100 ngày cuối đầy sóng gió trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama

Dù nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barack Obama chưa còn tới 100 ngày song nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa thể giải quyết được nhiều điểm nóng trên thế giới đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chỉ còn 100 ngày trên cương vị Tổng thống Mỹ song tới nay nhiều vấn đề nóng vẫn còn tồn đọng mà ông Obama chưa thể giải quyết được. Đây sẽ là gánh nặng cho hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump khi một trong hai người sẽ trở thành tân Tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử ngày 8/11 tới.

Chia sẻ trên tờ Financial Times, nhà nghiên cứu Gideon Rachman nhận định bất ổn ở Trung Đông, châu Âu, Biển Đông cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ là những vấn đề mà ông Obama thừa kế cho tân Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ rời nhiệm sở trong gần 100 ngày tới.

Hiệp định TPP

Hồi tháng Tám, Nhà Trắng cho biết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn có thể được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở.

Trong khi ông Obama coi hiệp định TPP là trọng tâm trong "trục" ngoại giao với châu Á, song triển vọng TPP được Quốc hội Mỹ thông qua ngày càng mờ nhạt. Đặc biệt, cả 2 ứng cử viên Tổng thống là bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa, đều có quan điểm phản đối.

Tình hình Biển Đông

Không chỉ dừng lại ở những tuyên bố gây sốc chỉ trích mối liên minh quân sự lâu đời giữa Mỹ và Philippines, chuyến thăm tới Bắc Kinh của Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ là câu trả lời chính xác cho việc liệu đây chỉ là những tuyên bố "màu mè" hay sẽ biến thành hành động cụ thể trong tiến trình Manila chia tay Mỹ và phương Tây để xích lại gần hơn với Trung Quốc và khả năng cả Nga.

Đặc biệt trong khoảng thời gian giữa tháng 11/2016 – 1/2017, khả năng Manila và Bắc Kinh sẽ còn ký kết một hiệp ước mới liên quan tới bãi cạn Scarborough, khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước trên Biển Đông.

Nếu hai nước đồng thuận "hòa giải" ở bãi cạn Scarborough, điều này đồng nghĩa với việc phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế hôm 12/7 phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông, sẽ trở nên vô nghĩa.

Còn nếu như hai nhà lãnh đạo Philippines và Trung Quốc không thể cải thiện quan hệ song phương, Bắc Kinh có thể lợi dụng những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama để tiến hành cải tạo trái phép tại bãi cạn Scarborough.

Triều Tiên vẫn là một trong những mối đe dọa an ninh đối với Mỹ.

Mối đe dọa từ Triều Tiên

Các phiên thảo luận về những mối đe dọa an ninh ở châu Á không thể không nhắc tới chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khi mà chỉ trong 10 tháng năm nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và phóng thử 18 quả tên lửa.

Điều quan trọng là thế giới cũng không thể biết Triều Tiên đang lưu trữ những vũ khí gì trong kho và bao giờ quốc gia này sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu cũng như thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-10.

Đây sẽ là vấn đề mà tân Tổng thống Mỹ phải đau đầu tìm cách giải quyết bởi theo lý thuyết, tên lửa Hwasong-10 có thể vươn tới đảo Guam của Mỹ. Ngoài ra những hành động bí ẩn ở bãi phóng vệ tinh Sohae cho thấy Bình Nhưỡng sẽ sớm cho phóng thêm một vệ tinh lên quỹ đạo.

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan

Cuộc tấn công đẫm máu hồi cuối tháng Chín nhằm vào căn cứ quân sự tại Uri, Kashmir của quân đội Ấn Độ đã đẩy quan hệ giữa hai quốc gia châu Á trang bị vũ khí hạt nhân ngày càng trở nên căng thẳng. Trong khi Washington vẫn cố gắng hâm nóng mối quan hệ với Pakistan thì mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Ấn Độ đã đạt được những dấu mốc mới trong hơn 2 năm qua dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Narendra Modi.

Do nhận được sự ủng hộ của dư luận đối với chính sách của chính quyền Tổng thống Modi trước Pakistan, chỉ cần một cuộc tấn công nhằm vào dân thường do các tay súng ở Pakistan thực hiện cũng sẽ khiến tình hình căng thẳng leo thang nghiêm trọng.

Quốc vương Bhumibol qua đời

Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà đồng nghĩa với việc đất nước Thái Lan có thể đối mặt với những bất ổn chính trị trong giai đoạn truyền ngôi. Trong 70 năm trị vì, nhà vua đã giúp cho nền kinh tế Thái Lan khởi sắc và là quốc gia có thu nhập trung bình khá, đang từng bước tiến tới dân chủ. Quốc vương Bhumibol được người dân đặc biệt yêu mến và kể cả trong thời gian ốm bệnh, ông vẫn được xem là người có lập trường thống nhất và ổn định nhất ở một đất nước từng gặp nhiều bất ổn về chính trị.

Thái tử Maha Vajiralongkorn, con trai duy nhất của Quốc vương Bhumibol, vừa chính thức được thông báo sẽ trở thành người nối ngôi vua cha. Tuy nhiên, Vajiralongkorn là một nhân vật khá nhiều tiếng xấu và không được yêu mến như cha mình.

Không ít người dân Thái Lan từng hy vọng Công chúa Sirindhorn - chị gái thái tử, sẽ trở thành người nối ngôi bởi bà thường được biết đến như "Công chúa thiên thần" trong dân chúng.

Trong khi đó, theo bản hiến pháp mới được sửa đổi, Thái Lan sẽ tiến hành một cuộc bầu cử vào năm tới. Do đó khoảng thời gian vài tháng tới sẽ được xem là dấu mốc quan trọng về con đường phát triển của Thái Lan trong năm 2017 khi mà đất nước vẫn đang trong giai đoạn để tang nhà vua.

Quan hệ Nga – Nhật

Theo kế hoạch, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gặp mặt chính thức tại Nhật Bản vào tháng 12 tới mà khả năng hai bên sẽ còn đi tới ký kết một thỏa thuận liên quan tới quần đảo Kuril.

Trong năm nay, nhiều dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Abe muốn nối lại mối quan hệ hữu nghị toàn diện với Nga sau khi Tokyo ủng hộ phương Tây gia tăng sức ép với Moscow liên quan tới việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào năm 2014.

Dù quan hệ Nga – Nhật được cải thiện cũng sẽ không thể ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh thân thiết lâu nay giữa Washington và Tokyo song nó sẽ tạo ra những thay đổi lớn địa chính trị và quyết định cách thức điều phối quan hệ với Trung Quốc của Nga và Nhật Bản.

Biển Hoa Đông lại nóng

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông lại bùng phát trong mùa hè năm nay sau gần một năm bình yên. Trong mùa hè năm nay lần đầu tiên kể từ năm 2004, tàu hải quân Trung Quốc tiến vào vùng tiếp giáp gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh. Ngoài ra, hành loạt tàu đánh cá và tàu tuần tra Trung Quốc cũng đã xuất hiện tại khu vực này, khiến Nhật Bản vô cùng giận dữ. Có thể nói, biển Hoa Đông sẽ vẫn là điểm nóng dễ bùng nổ xung đột giữa hai cường quốc Đông Á.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/100-ngay-cuoi-day-song-gio-trong-nhiem-ky-cua-tong-thong-obama-post211964.info