10 thứ Campuchia không có, nhưng khách Việt phát thèm

Campuchia là xứ biết chiều lòng du khách, khi mỗi lần quay trở lại, đất và người nơi đây vẫn dành cho những vị khách quen những điều mới lạ, thật thà.

Điều khiến khách thập phương sửng sốt đầu tiên chính là vẻ đẹp của tự nhiên. Thông thường, hai điểm đến đầu tiên mà khách ‘chấm’ ở Campuchia sẽ luôn là Siemriep và PhnomPenh. Không ai có thể từ chối sức hút của kỳ quan độc nhất vô nhị trên thế giới tại quần thể Angkor, cũng như đê mê đắm ngắm hoàng hôn bên sông lộng gió tại PhnomPenh.

Bãi biển Sokha – bãi biển đẹp nhất tại ShihanoukVille.

Vài năm trở lại đây, du lịch biển của Campuchia lại chinh phục lòng người bằng vẻ đẹp thuần khiết của thứ nước biển trong như ngọc, cát trắng như ngà của ShihanoukVille. ShihanoukVille là một thành phố biển nhỏ, nằm ở phía tây nam Campuchia. Cái sự nhỏ nhắn của thành phố xem chừng dễ thương và hiền hòa như cô em mắt đen lay láy, da ngăm tươi rói.

Sầu riêng tại Kampot

Nếu đi đường bộ, du khách từ Sài Gòn mất khoảng 5 giờ để tớ Phnom Penh, và đi tiếp 3 giờ nữa là tới ShihanoukVille. Thời gian tuy hơi dài nhưng chuyến đi lại rất kinh tế. Còn nếu ngại đi lại, khách có thể chọn phương án tối ưu hơn để tiết kiệm thời gian, vì thành phố nghỉ dưỡng này cách Sài Gòn chỉ vỏn vẹn 45 phút bay thẳng.

Sokha là bãi biển duy nhất tại Shihanoukville được trải cát trắng mịn suốt 2km. Ngắm khoảng trời rực rỡ, nước trong thấu tôm lẫn cá tại bãi biển Sokha trắng mịn có thể khiến nhiều người bồi hồi nghĩ ngay tới Phú Quốc. Từ ShihanoukVille, khách có thể đi thuyền ra đảo Korong và Korong Saloem, và chiêm ngưỡng Maldives thu nhỏ, thay vì ra tận ngoài khơi Thái Bình Dương.

Nhưng xứ xở có nụ cười ngọt vị đường thốt nốt này còn nhiều báu vật hơn thế. Và những điều ‘không’ có ở Campuchia dưới đây, tiếc thay lại là những thứ mà những du khách từ Việt Nam sang lại vô cùng thèm muốn.

Thứ nhất, người dân Campuchia không ‘chặt chém’ khách mua hàng nói chung, du khách nói ngoài nói riêng. Do đó, tại các cửa hàng lẫn khu chợ, dịch vụ, không có chuyện mặc cả hay nói thách.

Bên trong các chợ của Campuchia.

Thứ hai, người Campuchia không có thói quen vào rừng săn trộm thú rừng, tài nguyên. Tuy nhiên, đúng dịp nào đó, có một chú lợn mọi chạy ra khỏi rừng thì hôm đó hẳn là du khách … may mắn.

Thứ ba, trong các khu chợ không có điện. Người bán hàng trong chợ ở Campuchia hầu như không thắp đèn, do giá điện cao. Vì vậy chủ sạp hay dọn hàng muộn vào ban sáng, và cất hàng khá sớm vào buổi chiều.

Thứ tư, không sống vội. Nhịp sống của người dân Campuchia nhìn chung là chậm rãi và thư thái. Họ dành một phần thời gian khá lớn cho gia đình vào cuối ngày và cuối tuần.

Thứ năm, rau không phun thuốc kích thích. Những quầy rau của người dân bản địa rất tươi tắn, nhưng không xanh rói kiểu bắt mắt giả tạo. Nguyên nhân là vì nông dân không hề sử dụng phân bón hóa học và thuốc kích thích.

Thứ sáu, gạo không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu, chất hóa học (chống ẩm mốc). Nông dân Campuchia chỉ trồng lúa 1 vụ trong cả năm, và kéo dài 6 tháng mùa mưa. Họ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, nên rất an toàn. Tuy nhiên, giá gạo ở đây khá cao. Mặc khác, cách trồng trọt này mang lại nhiều món đặc sản nữa, đó là côn trùng. Người dân Campuchia hoàn toàn yên tâm ăn các loại côn trùng mà không lo nhiễm chất độc hóa học.

Thứ bảy, thịt không có chất tăng trọng, chất cấm. Chăn nuôi tại Campuchia không sử dụng chất cấm, do đó, sản lượng khá thấp và giá khá cao. Campuchia chủ yếu đánh bắt tôm cá ngoài biển. Hải sản không có các loại chất bảo quản hoặc phụ gia.

Thứ tám, sầu riêng không ngâm hóa chất. Tỉnh Kampot được coi là thủ phủ sầu riêng ngon nức tiếng. Với các tín đồ của thứ trái cây nữ hoàng nhiệt đới, thì đây quả là thiên đường. Bởi sầu riêng tại Kampot có sức quyến rũ khó cưỡng vì vừa thơm nồng đượm, lại ngọt lịm đê mê, mà hoàn toàn không hề có bất kỳ chất bảo quản nào. Thứ cấm cản duy nhất ngăn thực khách tận hưởng trái cây này là túi tiền. Bởi giá sầu riêng tại đây đắt hơn nhiều so với ở Việt Nam và cả Thái Lan.

Bãi biển ShihanoukVille sôi động về đêm. Tại đây du khách có thể tự thưởng cho mình một đêm đặc biệt, với các loại pháo hoa mua ở bãi biển.

Tương tự vậy, khách ghé ngang tỉnh Ta Keo của Campuchia chớ quên thử món xoài keo. Cùng là xoài keo giống như Việt Nam, nhưng do người dân có thói quen ăn tới đâu, mới hái trên cây tới đó, nên quả xoài lúc nào cũng mọng và thơm đặc biệt. Khác với sầu riêng, xoài keo rất rẻ. Những loại hoa trái khác của người dân bản địa trồng khách hoàn toàn có thể ăn liền, vì không hề sử dụng hóa chất bảo quản.

Thứ chín, không có rác tại những điểm du lịch. Quần thể đền đài Angkor rộng lớn bát ngát, nhưng nếu tinh ý, khách có thể thấy là tại đây không hề có bất kỳ cọng rác nào. Ngay từ sáng sớm cho tới chiều tà, luôn có một ‘đội quân’ giữ sạch cho cả khu quần thể, dọn từng mảnh rác, chai nước… thậm chí cả lá cây rơi trên mặt cỏ. Trên đỉnh núi Bokor (Tà Lơn) hay biển Sokha cũng vậy, rác ‘không được chào đón’.

Thứ mười, không còi xe, không phóng nhanh vượt ẩu, không… xe máy Trung Quốc. Tại các đường quốc lộ, tỉnh lộ hay thậm chí ở thủ đô PhnomPenh luôn trong tình trạng tắc đường, hầu như không hề có bất kỳ tiếng còi xe nào. Tài xế Campuchia nhìn chung lái xe rất ‘hiền’, lại sống chậm, nên đã góp phần lớn trong việc tránh ô nhiễm tiếng ồn trên phố.

Với 10 sự không này, rõ ràng, du lịch Campuchia đã có thêm vô số điểm cộng vừa hấp dẫn, vừa bền lâu. Đây cũng là những điểm mà du khách Việt hẳn là vừa thích thú, hài lòng, nhưng không tránh khỏi ngậm ngùi.

Lê Thu

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/du-lich/306752/10-thu-campuchia-khong-co-nhung-khach-viet-phat-them.html