kéo dài 2 năm cho việc nước Anh rời khỏi EU. Kết quả cuộc thăm dò cho thấy, giới doanh nghiệp ở Anh tin rằng, Thủ tướng Theresa May sẽ phải nỗ lực nhiều để giữ chân các doanh nghiệp và duy trì việc làm cho người dân trong quá trình tìm kiếm một thỏa thuận với EU.

Cứng rắn với nhập cư

Nhập cư là một trong những yếu tố tác động đến kết quả bỏ phiếu Brexit, vì thế, đây cũng là chủ đề trọng tâm trong kế hoạch rời khỏi EU vào năm sau của Chính phủ Anh. Theo New York Times, bà May phải đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn nhằm bảo vệ việc làm cho người dân trong nước. Theo Bộ trưởng Tài chính Anh Philipp Hamond, Brexit không đồng nghĩa với việc nước Anh hoàn toàn đóng cửa với người lao động có tay nghề cao đến từ các thành viên EU.

Dầu vậy, Brexit cũng đã gây tác động không nhỏ đối với các thành viên EU. Nối gót nước Anh sau Brexit, một số quốc gia khác trong EU như Hungary, Áo và Cộng hòa Czech đã có những biện pháp cứng rắn hơn đối với người nhập cư. Mới nhất là cuộc trưng cầu ý dân về kế hoạch tiếp nhận người nhập cư theo hạn ngạch bắt buộc của EU tại Hungary.

Theo Ủy ban bầu cử Hungary, mặc dù có tới 98,2% cử tri phản đối kế hoạch tiếp nhận người di cư theo phân bổ của EU, song chỉ có 3,8 triệu trong số 8 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu, chưa đủ tỷ lệ tối thiểu 50% (khoảng 4 triệu cử tri đi bỏ phiếu) nên cuộc bỏ phiếu không có giá trị pháp lý.

Kết quả bỏ phiếu tại Hungary làm giới lãnh đạo EU thở phào vì nếu chính phủ của ông Orban giành thắng lợi lớn, khả năng Hungary yêu cầu điều chỉnh Hiệp ước Lisbon có thể sẽ xảy ra, và khi đó sự rạn nứt trong EU sẽ càng khó hàn gắn sau sự ra đi của Anh. Cùng với Hungary, Áo tuyên bố EU nên ngừng việc áp đặt kế hoạch tiếp nhận người di cư theo hạn ngạch đối với các nước thành viên.

THANH HẰNG

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161004/100-ngay-sau-brexit-nuoc-anh-van-chia-re.aspx