100 giờ với Fidel Castro - câu chuyện một cuộc đời

Cuối tháng 1-2003, Ignacio Ramonet - biên tập viên của báo Le Monde Diplomatique (Pháp) - đã được trò chuyện với nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro. Nhiều cuộc phỏng vấn diễn ra suốt những tháng sau đó đến tận tháng 12-2005, và kết quả là cuốn sách 100 giờ với Fidel Castro ra mắt độc giả vào năm 2006. Lần đầu tiên, Fidel Castro kể lại câu chuyện đời mình một cách đầy đủ.

Đến nay, cuốn sách 100 giờ với Fidel Castro đã được xuất bản tại 60 quốc gia. Dưới đây là trích đăng một phần cuốn sách trên báo Tuổi Trẻ Online.

Che Guevara - bài học để lại

- IGNACIO RAMONET: Sau cuộc khủng hoảng tháng 10-1962, mối đe dọa của Mỹ xâm lược Cuba đã giảm đi. Cách mạng Cuba tiếp tục củng cố những thành quả của mình. Che Guevara bắt đầu đi vòng quanh thế giới. Ông ấy tỏ ra rất quan tâm đến tình hình quốc tế, và đặc biệt là phong trào chống đế quốc?

- Fidel Castro: Điều hiển nhiên nhất là Che đóng vai trò như một người quan sát tình hình trong khối Thế giới thứ ba. Anh ấy rất quan tâm tới các vấn đề quốc tế. Anh ấy rời Cuba năm 1965 - từ đó anh ấy đã đi vòng quanh thế giới, gặp gỡ Chu Ân Lai, Nehru, Nasser, Sukarno, đơn giản vì lý do anh ấy là một chiến sĩ quốc tế chân chính và đặc biệt quan tâm tới những vấn đề của các nước đang phát triển.

Liên quan đến Trung Quốc, theo tôi nhớ thì Che đã gặp gỡ và trao đổi với một số nhà lãnh đạo Trung Quốc. Anh ấy tiếp xúc với Chu Ân Lai, như tôi vừa nói; anh ấy gặp Mao Trạch Đông, có thể thấy là Che rất quan tâm tới tư duy cách mạng của người Trung Quốc. Thậm chí anh ấy còn tới thăm Nam Tư, cho dù tại đây đang diễn ra những thử nghiệm về mô hình tự hạch toán tài chính của khối Đông Âu, cá nhân tôi khi ấy cũng không hề ủng hộ.

- Tháng 12-1964, Che có mặt tại Liên Hiệp Quốc, sau đó lại tới Algeria, và ông ấy còn đi khắp châu Phi trong những tháng đầu tiên của năm 1965.

- Vâng, nhưng đó là một chiến lược, trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho sứ mệnh mà anh ấy tự đặt ra cho mình - Che đã quyết định tới Bolivia. Khi đó anh ấy đang rất sung sức, tràn đầy nhiệt huyết và anh ấy quyết tâm đóng góp cho cách mạng Argentina. Anh ấy đang tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự thành công của một cuộc đấu tranh cách mạng, bởi vì khi đó kẻ thù nào cũng muốn hủy diệt chúng tôi và chúng tôi phải phản ứng bằng cách thay đổi cán cân lực lượng - tức là tiến hành “cách mạng hóa”. Đó là chân lý vĩ đại mà chúng tôi vẫn luôn theo đuổi.

- Và Việt Nam cũng là nguồn cổ vũ lớn lao của những người Cuba. Chính Che đã thúc giục các nước Thế giới thứ ba phải “tạo ra hai, ba, thật nhiều Việt Nam hơn nữa”.

- Và theo quan điểm của tôi thì anh ấy hoàn toàn đúng khi nói vậy. Tôi xin nói ngay rằng năm 1979, tức là 12 năm sau khi Che hi sinh, chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc được vài năm, và những chiến sĩ trong phong trào Sandinista ở Nicaragua đang bắt đầu giành được chiến thắng bằng kiểu đấu tranh mà chúng tôi đã phát động, trong đó Che cũng từng tham gia góp sức mình. Và phong trào cách mạng ở El Salvador cũng bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ với khí thế hừng hực… Đó là một trong những cuộc đấu tranh với nhiều bài học kinh nghiệm nhất.

- Ông đã biết tin về cái chết của Che như thế nào?

- Đối với chúng ta, có những người không bao giờ chết; họ có một sự hiện hữu mạnh mẽ, bền bỉ và dữ dội đến nỗi chúng ta không bao giờ có thể nghĩ rằng họ đã chết. Chủ yếu là vì sự hiện hữu không ngừng nghỉ của họ trong tình cảm và ký ức của mỗi chúng ta. Chúng tôi - không chỉ cá nhân tôi, mà toàn thể người dân Cuba - đều bàng hoàng trước tin anh ấy đã hi sinh, mặc dù đó không phải là chuyện gì đó hoàn toàn bất ngờ.

Chúng tôi nhận được điện báo về những gì đã xảy ra khi họ đang băng qua một con sông, tại hẻm El Yuro, hôm chủ nhật ngày 9-10-1967. Chúng tôi đã vô cùng đau khổ - đó cũng là điều hết sức tự nhiên - khi nhận được tin về cái chết của anh ấy. Trong lúc đau đớn và thương tiếc Che như vậy, ngay trong ngày hôm đó tôi đã có một bài phát biểu, trong đó tôi đã hỏi: “Chúng ta muốn con cái chúng ta trở thành người như thế nào?”, rồi tôi tự trả lời: “Chúng ta muốn chúng giống Che”, và câu nói đó đã trở thành khẩu hiệu của Đội Thiếu niên tiền phong: “Thiếu niên tiền phong cộng sản: chúng ta sẽ học tập Che”.

Sau đó, cuốn nhật ký của Che được chuyển về. Ông không thể hình dung được là việc biết rõ tất cả những gì đã xảy ra (qua cuốn nhật ký đó) có ý nghĩa đến nhường nào đâu - những ý tưởng, hình ảnh, tinh thần chính trực và tấm gương sáng chói của Che. Một con người thật sự khiêm tốn và giản dị, có tinh thần chính trực và nhân cách lớn, Che là như vậy, và đó cũng là lý do tại sao cả thế giới phải khâm phục anh ấy.

Che đã hi sinh không phải vì bất kỳ lý tưởng hay lợi ích nào khác ngoài lý tưởng, lợi ích của những dân tộc bị bóc lột và bị áp bức ở châu Mỹ Latin. Anh ấy đã hi sinh không vì bất kỳ lý tưởng nào khác ngoài lý tưởng của người nghèo và những người bị đọa đày trên thế giới. Lý tưởng của Che sẽ chiến thắng; lý tưởng của Che đang chiến thắng.

- Vậy bài học lớn nhất mà Che để lại là gì?

- Ông muốn hỏi anh ấy đã để lại những gì ư? Tôi tin rằng thật sự thì điều lớn lao nhất là những giá trị đạo đức và lương tâm của anh ấy. Che tượng trưng cho những giá trị cao quý nhất của con người và anh ấy là một tấm gương phi thường. Anh ấy đã tạo nên một hình ảnh vĩ đại, một huyền thoại lớn. Bản thân tôi cũng vô cùng khâm phục Che và yêu quý anh ấy như bất kỳ ai khác. Lúc nào trong tôi cũng tràn ngập niềm cảm phục và tình yêu đối với anh ấy. Và tôi cũng đã giải thích câu chuyện tại sao tôi lại gắn bó với Che đến vậy.

Có rất nhiều kỷ niệm không thể nào xóa nhòa mà anh ấy đã để lại cho chúng tôi, đó là lý do tại sao tôi nói rằng anh ấy là một trong những người cao quý nhất, phi thường nhất, quên mình nhất mà tôi từng biết, và điều quan trọng là chúng ta phải biết rằng những phẩm chất như của anh ấy tồn tại trong hàng triệu, hàng triệu người.

Những nhân vật phi thường theo một cách đặc biệt nào đó cũng sẽ không thể làm nên sự nghiệp vĩ đại nào trừ phi hàng triệu người khác như họ cũng có mầm mống phôi thai để hình thành những phẩm chất đó. Đây chính là lý do tại sao cách mạng Cuba đặc biệt chú trọng tới việc đấu tranh xóa mù chữ và nâng cao trình độ của nhân dân, phát triển hệ thống giáo dục. Với mục đích cuối cùng là mọi người ai cũng giống Che.

Không lặp lại sai lầm ở nơi khác

Khi Liên Xô sụp đổ, rất nhiều người cho rằng cách mạng Cuba cũng sẽ sụp đổ. Làm thế nào người Cuba vượt qua được giai đoạn khó khăn đó?

- Ignacio Ramonet: Ở Cuba không trải qua giai đoạn mà thời Gorbachev ở Liên Xô gọi là cuộc cải tổ về kinh tế, chính trị. Ông có cho rằng việc đó là không cần thiết ở đất nước này và chính vì không trải qua giai đoạn đó mà cách mạng Cuba tồn tại đến ngày nay?

- Fidel Castro: Cho đến bây giờ tôi có thể khẳng định hiện tượng lịch sử xảy ra ở Liên Xô chưa hề xảy ra ở Cuba. Chủ nghĩa Stalin không xuất hiện ở đây, đất nước chúng tôi không có những hiện tượng mang bản chất đó - việc lạm dụng quyền lực, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, thần tượng... Ở đất nước chúng tôi, ngay từ những ngày đầu của cách mạng đã có luật cấm đặt tên đường, công trình công cộng, cầu cống hay tượng đài theo tên các nhà lãnh đạo còn sống.

Chả có lý do gì chúng tôi phải lặp lại sai lầm đã xảy ra ở nơi khác. Ở đất nước tôi không hề có việc ép buộc phải theo tập thể - chuyện đó chưa bao giờ xảy ra ở đây. Chúng tôi luôn tôn trọng một nguyên tắc: chủ nghĩa xã hội được xây dựng bởi những con người tự do muốn tạo ra một xã hội mới. Chúng tôi không muốn phạm những sai lầm không đáng có.

Nếu chúng tôi thực hiện cải tổ về kinh tế, chính trị như ở Liên Xô, người Mỹ sẽ rất vui mừng. Nếu chúng tôi bị chia cắt thành nhiều mảng thì chắc chắn một cuộc tranh giành quyền lực lớn sẽ diễn ra, người Mỹ sẽ là những người thỏa mãn nhất; họ đã từng nói: “Cuối cùng thì chúng ta cũng sắp loại bỏ được cuộc cách mạng Cuba ở đất nước này”. Nếu chúng tôi cải tổ theo kiểu đó, điều mà không phù hợp chút nào với điều kiện ở Cuba, chúng tôi đã tự làm hại mình. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ tự làm hại mình - đó là điều tôi có thể khẳng định chắc chắn.

- Ông có biết Boris Yeltsin không?

- Có. Tôi đã từng gặp Boris Yeltsin. Lúc còn là bí thư của Matxcơva, ông ấy đã đưa ra được rất nhiều ý tưởng hay: dự định giải quyết nhu cầu của người dân thành thị, sự phát triển TP này. Ông ấy rất nhấn mạnh việc gìn giữ các di tích lịch sử của TP - tôi khuyên ông ấy không nên phá hủy những di tích đó.

Khi đến đó tôi từng nói với ông ấy: “Hãy chú ý đến những tòa nhà lịch sử, bởi vì người dân của ông đang dần làm biến mất TP Matxcơva cổ đấy; ông đang xây dựng một TP hoàn toàn khác”. Có lần ông ấy đã dừng chân ở đây trên đường sang Nicaragua, ông ấy đã nói chuyện rất nhiều với chúng tôi.

Một lần tôi sang thăm Matxcơva và Yeltsin được phân công tiếp đón tôi, tôi cũng đã nói với ông ấy một vài chuyện, chẳng hạn như tôi không hiểu sao có những sản phẩm đến 40 năm nay vẫn bán ở mức giá cũ, vì vậy chắc chắn là có sự khan hiếm nào đó và điều đó có thể gây rắc rối; chẳng hạn như trứng cá muối vẫn được bán với giá từ thời Stalin. Vì vậy tôi nói với ông ấy: “Các ông duy trì mức giá rẻ quá thế này sẽ dẫn đến lãng phí. Bánh mì cũng quá rẻ. Rất nhiều người mua bánh mì để nuôi gà sau đó lại bán gà ở “chợ quꔓ.

Ý tôi muốn nói là tôi chứng kiến rất nhiều khoản chi phí, rất nhiều sản phẩm siêu rẻ gây hại cho nền kinh tế, trong khi rất nhiều thay đổi đang diễn ra ở nước họ và trên thế giới - lượng tiền đã tăng lên rất mạnh thì chính sách kiểm soát giá cả hàng hóa không còn phù hợp nữa. Chính sách đó gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực.

- Có khi nào người Cuba cho rằng an ninh của mình từng được sức mạnh quân sự của Liên Xô đảm bảo?

- Không bao giờ. Thậm chí có những lúc chúng tôi còn cho rằng nếu chúng tôi bị Mỹ tấn công, Liên Xô sẽ không bao giờ đứng ra bảo vệ và chúng tôi cũng không thể cầu cứu họ được. Với sự phát triển của công nghệ, thật ngớ ngẩn khi nghĩ, kêu gọi hay hi vọng Liên Xô đứng ra chống lại Mỹ trong trường hợp Mỹ xâm lược hòn đảo chỉ cách họ có 90 dặm đường này.

Chúng tôi biết rất rõ sẽ không bao giờ có sự hỗ trợ nào cả. Hơn nữa, có lần chúng tôi đã thẳng thắn kêu gọi Liên Xô, lúc đó khoảng vài năm trước khi họ sụp đổ: “Cứ nói sự thật với chúng tôi đi” và câu trả lời là “Không”. Thật ra chúng tôi đã đoán trước được câu trả lời. Kể từ đó, chúng tôi đẩy mạnh và hoàn thiện kế hoạch chiến lược và chiến thuật đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng, thắng lợi về quân sự trước một đội quân mạnh hơn gấp hàng trăm lần. Sau câu trả lời đó, chúng tôi hoàn toàn dựa vào các kế hoạch và triết lý quân sự của mình, chúng tôi tự củng cố sức mạnh cho mình.

- Khi Liên Xô sụp đổ, rất nhiều người cho rằng cách mạng Cuba cũng sẽ sụp đổ. Làm thế nào mà người Cuba vượt qua được giai đoạn khó khăn đó?

- Khi Liên Xô - được xem là thành trì của chủ nghĩa xã hội - sụp đổ, không ai cho rằng cách mạng Cuba có thể tồn tại. Chúng tôi bị tác động vô cùng mạnh, một cường quốc như thế tan rã khiến chúng tôi bơ vơ, phải tự lo cho chính mình. Ngày qua ngày chúng tôi không có nhiên liệu, không còn nguyên liệu thô, không có thực phẩm, xà phòng, không có mọi thứ. Và mọi người đều nghĩ cuộc cách mạng Cuba rồi cũng đến lúc sụp đổ, cho đến hiện tại vẫn còn những kẻ ngốc cho rằng nếu bây giờ cách mạng Cuba chưa đổ thì sau này sẽ đổ. Họ càng vui vẻ với ý nghĩ đó, họ càng nghĩ nhiều về viễn cảnh cách mạng Cuba sụp đổ thì chúng tôi càng phải suy nghĩ nhiều, chúng tôi càng rút ra nhiều kết luận để thất bại sẽ không bao giờ diễn ra trên đất nước tươi đẹp này.

Người Mỹ tăng cường cấm vận. Đạo luật Torricelli và đạo luật Helms - Burton được thông qua. Cả thị trường xuất khẩu và nguồn cung cấp hàng hóa bị cấm vận. Lượng tiêu thụ calorie và protein giảm một nửa. Đất nước này đã phải chống chọi lại và chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên mặt trận xã hội. Ngày nay, chúng tôi đã giải quyết được vấn đề thực phẩm dinh dưỡng và đang tiếp tục tiến lên trên những mặt trận khác. Chúng tôi vẫn làm việc và ý thức cảnh giác được tạo ra từ rất nhiều năm nay đã mang đến điều kỳ diệu.

Tại sao chúng tôi chống chọi được? Bởi vì cách mạng đã và đang được sự ủng hộ của cả nước, của những con người thông minh ngày càng đoàn kết, trình độ học vấn và tinh thần chiến đấu ngày càng cao.

Đồng chí Hugo Chavez

Ngày 12-4-2002, âm mưu đảo chính diễn ra ở Venezuela nhằm lật đổ Tổng thống Hugo Chavez. Từ Cuba, Fidel Castro gọi điện: “Đừng từ chức! Đừng từ chức! Đừng hi sinh mạng sống của ông”.

- Ignacio Ramonet: Ông có nói rằng ông là người rất hâm mộ Hugo Chavez - tổng thống Venezuela

- Fidel Castro: Đúng. Nhìn Hugo Chavez người ta có thể nhận ra ngay một người con bản địa của Venezuela, với những tính cách cao quý và tài năng xuất chúng.

- Ông có theo dõi sát sao diễn biến tình hình ở Venezuela, đặc biệt là những âm mưu lật đổ Tổng thống Hugo Chavez không?

- Tất nhiên là có, chúng tôi theo dõi những sự kiện đó với mối quan tâm lớn. Chavez đến thăm chúng tôi năm 1994, chín tháng sau khi ông ấy được ra tù và bốn năm trước khi lần đầu tiên được bầu cử làm tổng thống. Đó là hành động vô cùng dũng cảm, bởi vì ông ấy luôn bị chỉ trích mạnh mẽ khi đến Cuba. Ông ấy đến đây và chúng tôi nói chuyện. Chúng tôi phát hiện ông ấy là con người có học thức, rất thông minh và tiến bộ. Các đối thủ của Hugo Chavez dùng cả bạo lực và biện pháp kinh tế hòng xóa bỏ ông ấy, nhưng Hugo Chavez đã chống lại tất cả.

- Vào ngày 11-4-2002 xảy ra một cuộc đảo chính ở Caracas chống lại Chavez. Ông có theo dõi sự kiện đó không?

- Vào trưa 11-4, khi thấy hoạt động biểu tình của phe đối lập đã trở thành một cuộc tuần hành tiến tới dinh Miraflores, tôi nhận ra ngay rằng những sự việc nghiêm trọng sắp diễn ra. Hành động gây hấn, bắn giết và nạn nhân cứ từng người một ra đi. Có tin cho biết lực lượng bảo vệ tổng thống đã rút lui và quân đội chuẩn bị tấn công dinh Miraflores.

Lúc đó tôi đang tham dự một cuộc họp với Ủy ban điều hành Hội đồng bộ trưởng ở Cung điện Cách mạng. Ngay từ đầu giờ chiều tôi đã liên lạc qua điện thoại với tổng thống Venezuela nhưng không được! Sau nửa đêm, vào lúc 0g38 sáng 12-4, tôi nhận được tin Chavez gọi điện sang. Tôi đã hỏi ông ấy diễn biến tình hình và Chavez trả lời: “Chúng tôi đang bị mắc kẹt ngay trong dinh Miraflores này. Vấn đề quyết định là chúng tôi đã mất lực lượng bảo vệ. Họ cắt cả tín hiệu truyền hình. Tôi không còn lực lượng nào để huy động”.

Tôi ngay lập tức hỏi ông ấy: “Hiện giờ ông còn bao nhiêu lực lượng bên mình?”. “Chỉ còn khoảng 200-300 người đã hoàn toàn kiệt sức”. “Còn xe tăng nào không?”. “Không, lúc trước thì có vài xe tăng nhưng bây giờ họ rút hết về căn cứ rồi”. Tôi lại hỏi: “Ông còn nắm lực lượng nào không?”. Và Chavez trả lời: “Còn một vài lực lượng ở xa, nhưng tôi không có cách nào liên lạc được với họ”. Ông ấy đã mất hoàn toàn liên lạc với lực lượng trung thành.

Tôi cố tỏ ra bình tĩnh hết mức khi hỏi ông ấy: “Tôi có thể nói với ông ý kiến của tôi không?”. Ông ấy nói là có thể, và tôi trình bày bằng tất cả khả năng thuyết phục có thể: “Cố gắng đàm phán các điều kiện để thực hiện một thỏa hiệp và giữ mạng sống của những người mà ông đang có, họ là những người trung thành nhất với ông. Đừng hi sinh mạng sống của họ và cũng đừng hi sinh mạng sống của ông”.

Ông ấy xúc động trả lời: “Tất cả mọi người đều sẵn sàng chết ở đây”. Tôi ngay lập tức nói với ông ấy: “Tôi biết, và tôi nghĩ rằng trong tình huống này thì tôi có thể bình tĩnh hơn ông. Đừng từ chức, cố gắng đàm phán các điều kiện có thể, miễn là ông không trở thành nạn nhân của bọn chúng, bởi vì tôi nghĩ ông không đáng phải chịu như vậy. Hơn nữa, ông còn có trách nhiệm với những người trung thành với mình. Đừng tự hi sinh bản thân mình!”.

“Đừng từ chức! Đừng từ chức!” - tôi nói như van nài ông ấy. Chúng tôi còn nói về rất nhiều chuyện khác: cách ông ấy tạm thời rút lui khỏi đất nước, liên lạc với một số sĩ quan có chức quyền trong hàng ngũ của bọn đảo chính, nói với họ rằng ông ấy sẵn sàng rời khỏi đất nước nhưng không từ chức.

Từ Cuba, tôi nói với ông ấy rằng chúng tôi sẽ cố huy động mặt trận ngoại giao ở nước tôi và ở Venezuela; chúng tôi sẽ cử sang hai máy bay cùng với bộ trưởng và các quan chức ngoại giao để đưa ông ấy đi. Ông ấy suy nghĩ trong giây lát rồi cuối cùng cũng đồng ý. Giữa đêm, chúng tôi triệu tập tất cả các đại sứ ở Havana và đề nghị họ tháp tùng Felipe (Perez Roque), bộ trưởng ngoại giao của chúng tôi, đến Caracas cứu Chavez - vị tổng thống hợp pháp của Venezuela và cũng là người đồng chí của tôi, đưa ông ấy an toàn ra khỏi đất nước đó.

- Chavez là ví dụ tiêu biểu của một nhà lãnh đạo quân sự tiến bộ, nhưng ở châu Âu và ngay cả ở châu Mỹ Latin, rất nhiều người có tư tưởng tiến bộ phê bình ông ấy chỉ vì có liên quan đến nguồn gốc quân sự. Ý kiến của ông về sự khác biệt rõ ràng giữa khía cạnh quân sự và tiến bộ trong con người ông ấy như thế nào?

- Nhà lãnh đạo Omar Torrijos ở Panama là một quân nhân có ý thức sâu sắc về công bằng xã hội và chủ nghĩa yêu nước. Juan Velasco Alvarado ở Peru cũng là người từng khởi xướng rất nhiều giải pháp quan trọng vì sự tiến bộ. Chúng ta cũng không nên quên rằng trong số rất nhiều người Brazil, Luiz Carlos Prestes cũng là một sĩ quan cách mạng đã lãnh đạo cuộc hành quân anh hùng trong năm 1924-1926 có thể ví như cuộc trường chinh của Mao Trạch Đông năm 1934-1935.

Còn rất nhiều câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng cách mạng liên quan đến những quân nhân trong thế kỷ 20. Không có Hugo Chavez, con người được sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, được giáo dục những kỷ luật nghiêm khắc dưới mái trường các học viện quân sự ở Venezuela, nơi rất nhiều những ý tưởng tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của châu Mỹ Latin được dạy dỗ, thì đã không bao giờ xuất hiện vào thời điểm quyết định đó ở nửa bán cầu của chúng tôi một tiến trình lịch sử tầm vóc quốc tế như tiến trình cách mạng ở đất nước đó. Tôi không hề thấy có sự trái ngược mâu thuẫn nào cả.

Cuộc chiến toàn quốc

Fidel Castro có sợ Cuba bị Mỹ tấn công không? “Chúng tôi đã ý thức được điều này từ lâu. Đó là lý do khiến chúng tôi tiến hành “cuộc chiến toàn quốc”. Thực tế đã chứng minh, khi người dân tham gia chiến đấu thì không kẻ thù nào có thể đánh bại họ”.

- Ignacio Ramonet: Người Cuba có lên án những hành động tấn công ngày 11-9-2001?

- Fidel Castro: Chúng tôi phản đối hành động tội ác diễn ra vào ngày 11-9. Và chúng tôi khẳng định lại sự phản đối của chúng tôi chống lại hành động khủng bố dưới bất kỳ hình thái nào. Nước Mỹ đã đưa Cuba vào danh sách các nước “tài trợ cho khủng bố”, nhưng Cuba lại không bao giờ cho phép bọn khủng bố sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nước Mỹ hay bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Chúng tôi cũng lên án các nhà nước khủng bố. Chúng tôi đã đề xuất người Mỹ thực hiện một chương trình chống khủng bố ở khu vực này, nhưng họ từ chối đề nghị của chúng tôi.

- Ông có cho rằng chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa lớn nhất với thế giới ngày nay?

- Tôi đồng ý rằng chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa nghiêm trọng thế giới ngày nay, nhưng tôi cũng cho rằng nhân loại đang phải đối mặt với những mối đe dọa ngang tầm như vậy, hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn: việc tiếp tục phá hủy môi trường và điều kiện sống của các loài; nghèo đói ngày càng gia tăng; thiếu quan tâm đến sức khỏe con người… Rất nhiều mối đe dọa nghiêm trọng mà thế giới này đang phải đối mặt ngoài nạn khủng bố.

Nước Mỹ luôn nhắc đến “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, nhưng tôi lại thấy cần phải thận trọng với khái niệm chủ nghĩa khủng bố. Kể từ vụ khủng bố ngày 11-9-2001, chúng ta thấy rất nhiều hoạt động của các nước - chẳng hạn như Iraq, hay Iran sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình - bị liệt vào các nước có hoạt động khủng bố. Quay lại thời gian những năm 1980 dưới thời tổng thống Reagan, những chiến sĩ như Nelson Mandela chiến đấu chống lại chế độ apartheid ở Nam Phi bị xem là “kẻ khủng bố”. Hay những người chiến đấu vì nền độc lập của Namibia, hoặc người Palestine chiến đấu vì nhà nước độc lập của họ, các chiến sĩ yêu nước Salvador cũng đều bị coi là khủng bố.

- Trong “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”, chính quyền Tổng thống Bush sử dụng căn cứ Guantanamo ở Cuba làm nhà tù giam giữ các “tù nhân chiến tranh”. Ông phản ánh việc đó như thế nào?

- Hàng thế kỷ nay Mỹ vẫn dùng bạo lực chiếm đóng phần đất đó của Cuba - và nó đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc, xấu hổ khi nghe tin tháng 1-2002 Guantanamo bị biến thành phòng tra tấn, nơi hàng trăm người bị bắt từ khắp nơi trên thế giới được đưa về đó giam giữ. Ở Guantanamo, khoảng 500 người từ thanh niên đến người già đang bị giam giữ và bị đối xử miệt thị ngoài sức chịu đựng. Họ bị tước hết quyền được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế và bị giam cầm trong điều kiện vô cùng độc ác, phi nhân tính.

- Ông có lo ngại sẽ có thể xảy ra hành động xâm lược hay “cuộc chiến ngăn chặn” chống lại Cuba không?

- Nếu Tổng thống Bush quyết định xâm lược Cuba thì đó sẽ là một cuộc chiến vô cùng khủng khiếp. Họ sẽ phải đối mặt với toàn dân chúng tôi, những người được tổ chức và vũ trang cẩn thận, một sự phản kháng không khoan nhượng. Cuộc chiến xâm lược đó sẽ gây thiệt hại rất nhiều cho Cuba, nhưng để xâm lược và duy trì được sự thống trị trên đất nước này sẽ cần tới hàng triệu binh lính.

Ở Iraq họ chỉ có khoảng 150.000 lính, và ông có thể thấy họ kiểm soát được rất ít. Nếu ông phân tích tỉ lệ lực lượng khi chúng tôi chiến đấu chống lại chế độ Batista - 80.000 người chiến đấu chống lại 3.000 người - ông sẽ thấy số quân của họ nhiều hơn chúng tôi gấp 25 lần. Vì vậy tôi mới nói rằng để xâm lược và chiếm được hòn đảo này họ phải cần đến 1 triệu lính, và số lượng đó thì họ không có được.

Chúng tôi có cách làm cuộc sống của bọn xâm lược trở nên vô cùng khó khăn. Ngoài lực lượng quân đội thường trực và dự bị thông thường, chúng tôi còn có du kích ở các địa phương - hàng triệu người, cả nam lẫn nữ, tất cả đều sẵn sàng chiến đấu hết mình để bảo vệ đất nước. Cứ thử làm phép tính cho rằng quân đội Mỹ để chiếm đóng đất nước này sẽ phải triển khai hai người lính chống lại một chiến sĩ của chúng tôi, họ sẽ cần một lực lượng không ít hơn 5 triệu quân. Và tôi có thể khẳng định với ông rằng họ sẽ bị tổn thương nặng nề. Chúng tôi dám khẳng định tất cả mọi thứ ở đây đều đã sẵn sàng biến Cuba thành địa ngục đối với họ, một cái bẫy sát thương khổng lồ.

- Ông có sợ chính mình bị tấn công không?

- Ngày nay để xâm lược đất nước này người ta không thể tiến hành chiến tranh như đã từng làm những năm 1959, 1961. Chúng tôi đã thảo luận về việc đó và đi đến thống nhất tiến hành “cuộc chiến trên toàn quốc”, bởi vì nếu với khái niệm chiến tranh truyền thống, chúng tôi chỉ có sáu sư đoàn trong khi người Mỹ có tới 100 sư đoàn. Và với kiểu xung đột truyền thống đó, người dân đứng ngoài xem chiến tranh như cách người ta xem kênh truyền hình CNN mà không hề tham gia chiến tranh. Người Mỹ có nhiều sư đoàn hơn và họ sẽ tiêu diệt chúng tôi; họ có nhiều công nghệ hơn, chiếm ưu thế về không quân... Vì vậy nếu áp dụng chiến thuật truyền thống để bảo vệ đất nước thì chúng tôi sẽ thất bại.

Đó là điều chúng tôi ý thức rõ nhất và tôi đã nói với ông điều này rồi. Chúng tôi nghĩ đến điều này rất nhiều và chúng tôi biết từ lâu rằng trước hành động xâm lược Cuba, chúng tôi sẽ phải chiến đấu một mình và không viên đạn của nước nào khác có thể đưa đến đây. Đó là sự thật, và chúng tôi đã ý thức được điều này từ lâu, đó cũng chính là lý do khiến chúng tôi tiến hành “cuộc chiến toàn quốc”, huy động cả đất nước, vì thực tế đã chứng minh khi người dân tham gia chiến đấu thì không kẻ thù nào có thể đánh bại họ.

- Có phải ông đang muốn nói đến Việt Nam?

- Có rất nhiều ví dụ tiêu biểu, chẳng hạn như ở phía Tây Sahara, người Sahara sống giữa sa mạc, không hề có cây, không hề có rừng nhưng không ai có thể đánh bại họ.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/100-gio-voi-fidel-castro---cau-chuyen-mot-cuoc-doi-137115