100 ngày đầu tiên của 'Tổng thống Hillary Clinton' sẽ thế nào?

Japan Times ngày 30.10 đặt câu hỏi, chương trình nghị sự trong 100 ngày đầu tiên của "Tổng thống Hillary Clinton" sẽ gồm những gì, nếu ứng viên đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 8.11 tới đây. 100 ngày đầu tiên của bất kỳ nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ nào cũng là tối quan trọng.

Ngày 22.10 bà Hillary từng cho biết : "Tôi sẽ bắt đầu để có thể được làm việc ngay lập tức, tôi sẽ cùng với mọi người thực hiện những gì đã đã cam kết”. Theo AFP, bà Clinton cho biết sẽ đưa ra hai dự án luật trong 100 ngày đầu tiên của bà tại Nhà Trắng : một về cải cách nhập cư và một kế hoạch quan trọng về đầu tư cơ sở hạ tầng.

Chưa chiến thắng nhưng bà Hillary Clinton đã phải đối diện với quá nhiều vấn đề nan giải phía sau chiến thắng. Ảnh : Reuters

Tuy nhiên, nếu phe Cộng hòa vẫn kiểm soát lưỡng viện Quốc hội thì vấn để thông qua các dự án luật theo đề xuất của bà Hillary sẽ không dễ dàng chút nào. Những khó khăn của Tổng thống Obama là lời cảnh báo cho bà Hillary về điều ấy. Luật cải cách nhập cư đã được Thượng viện thông qua năm 2013, nhưng vẫn nằm chết vì áp lực từ cánh siêu bảo thủ của đảng Cộng hòa.

Điều gì sẽ giúp bà Hillary có thể có được 100 ngày đầu tiên ít sóng gió nhất?

Bà Hillary phải có chiến thắng cách biệt đối với ông Trump

Bà Hillary bỗng dưng gặp “ách giữa đàng” khi FBI lại lôi vụ rò rỉ email ra ngay trước ngày bầu cử, khiến cho đối thủ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với bà Hillary xuống chỉ còn 2 điểm cách biệt. Trước sự bất lợi đó, bà Hillary không thể không bị phân tâm, từ đó khiến cho những bước cuối cùng trên đường đua của bà có thể bị chao đảo.

Điều đó khiến cho chiến thắng của bà chưa thể được đảm bảo, chứ nói gì đến chiến thắng cách biệt. Tuy nhiên, nếu bà Hillary không có được chiến thắng cách biệt thì 100 ngày đầu tiên của bà sẽ chồng chất khó khăn, nếu bà may mắn được đa số cử tri Mỹ tạo điều kiện để bước vào Nhà Trắng lần thứ hai, nhưng là lần đầu trên cương vị người đứng đầu nhà nước Mỹ.

Bởi lẽ với tuyên bố của Trump cho thấy vị tỷ phú bất động sản không dễ dàng chấp nhận thua cuộc. Do vậy, nếu chiến thắng quá sít sao sẽ khiến đối thủ của bà có động lực hơn để tìm cách lật ngược thế cờ và như thế bà Hillary phải chờ đợi kết quả hoặc kiểm phiếu lại, hoặc phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao Mỹ công nhận người chiến thắng, như năm 2000.

Nếu Trump tiếp tục theo đuổi một cuộc chiến pháp lý thì bà Hillary sẽ khó có thể tập trung vào hoàn tất thành phần nội các - một việc cũng quan trọng không kém gì chương trình hành động trong 100 ngày đầu tiên của chính quyền Tổng thống mới. Kịch bản tồi tệ này sẽ không sẽ xảy ra nếu bà Hillary có chiến thắng cách biệt.

Mặt khác, nếu bà Hillary có chiến thắng cách biệt mà đảng Dân chủ vẫn là thiểu số tại lưỡng viện Quốc hội thì bà sẽ có thể được sự ủng hộ của những thành phần ôn hòa trong đảng Cộng hòa. Bởi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống cũng là thước đó sự ủng hộ của cử tri với đảng chính trị của Tổng thống, điều đó khiến phe đa số tại Quốc hội phải xem lại quan điểm.

Hiệu ứng tích cực từ chiến thắng cách biệt cũng sẽ giúp bà Hillary dễ dàng thông qua việc đề cử cuối cùng một thẩm phán của Tòa án Tối cao, thay thế cho cố thẩm phán Antonin Scalia, một người bảo thủ cứng rắn. Tổng thống Obama đã đề cử Merrick Garland, nhưng đề cử này đang bị đình trệ tại Thượng viện. Khi đảng Dân chủ vẫn ở phe thiểu số thì chiến thắng cách biệt của Tổng thống rất quan trọng trong trường hợp này.

Bà Hillary phải chuẩn xác trong đột phá khẩu giải quyết di sản của người tiền nhiệm

Có lẽ vấn đề đối ngoại của chính quyền Obama là điều khiến bà Hillary đau đầu nhất trong 100 ngày đầu tiên của mình. Hiện nay sức mạnh Mỹ, lợi ích Mỹ, giá trị Mỹ đang đối diện với sự đe dọa bởi một Chiến tranh Lạnh được hồi sinh giữa Nga và phương Tây, trong đó căng thẳng Nga – Mỹ đóng vai trò chi phối.

Từ căng thẳng trong cuộc chiến Syria đến việc động binh tại vùng Baltic cũng như ván cờ tàn Ukraine và phòng thủ tại đông Âu. Putin đang ở thế thượng phong nhờ lợi dụng những sai lầm chiến lược của Washington và đồng minh với nước Nga thời hậu xô viết, qua đó làm hồi sinh sức mạnh Nga và hiện đang có những bước dài chiến lược của mình.

Tổng thống Mỹ tương lai phải cùng lúc đối diện với Chiến tranh Lạnh Nga – phương Tây đang hồi sinh và thế giới lưỡng cực Trung - Mỹ đang thành hình. Ảnh : Washington Times

Cùng với đó Moscow đang tác động vào những mắt xích rệu rã của cấu trúc an ninh chung Mỹ- Châu Âu và liên minh cấm vận đối với nước Nga. Kết quả đã khiền nhiều đống minh của Mỹ đang giảm độ hăng hái với những chính sách của Washington, thậm chí có những đồng minh đã trở thành đối tác chiến lược của Moscow.

Do vậy, chính phủ Mỹ tương lai không thể chậm trễ trong việc gia cố các mối quan hệ chiến lược vốn đã tồn tại hơn 70 năm qua giữa hai bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, đây là một việc không dễ dàng khi Washington chuyển trục chiến lược về Châu Á – Thái Bình Dương thì cũng đã đồng thời hạ tầm với các đồng minh cũ. Nay nâng tầm trở lại không hể đơn giản chút nào.

Bên cạnh đó Mỹ lại phải đối mặt với sức mạnh đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ từ Trung Hoa đại lục và đang tạo hình cho thế giới lưỡng cực mới Mỹ - Trung. Sự thể hiện vai trò ngày càng lớn của Bắc Kinh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khiến cho việc chuyển trục chiến lược đối ngoại của Washington gặp vô vàn khó khăn và đến nay vẫn chưa xây được trụ móng.

Đặc biệt nguy hại với bà Hillary là bà sẽ cực kỳ khó khăn trong việc làm hồi sinh Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bởi bà phản đối hiệp định này và cả chính giới cùng người dân Mỹ cũng không ủng hộ di sản này của Obama. Trong khi đó, lợi ích kỳ vọng từ TPP lại được xem là nền tảng đảm bảo thành công cho việc xoay trục chiến lược của Washington.

Có thể thấy, bà Hillary đã tự đưa mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc tiếp tục xoay trục về địa bàn mới. Nếu không xác định chuẩn xác đột phá khẩu và không có kế hoạch xử lý tốt tình huống này thì việc xoay trục đối ngoại của Mỹ sẽ phá sản và khi đó chính quyền mới tại Washington có thể lần đầu tiên phải đối mặt với khủng hoảng trong quan hệ đối ngoại.

Tại địa bàn cũ thì Washington đã chót nhổ neo khiến cho Putin đang có cơ hội biểu dương sức mạnh, thách thức các đồng minh chiến lược của Mỹ. Tại địa bàn mới thì Washignton chưa thể buông neo, giúp cho Tập Cận Bình có đủ điều kiện thực hiện những bước đi chiến lược, lôi kéo đồng minh, phân hóa đối tác, khiến Washington không kịp trở tay.

NATO, G-7 đều có dấu hiệu rệu rã, thậm chí phân rã, G-20 thì đang nằm trong sự chi phối của Bắc Kinh. Có lẽ, 100 ngày đầu tiên sẽ là những cơn sóng lớn mà nếu không bà Hillary không vững tay chéo thì có thể khiến con thuyền Mỹ tròng trành và kéo theo rất nhiều hệ lụy. Một chiến thắng chưa thể trong tầm tay, vậy mà phía sau chiến thắng đã quá nan giải với bà Hillary.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/100-ngay-dau-tien-cua-tong-thong-hillary-clinton-se-the-nao-719430.html